Gia đình “mọt sách”

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 02:27:00 +07:00

Dù bậc cha mẹ có trình độ văn hóa, thuộc ngành nghề, tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể có những đứa con yêu đọc sách.

Từ  “mọt sách” được dùng trong nhan đề bài viết này hết sức chừng mực. Không phải mọt sách theo cách người ta vẫn nghĩ, là đầu to mắt cận, đù đờ như gà công nghiệp, lúc nào cũng chỉ cắm đầu vào chữ nghĩa sách vở, không thiết tha gì đến thế giới bên ngoài. Ðứa con “mọt sách” của thời hiện đại có thói quen thích đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Chúng yêu quý, giữ gìn những cuốn sách, coi đọc sách là một việc giải trí hấp dẫn hơn nghe – nhìn, và sách là món quà đáng để chờ đợi nhất, hơn búp bê, siêu nhân hay robot...

Dù bậc cha mẹ có trình độ văn hóa, thuộc ngành nghề, tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể có những đứa con yêu đọc sách. Không thể định lượng theo kiểu con tôi ham đọc sách, sau này nó sẽ trở thành giáo sư /tiến sĩ, hay rồi có cơ hội làm giám đốc/người quan trọng trong xã hội để đổi đời. Ðọc sách trước hết sẽ giúp hình thành nên một tâm hồn đẹp, một nhân cách tốt, một cách tư duy hệ thống và khoa học, một tinh thần ham học hỏi, và trên nữa, là cả một sự khiêm tốn, bởi đứng trước thế giới tri thức và lịch sử nhân loại, con người trở nên hết sức nhỏ bé.

Cha mẹ là tấm gương chân thực nhất

Tôi là một người rất thích đọc sách. Không phải chỉ vì cái nguồn gốc học sinh chuyên văn hay đã từng có cơ hội thực hiện một chương trình truyền hình chuyên về văn hóa đọc trong gần 3 năm liền. Ba năm được đọc sách miễn phí đã không chỉ tiếp tục nuôi dưỡng một con người tìm thấy niềm vui trong những cuốn sách nấu ăn, trang trí nội thất, dạy con hay tiểu thuyết hiện đại, mà còn nung nấu thêm dự định sẽ biến con mình thành một con “mọt sách”.

Tôi đọc bất cứ cái gì mình thích. Có lẽ việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm chính là như vậy, bản thân chăm chỉ đọc sách, và đôi khi, “khoe khéo” điều đó với con, để chính con thấy rằng, à, khi bố mẹ rảnh rỗi, bố mẹ không chơi game, shopping... bạt mạng. Bố mẹ ÐỌC SÁCH!

Công việc sưu tầm sách cho con đã bắt đầu từ khi con còn chưa hoài thai. Những cuốn sách do các công ty sách tặng hoặc vô tình mua được trong những ngày lang thang phố sách được xếp loại vào tủ: dành cho lứa tuổi nào, loại sách nào: truyện cổ tích/sách khoa học/sách kỹ năng/sách tô màu/sách thơ, tản văn...

Những bộ sách của Thái Hà Books tập hợp các phương pháp khá nổi tiếng về dạy con trên thế giới rất đáng quan tâm. Có thể kể tới như Phương án 0 tuổi của GS Phùng Ðức Toàn, bộ sách về phương pháp Glenn Doman...  Hoặc các topic/bài viết về cách dạy con của các mẹ ở Pháp, Nhật, Mỹ... Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, nhưng đó sẽ là xương sống để bạn bám vào và lựa chọn những cái hay, cái phù hợp áp dụng cho con mình.

 

Tiêu chí chung nhất, có lẽ là cho con một tuổi thơ tràn ngập tình yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm với bố mẹ. Với tiêu chí đó, bạn sẽ lựa chọn được những điểm hay, không hay của từng phương pháp để áp dụng cho mình. Với sách tranh, thơ, tản văn, bạn nên tìm đến NXB Kim Ðồng với sự kỹ tính và chuẩn mực trong hơn nửa thế kỷ làm sách cho thiếu nhi. Sách Atlas, bách khoa tri thức, 10 vạn câu hỏi vì sao... thì Công ty sách Ðông A là một đại diện uy tín.

Thái Hà Books cũng đã có tên tuổi với các dòng sách kỹ năng cho cha mẹ trẻ và định hướng tuổi teen. NXB Trẻ có những tác phẩm văn học giá trị trong và ngoài nước để kích thích tư duy sáng tạo, sự bay bổng của các con. Ðó là một vài cái tên tôi tín nhiệm trong làng sách thiếu nhi.

Chuột bạch “Minh Tôm”

Con trai tôi tên là Anh Minh. Tên ở nhà của cháu là Tôm. Và bây giờ, tròn 20 tháng tuổi, cháu tự gọi mình là “Minh Tôm”. Sau 9 tháng 10 ngày bơi trong bụng mẹ, được nghe nhạc Baby Mozart và nghe mẹ kể chuyện (kể to rõ ràng và có cưng nựng với cái bụng bầu tổ chảng của mình), đọc sách bất cứ khi nào rảnh, Minh Tôm ra đời. Sau những bộn bề thường nhật của sữa bỉm, Minh Tom sớm được tiếp xúc với những cuốn sách vải đầu tiên.

Sách vải/sách cao su dành riêng cho trẻ em hiện đã được nhập khẩu về Việt Nam. Sách vải có thể giặt được như áo quần, con không thể xé rách, rất mềm mại với da trẻ em. Sách cao su lại phù hợp để bé chơi lúc tắm, bên cạnh đàn vịt bơi bơi, những quả bóng nhựa nhiều màu hay những chữ xốp hút nước bé có thể dán lên tường phòng tắm. Ðây là hai loại sách đồ chơi bé có thể tiếp xúc ngay từ những ngày đầu đời.

Theo như các nghiên cứu của chuyên gia Nhật Bản, trẻ sơ sinh chưa phân biệt được nhiều màu sắc, mà các bé chủ yếu nhìn ra màu đen/trắng. Vì vậy, có thể giơ bé xem những bức tranh đen trắng đơn giản, những họa tiết đen trắng (kẻ carô, đường lượn sóng...) để kích thích thị giác bé trong những ngày đầu đời. Sau đó, hàm lượng màu sắc tăng dần lên.

Ngoài sách vải theo hình dáng cuốn sách, các nhà sản xuất còn cho các mẹ thêm nhiều lựa chọn khi ra mắt sách vải hình khối (các block hình vuông để bé vừa đọc sách, vừa xếp hình), sách vải hình thú bông, sách vải làm gối đầu, sách vải kiêm gặm nướu. Những vật dụng xung quanh bé đều mang dáng dấp cuốn sách như thế, thì tình yêu sách sẽ đến với bé rất tự nhiên. Sách vải có thể giặt đi dùng lại được nên khá bền, xứng đáng để đầu tư.

Ðến tháng thứ 3, Minh Tôm chính thức có thể tự cầm một cuốn sách giấy để giơ lên bằng hai tay. Bên cạnh việc cho con tập lẫy, tập cầm nắm, thì ngoài xúc xắc, thú bông, Minh Tôm tập cầm nắm cả những cuốn sách nhỏ. Từ đây, con bắt đầu cuộc phiên lưu trong thế giới sách của mình. Cứ rảnh 5, 10 phút, mẹ lại chỉ các hình ảnh trong sách cho con xem. Ðây là hình gì, chữ này đọc là gì, đây là màu gì, con này kêu như thế nào.

Ban đầu là nói chuyện một mình (các bà cô chồng nhìn cảnh này rồi chẹp miệng bảo: “Sau này thằng Tom nó khổ. Mẹ bắt học suốt ngày!!!”). Sau đó con bắt đầu biết u ơ, rồi con cũng chỉ chỉ vào trang sách. Mỗi ngày qua, con ghi nhớ tiến bộ dần. Mẹ không bắt Tôm xem nhiều. Mỗi lần chỉ 5, 10 phút và dừng lại khi con vẫn còn thòm thèm. Làm như vậy, con sẽ không thấy nhàm chán và đủ hào hứng cho lần bắt đầu tiếp theo. Dần dà, khi biết bò và chập chững biết đi, con tự bò về phía những cuốn sách, tự giở xem. Và khi con tập nói, những chữ đầu tiên con nói có cả hai chữ “Ðọc sách”.

Bao nhiêu phút mỗi ngày cho con là đủ?

Mẹ nào cũng bận rộn. Nhưng mẹ thử nghĩ xem, 5, 10 phút ngồi rốn ở cơ quan để buôn thêm một chút, 15 phút lướt web trôi qua nhanh vèo vèo. Bớt chỗ này, thêm chỗ nọ, thì nửa tiếng dành cho con mỗi ngày đâu có gì là khó. Khi Tôm còn nhỏ, buổi sáng mẹ Tôm tranh thủ nửa tiếng để đưa con ra công viên chơi kiêm tắm nắng. Nhà thiếu ánh nắng nên con ngủ dậy sẽ được mẹ và bác giúp việc đưa ra công viên ngay. Dắt lưng ăn tạm một hộp sữa.

Nếu đánh đổi bữa ăn sáng sớm và thời gian để con hít thở không khí trong lành của nắng mai buổi sớm, mẹ chọn phương án thứ hai. Sau khi bò/chạy chơi thỏa thích, con đói và về ăn sáng rất ngon. Thật tiếc là nhiều hôm một mình con sở hữu sân chơi ngoài công viên. Không phải bà mẹ nào cũng lựa chọn cùng con tắm nắng mỗi sáng như mẹ.

Nửa tiếng mỗi tối, mẹ cùng con đọc sách, chỉ cho con những thứ mới mẻ, hát cho con nghe. Học mà chơi, chơi mà học. Hoàn toàn không theo cách là “bắt” con học quá sớm như nhiều người nhận xét. Ngay cả khi tắt đèn, mẹ vẫn có thể “365 chuyện kể hằng đêm” để thủ thỉ con nghe trước khi ngủ. Mọi thứ đến với con hết sức tự nhiên. Và con thành người yêu sách lúc nào không biết. Sau 9h con đã ngủ say, mẹ sang phòng bên tiếp tục công việc. Nghĩa là, mẹ vẫn được làm việc, được cống hiến, chứ không chỉ quẩn quanh với con như nhiều người nghĩ.

Mơ ngày thu hoạch trái ngọt

Bản thân tôi rất ngạc nhiên khi Tôm bắt đầu biết nói, con tự ê a đọc ngọng nghịu những bài thơ mà tôi đọc con nghe cách đó vài tháng. Tức là ngay cả khi chưa biết nói, con đã ghi nhớ nó trong một phần trí não mình. Khi con biết nói, phần trí nhớ đó được đánh thức lại. Hiện giờ, 20 tháng, con nhận biết được bảng chữ cái tiếng Việt, một số từ tiếng Anh cơ bản, biết phân biệt màu sắc, nhận biết đồ vật xung quanh, con vật nào kêu tiếng gì, một số bài thơ/bài hát. Ðương nhiên, tôi không chạy theo bệnh thành tích.

Nhưng liệt kê như thế để thấy rằng, ít phút mỗi ngày bắt đầu có hiệu quả. Mà tôi còn là một bà mẹ lười biếng, biết nhiều cách khác mà vẫn chưa áp dụng: dán chữ lên các đồ vật quanh nhà để con học chữ sớm, dạy con tập nói bằng Flashcards... Nếu con biết, bé sẽ nói: “Nhanh lên đi mẹ, thời thơ ấu của con trôi qua nhanh lắm”. Bởi lẽ, theo nhiều nhà khoa học, từ 0 đến 6 tuổi là thời gian bé tiếp cận và ghi nhớ kiến thức tốt nhất trong toàn bộ cuộc đời. Sau 6 tuổi, việc dạy dỗ mới bắt đầu là quá chậm, sẽ là thiệt thòi cho chính con bạn.

Một việc nhỏ khác tôi đã làm. Ðó là đào tạo những kiến thức nhỏ về phương pháp dạy con cho bác giúp việc. Nhà bác ở chân núi Ba Vì. Nuôi con nuôi cháu tuyệt nhiên không có bất cứ kiến thức khoa học gì. Sau khi ở với Tôm, bác đã đưa canxi, sắt, kẽm, men tiêu hóa, sách nuôi dạy con, công thức nấu bột, cháo ăn dặm... về với làng quê nhà bác. Cứ mỗi lần bác về, nữ thanh niên tập trung đông đúc lại nhà bác để xem những cuốn sách bác mượn tôi. Hà Nội đấy, Hà Nội mở rộng của chúng ta... Hy vọng Tôm “mọt sách” của tôi, có thể làm được điều gì hơn mẹ nó, giúp đỡ được nhiều người hơn, từ những kiến thức mà con đang vui vẻ học ngày hôm nay.

Mẹ Tôm


Bình luận
vtcnews.vn