Giá điện sẽ gánh thêm 2.000 tỷ đồng lỗ phát sinh tỷ giá của EVN

Kinh tếThứ Tư, 16/09/2015 11:13:00 +07:00

hơn 2.000 tỷ đồng phát sinh do biến động tỷ giá sẽ phải đưa vào giá thành điện trong năm 2015,giá điện sẽ không tăng trong năm nay, Phó Tổng giám đốc EVN.

Mặc dù hơn 2.000 tỷ đồng phát sinh do biến động tỷ giá sẽ phải đưa vào giá thành điện trong năm 2015 nhưng giá điện sẽ không tăng trong năm nay, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.

Không tăng giá điện trong năm 2015 
Theo thống kê, biến động tỷ giá đã làm tăng chi phí của EVN thêm 12.000 tỷ đồng trong đó, 2.000 tỷ đồng là khoản phải thanh toán ngay trong năm 2015 và 10.000 tỷ đồng còn lại là số tiền đội lên từ các khoản vay ngoại tệ dài hạn.
Trao đổi trên VTV, ông Đinh Quang Tri cho biết, với khoản chênh lệch 2.000 tỷ đồng EVN phải đưa vào giá thành năm 2015 ngay và phải tìm biện pháp tăng doanh thu, giảm chi phí các khoản khác để đưa khoản đó và thay vì chịu lỗ.
2.000 tỷ đồng lỗ phát sinh tỷ giá được đưa vào giá thành điện 

Còn 10.000 tỷ đồng vay dài hạn, có khoản phải trả trong 20 năm thậm chí 30 năm đối với các khoản vay ODA, EVN xin phép Chính phủ phân bổ dần.
Đồng thời, ông Tri cũng nhấn mạnh từ nay đến cuối năm EVN không có kế hoạch xin điều chỉnh giá điện, giá điện giữ nguyên như hiện nay.
 Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam 
Như vậy, với khẳng định trên của lãnh đạo EVN, người dân có thể yên tâm, trong khoảng hơn 2 tháng tới đây, giá điện sẽ không được điều chỉnh tăng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương từng cho biết, Cục đã yêu cầu EVN tính toán lại và báo cáo sau đó, sẽ cân đối khả năng chịu đựng của doanh và và chi phí bán, trường hợp chênh lệch lớn sẽ có thảo luận với Bộ Tài chính trước khi quyết định.
Cũng theo ông Phúc, hiện biểu giá điện đang được EVN tiến hành lấy ý kiến và phải báo cáo với Bộ trong tháng 10 tới đây.

"Không có cạnh tranh phải có sự giám sát"
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng cho biết chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và nêu đề xuất tính khoản lỗ này vào giá thành điện. Đề xuất vừa được nêu ra đã nhận sự phản ứng dữ dội từ dư luận cũng như giới chuyên gia.
Cụ thể, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, việc đòi tăng giá sản phẩm ngay theo tỷ giá tăng là hành vi của người độc quyền, không phải hành vi của người cạnh tranh.
"Vì độc quyền nên không phải cạnh tranh với ai, không phải lo gì về chuyện đối thủ của mình ra sao. Với doanh nghiệp nhà nước có tính độc quyền, chỉ vì muốn tăng giá là phải xin phép Nhà nước, nếu không thì có lẽ họ đã tăng giá sản phẩm luôn theo tỷ giá", ông Thành nêu giả thiết.
Cũng theo ông Thành, nếu ngành điện có chi phí nhập khẩu đầu vào chiếm 40% giá thành sản phẩm, thì khi tỷ giá tăng 5%, giá thành sản phẩm chỉ được tăng tối đa 5% của 40% chi phí liên quan đến tỷ giá, tức là tương đương tăng 2% giá sản phẩm.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, việc tính toán tỷ giá vào giá điện cần được công khai, thẩm định và tính toán một cách nghiêm ngặt.
"Không thể phủ nhận điều chỉnh tỷ giá làm tăng thêm chi phí nhưng mọi doanh nghiệp đều phải tìm cách cắt giảm chi phí để tổn tại. Nhưng những ông độc quyền lại tính cả chi phí vào mà không nghĩ rằng có thể cắt giảm là điều cần phải xem xét.
Nếu không có sự cạnh tranh phải có sự giám sát. Theo tôi nên mời Quốc hội, cơ quan kiểm toán độc lập xem xét thẩm định, không nên để Bộ chủ quản (Bộ Công Thương – PV) xét duyệt giá doanh nghiệp thuộc Bộ", ông Doanh nêu quan điểm.

Nguồn: Bizlive
Bình luận
vtcnews.vn