Giá cả leo thang, 7.000 đồng không đủ bữa ăn cho HS

Giáo dụcThứ Hai, 04/04/2011 04:13:00 +07:00

(VTC News)- Đó là ý kiến của hầu hết các đại diện các Sở GD&ĐT trên toàn quốc tham gia chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học ở Việt Nam (SEQAP).

(VTC News)- Đó là ý kiến của hầu hết các đại diện các Sở GD&ĐT trên toàn quốc tham gia chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học ở Việt Nam (SEQAP).

Chương trình SEQAP bắt đầu từ tháng 3/2010 và kết thúc vào tháng 12/2015 với tổng vốn khoảng 186 triệu USD. Chương trình hướng tới mục tiêu chung là cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học. Bước đầu chương trình được thực hiện ở 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Chương trình SEQAP nhằm hỗ trợ học sinh tại các tỉnh khó khăn (Ảnh: Phạm Thịnh)

Sau 1 năm triển khai dự án, các tỉnh thành tham gia đều gặp  những khó khăn trong triển khai, thực hiện chương trình. Tại hầu hết các tỉnh, các đại biểu đều cho rằng mức ăn 7.000 đồng/bữa quá thấp nên chưa đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Đại liện Sở GD&ĐT Bình Thuận cho rằng một số nơi cấp kinh phí theo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp cho trường nhưng cũng không thể thanh toán đầy đủ cho giáo viên nếu số giờ vượt quá 200 tiết/năm/giáo viên. Bên cạnh đó, số tiền dành để cho học sinh ăn trưa là quá thấp nên tỉ lệ học sinh ăn trưa và ở lại trường là thấp.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Kon Tum, học sinh ăn trưa tại trường nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, như nhà ăn, nhà bếp; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được đảm bảo (thiếu nguồn nước sạch, việc bảo quản thức ăn…).

Bên cạnh đó, việc tổ chức ăn trưa tại nhà trường đòi hỏi ngày công lao động của ban giám hiệu và giáo viên tăng lên vượt mức quy định nhưng chưa có kinh phí chi trả hay bồi dưỡng để động viên tinh thần. Bên cạnh đó, sách truyện còn thiếu và nghèo nàn, thiếu dụng cụ thể dục thể thao cho học sinh vui chơi ngoài giờ nghỉ trưa…

Hầu hết đại diện của các địa phương đều cho rằng: “Định mức bữa ăn trưa theo quy định của chương trình cần được thay đổi cho phù hợp với biến động của giá cả thị trường”.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang kiến nghị: “Chương trình cần tăng kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho học sinh lên 10.000 đồng/bữa. Bên cạnh đó cần có chế độ cho các cán bộ, giáo viên tham gia chương trình như Tổng phụ trách đội, giáo viên trực trưa…

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho học sinh lên 10.000 đồng/ bữa và mở rộng diện được hỗ trợ dành cho các gia đình khó khăn, con em dân tộc thiểu số

Theo ý kiến của nhà tài trợ, các cơ sở địa phương từ cấp huyện, cấp xã phải là đơn vị thực hiện chính của chương trình. Đồng thời, khi chuyển sang học 2 buổi/ngày cần phải thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục.

Cần nâng mức hỗ trợ cho học sinh các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Mô hình thực hiện theo hình thức xã hội hóa của các trường tiểu học ở Kom Tum cũng được đưa ra để nhiều địa phương học tập và áp dụng cho địa phương mình. Tại trường tiểu học Xã Hiếu- Kon Plong (Kon Tum) nhà trường vận động sự đóng góp của phụ huynh để cùng tổ chức nấu ăn. Ngoài ra nhà trường cũng vận động cộng đồng hỗ trợ rau, củ, quả; vận dụng từ nguồn hỗ trợ gạo cho hộ nghèo và các dự án khác trên địa bàn.

Trường tiểu học Xã Hiếu- KonPlong có 7 điểm trường nên nhà trường đã thuê 7 nhân viên phụ trách nấu nướng cho các em học sinh. Nguồn kinh phí để trả công cho các nhân viên này được kêu gọi từ cộng đồng.

Chia sẻ về sự khó khăn này, ông Trần Đình Thuận, Giám đốc Ban quản lý SEQAP cho rằng nên xem xét và điều chỉnh về quỹ phúc lợi dành cho học sinh. Đối với các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì học sinh khó khăn được hưởng chế độ dự án nhiều hơn 40%. Bên cạnh đó, giá cả thị trường tăng nhanh nên 7.000 đồng/bữa là một điều khó thực hiện.

Trao đổi với VTC News, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “chương trình này mới thực hiện được 1 năm nên kết quả còn hạn chế. Đây cũng là cái chung, những chương trình, dự án khi triển khai năm đầu tiên thường chậm. Kế hoạch giải ngân cũng như thực hiện những nhiệm vụ thường năm đầu tiên thường không đạt kế hoạch, tuy nhiên sẽ được tăng tốc vào những năm sau”.

Chương trình SEQAP hỗ trợ các trường tiểu học chuyển sang dạy học 2 buổi / ngày; nâng cao hiệu quả dạy học, tăng thời lượng học tập, tăng hiệu quả dạy học tại nhà trường.

Chương trình sẽ đầu tư để xây dựng thêm hơn 4.500 phòng học cho các trường (gồm phòng học mới; toilets và phòng học đa năng); phụ cấp thường xuyên cho 2.500 giáo viên dạy thêm giờ và các khoản chi tiêu cho các quỹ hỗ trợ nhà trường và học sinh; đầu tư cho 1.600 trường tiểu học chuyển từ phương thức dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày…

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn