Giá sữa bị thao túng?

Kinh tếThứ Sáu, 18/09/2015 11:58:00 +07:00

Giá sữa tại Việt Nam không chịu giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, phải chăng giá sữa tại Việt Nam đang bị thao túng?

Ngành sữa Việt Nam phụ thuộc 80% nguồn nguyên liệu sản xuất sữa từ nước ngoài. Nhưng đến thời điểm này, giá sữa thị trường nội địa vẫn đứng ở mức cao trong khi giá sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Đứng ở mức cao
Ngày 17/9, khảo sát tại phố Hàng Chiếu, nhiều chủ kinh doanh mặt hàng sữa nói như đinh đóng cột, giá sữa cả tháng nay vẫn ổn định ở mức cao chứ không có chuyện giảm. Trong khi đó, diễn biến giá sữa trên thị trường thế giới đang có nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng với xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, tại châu Úc, giá sữa bột gầy (FOB) ở mức 1.325-1.700 USD/tấn, giảm 275-400 USD/tấn; giá sữa nguyên kem 1.450-2.000 USD/tấn, giảm khoảng 300-325 USD/tấn. Tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy (FOB) 1.600-1.925 USD/tấn, giảm khoảng 75-225 USD/tấn; giá sữa nguyên kem (FOB) ở mức 1.850-2.475 USD/tấn, giảm khoảng 125-325 USD/tấn.
Thông tin giá sữa thế giới giảm cũng được Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương thừa nhận. Trong tháng 8 - 2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12% - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc với biên độ giảm từ 30% - 35% so với tháng trước.
  Giá sữa trong nước vẫn không chịu điều chỉnh
Trở lại với thị trường sữa nội địa. Hiện nay, toàn quốc có 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sữa. Trong 5 năm qua số lượng đàn bò sữa tăng trung bình 14% mỗi năm và đã đạt con số gần 230.000 con vào đầu năm 2015. Số lượng các đại gia đặt chân vào ngành sữa ngày càng nhiều.
Chẳng hạn như ông chủ tập đoàn Đức Long Gia Lai, hay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, rồi TH Truemilk, Vinamilk… đang trong cuộc chạy đua nuôi bò sữa. Cả dự báo trong nước và quốc tế đưa ra đều chung một nhận định: Nguồn cung sữa sẽ tiếp tục dồi dào cho đến hết năm 2015, khiến giá sữa có thể tiếp tục giữ ở mức thấp trong tháng tới.
Nhưng đây có lẽ là sự vô lý khi giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước ASEAN. Có hơn 700 sản phẩm sữa được doanh nghiệp đăng ký công khai, niêm yết giá bán sữa tại các cổng thông tin điện tử, nhưng dường như hoạt động của thị trường sữa đang tự tung tự tác chứ ít thấy tác động từ phía nhà quản lý. Bởi trong khi ngành sữa Việt Nam phụ thuộc 80% nguồn nguyên liệu sản xuất sữa từ nước ngoài. Giá nguyên liệu sữa đã giảm mạnh, giá sữa trong nước vẫn không chịu điều chỉnh.

Khảo sát tại phố Hàng Chiếu, sữa Enfamil A+ 900g có giá 510.000 đồng/ hộp. Hay sữa bột Similax IQ số 1 hộp 900g cũng có giá tương tự. Mức giá này đứng im cả 2 tháng nay. Còn tại một số cửa hàng sữa, cửa hàng Sữa bỉm tại phố Nguyễn Chí Thanh, sữa bột Abbot PediaSure 850g có giá 580.000 đồng/hộp, sữa bột Abbott Similac Neosure 370 g có giá 237.000 đồng/ hộp.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, không chỉ mặt hàng sữa mà giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu đang cao một cách bất hợp lý và cần kéo xuống cho bằng giá trị thực. Nguyên nhân là do quá nhiều trung gian, hệ thống phân phối yếu kém. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí ngày càng nhiều, chưa kể chi phí không chính thức tăng, buôn lậu và gian lận thương mại phức tạp. Với thực trạng này, người tiêu dùng luôn chịu thiệt.
Khó kiểm soát
Dự báo của Cục quản lý giá đưa ra, giá sữa tại Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định trong 9 này. Tuy nhiên, điều đáng bàn, tại sao giá sữa thế giới giảm mạnh giá sữa trong nước vẫn cứ “ổn định”, mặc dù đã sử dụng nhiều liệu pháp rắn, từ việc áp trần đến loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cấu thành giá sữa?
Đại diện một công ty nhập khẩu phân phối các sản phẩm sữa gầy, sữa tăng cân cho nam và nữ thừa nhận, trong quãng thời gian 2 tháng trở lại đây giá sữa nhập về của công ty có giảm. Có thể các đại lý, các cửa hàng bán lẻ chịu nhiều chi phí về nhân công lẫn như tiền thuê nhà… nên chưa điều chỉnh.
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành giữ nguyên quan điểm khi bình luận về giá sữa, mặt hàng sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
“Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, sản xuất kinh doanh tăng giảm cùng thời điểm, và tương tự nhau. Một năm qua, nếu giảm, giá sữa chỉ giảm nhỏ giọt gây bức xúc cho người tiêu dùng” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trao đổi với Đại Đoàn Kết.
Bộ Tài chính vừa đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục bình ổn giá sữa tại Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa, các mặt hàng thiết yếu khác để có các giải pháp quản lý kịp thời.
Trước thông tin này, ông Ngô Trí Long phản ứng, về phương pháp quản lý, hiện nay quan trọng nhất là kiểm soát chi phí của DN, từ giá vốn nhập khẩu, cho đến thuế khóa, vận chuyển, hoa hồng các đại lý… Thực tế hiện nay, việc kiểm soát này hầu như không làm được, vì thông tin ngoài nước thì không biết, thông tin trong nước thì mập mờ…
 Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính:

Nguyên liệu sữa chỉ chiếm khoảng 40% giá thành, 60% còn lại là phụ thuộc vào các yếu tố khác. Trong thời gian qua, các yếu tố cấu thành giá khác như lương tối thiểu vùng tăng 14% đã tác động đến chi phí tiền lương và chi phí đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động tăng.

Một yếu tố khác là tỷ giá. Kể từ khi thực hiện bình ổn giá sữa từ tháng 6-2014 đến nay, tỷ giá đã điều chỉnh tăng tới 5% (3% năm 2015), nên đã khiến chi phí doanh nghiệp đội lên tương ứng. 

 

Nguồn: Đại Đoàn Kết
Bình luận
vtcnews.vn