Giá điện sẽ tăng theo giá nhiên liệu?

Kinh tếThứ Tư, 03/08/2011 07:05:00 +07:00

(VTC News) - Biểu giá điện sẽ được hoàn thiện dựa trên việc điều chỉnh giá bán điện theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái...

(VTC News) - Theo Bộ Công thương, biểu giá điện sẽ được hoàn thiện dựa trên việc điều chỉnh giá bán điện theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát. Đồng thời, giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí. Vậy một câu hỏi đặt ra là giá điện sẽ tăng trong thời gian tới?

Bỏ bù chéo giá điện
Cụ thể về giá bán điện, Thứ trưởng Vượng khẳng định: giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng - PV) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính.

“Giá bán điện cần phải xem xét tới các đặc thù vùng và cư dân các vùng"
Theo đó, biểu giá điện sẽ được hoàn thiện theo hướng: Thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát.

Giảm dần và tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; nghiên cứu thực hiện biểu giá điện theo mùa và theo vùng. Bổ sung biểu giá điện hai thành phần: Giá công suất và giá điện năng; trước tiên áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện lớn.


“Giá bán điện cần phải xem xét tới các đặc thù vùng và cư dân các vùng: Biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi ,... với những điều tiết trợ giá, trợ thuế cần thiết để giảm bớt cách biệt về hưởng thụ năng lượng điện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa giữa các khu vực và bộ phân dân cư, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị....”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.


Về sơ đồ điện VII mà Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp, mục tiêu được đặt ra là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ngoài ra, mục tiêu là cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sơ đồ điện này sẽ cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, dự kiến sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh, đến năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh.


Họp báo công bố sơ đồ điện VII chiều nay.
Đặc biệt, sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020.


Nhà máy điện hạt nhân đảm bảo nguồn điện

Để đảm bảo nguồn điện, sơ đồ điện VII cũng chỉ rõ phải phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt. Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được đưa vào vận hành năm 2020.


Phát triển các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm thực hiện đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu cung cấp cho sản xuất điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện và khí đốt. Năm 2020, công suất nguồn điện sử dụng LNG khoảng 2.000 MW.


Về xuất, nhập khẩu điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, sẽ thực hiện trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường trao đổi để đảm bảo an toàn hệ thống, đẩy mạnh nhập khẩu tại các vùng có tiềm năng về thủy điện, trước hết là Lào, tiếp đến là Campuchia, Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020, công suất điện nhập khẩu khoảng 2.200 MW.


Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch được duyệt, theo Thứ trưởng Vượng, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 sẽ khoảng 929.700 tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD).


Điểm khác biệt giữa sơ đồ VI là sơ đồ điện VII đưa ra những giải pháp rất cụ thể về vốn cũng như cách tính giá điện. Theo đó, nguồn vốn sẽ được huy động từ nhiều nguồn như: huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện thông qua các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện. Từ đó, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Từ đó, tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích lũy của các doanh nghiệp.


Ngoài ra, việc phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ cũng là một biện pháp quan trọng.


Từng bước thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn.


Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn 

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn