Gia hạn tăng vốn điều lệ 3.000 tỷ cho các ngân hàng

Kinh tếThứ Ba, 14/12/2010 01:30:00 +07:00

Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đề xuất giãn tiến độ tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ cho các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đến 31/12/2011.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đề xuất giãn tiến độ tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ cho các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đến 31/12/2011.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đề xuất gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ cho các Tổ chức tín dụng đến 31/12/2011. 
Ông Dương Quốc Anh - Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng, cho biết: Do những khó khăn khách quan trong việc thực hiện tăng vốn theo nghị định 141, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giãn tiến độ tăng vốn điều lệ cho các Tổ chức tín dụng.
 
Chấp thuận phương án đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các cơ quan liên quan trình Chính phủ trước ngày 15/12/2010 việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 141 theo hướng gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ cho các Tổ chức tín dụng đến 31/12/2011.
 
Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ.
 
Tuy nhiên, ông Dương Quốc Anh khẳng định, việc yêu cầu các Tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính là một chủ trương đúng đắn, có giá trị dài hạn, cần phải tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu này. Những khó khăn vướng mắc là khách quan, tạm thời và có tính thời điểm.

3 khó khăn để tăng vốn đúng hạn

Giải thích cho việc điều chỉnh thời gian trên, theo cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng, bối cảnh nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và thị trường tài chính trong nước có nhiều biến động đến nay chưa có nhiều dấu hiệu khả quan – điều này dẫn đến thị trường chứng khoán trong suốt một thời gian dài hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều ngân hàng cùng tăng vốn một lúc, làm cho cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng đầu tư ra các quốc gia khác. Vì thế hầu hết các nguồn tăng vốn điều lệ chủ yếu của TCTD như phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, phát hành ra công chúng hay phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài đều không thuận lợi.

Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ trong việc hạn chế các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước góp vốn ra ngoài lĩnh vực chính và yêu cầu các doanh nghiệp này thoái vốn tại các TCTD để tập trung vào hoạt động kinh doanh chủ yếu cũng là một khó khăn lớn cho các TCTD cổ phần có cổ đông hiện hữu là các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước này khi thực hiện tăng vốn điều lệ.

Ngoài ra, một số TCTD cổ phần đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng gặp phải một số quy định về thời gian khi phát hành cổ phiếu ra công chúng mà không thể hoàn tất việc tăng vốn điều lệ đúng thời hạn quy địnhh.

Được biết, còn 18/23 ngân hàng chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ là: Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM, Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Gia Định, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Phương Tây, Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Bảo Việt.


Theo SBV

Bình luận
vtcnews.vn