Giá bia lại tăng thêm 20% ngày cận Tết

Kinh tếThứ Ba, 09/02/2010 04:17:00 +07:00

Là mặt hàng sản xuất dồi dào, các nhà máy lại không hề tăng giá bán nhưng bia khi đến tay người tiêu dùng vẫn đắt cháy túi và đã "đội" giá 20-40% từ khoảng 1 tu

Là mặt hàng sản xuất dồi dào, các nhà máy lại không hề tăng giá bán nhưng bia khi đến tay người tiêu dùng vẫn đắt cháy túi và đã "đội" giá 20-40% từ khoảng 1 tuần nay.
Tại thị trường Hà Nội, giá 1 thùng bia lon Hà Nội đang bán từ 210.000 -215.000 đồng, bia chai 170.000 đồng; bia Heineken chai và lon có giá tương đương nhau từ 335.000 đồng - 350.000 đồng; bia Tiger lon giá 220.000 đồng/thùng; thấp hơn 1 chút là Halida lon giá 180.000 đồng thùng...

Tại thị trường TP.HCM, nhiều loại bia cũng tăng giá. Giá bia lon 333 là 210.000-215.000 đồng/thùng; Heineken xuân đang bán giá khoảng 350.000 đồng/thùng; Heineken lon cao (loại 550ml)  giá bán lên tới 570.000 đồng/thùng; bia Tiger cũng tăng giá, đang bán ở mức 225.000-230.000 đồng/thùng.

Giá các loại bia cách Tết Nguyên đán Canh Dần 1 tuần nay được cho là đã tăng khá cao so với 1 tháng trước đây. Khi đó, bia lon Hà Nội chỉ có giá 175.000 đồng/thùng; bia Tiger lon 190.000 đồng/thùng... và giá bia vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn cho đến cận Tết, khi nhu cầu tăng lên.

Gần đến Tết Nguyên đán, các loại bia lại tăng giá chóng mặt

Không thiếu hàng nhưng giá vẫn tăng cao

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Bia -Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết: Bia không hề thiếu. Tại miền Bắc Tổng Công ty cổ phần Bia -Rượu- Nước giải khát Hà Nội (DN có sản lượng chiếm khoảng 70% thị phần bia miền Bắc) đã đưa nhà máy mới đầu tư công suất 200 triệu lít/ năm tại Mê Linh vào hoạt động và sản lượng bia cung ra thị trường tăng đáng kể, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Các DN nghiệp khác do biết nhu cầu bia trong dịp Tết tăng cao nên đã chuẩn bị  và đưa ra thị trường số lượng bia tăng từ 20 - 40% so với những ngày bình thường vì vậy không có chuyện khan hiếm hàng. Bên cạnh đó  từ 1/1/2010 thuế tiêu thụ đặc biệt với bia lon và bia chai được giảm, chính vì thế tất cả các DN đều giữ nguyên giá bán bia như năm 2009, không hề tăng.

Cụ thể như bia chai Hà Nội loại 450ml giá nhà máy bán ra chỉ có 118.000 đồng/két 20 chai, bia nhỏ 330ml là 136.000 đồng/két 24 chai; bia lon 170.000 đồng/két 24lon và bia chai xanh 99.000 đồng/két 20 chai. Với các sản phẩm bia khác cũng vậy, nhà sản xuất không hề tăng giá bán.

Cũng theo ông Hùng, Hiệp hội Bia - Rượu- Nước giải khát đã  có công văn yêu cầu các DN thành viên phải đáp ứng đầy đủ nguồn hàng và mạnh tay kiểm soát, không để các đại lý tự ý tăng giá bán bia, rượu, nước giải khát trong dịp Tết Nguyên đán.  Vậy nhưng giá bia trên thị trường vẫn tăng mạnh. Giá tăng cao được lý giải là  do các cửa hàng, đại lý tự ý nâng lên và nhà sản xuất không thể kiểm soát được.

Sở Công thương Hà Nội cũng khẳng định việc tăng giá bia trong những ngày gần Tết Canh Dần không phải do thiếu hàng. Qua kiểm tra, Sở Công thương Hà Nội xác định việc tăng giá chỉ là hiệu ứng tâm lý khi có hiện tượng một số người, một số điểm bán lẻ mua gom bia, nước ngọt tích trữ với mục đích đẩy giá tăng trong dịp Tết.

Cơ sở kinh doanh gom hàng làm giá

Một đại lý phân phối bia lon và bia chai Hà Nội trên đường  Hoàng Hoa Thám (gần nhà máy bia Hà Nội) cho biết: Từ cách đây 2 tháng, mỗi ngày đã có hàng chục khách hàng tìm đến đại lý này đặt mua bia Hà Nội với  số lượng  lớn khoảng 400 - 500 két các loại. Phần lớn những khách hàng này đều mua để găm hàng, gần Tết bán ra kiếm lời. Cứ thử tính 1 thùng bia lon Hà Nội, họ mua lúc đó chỉ  với giá 175.000 đồng rồi 1 tháng sau bán ra với mức  từ 200.000 đến 215.000 đồng thì lợi nhuận sẽ cao như thế nào. Vì vậy nhiều người đã chuẩn bị tiền và gom hàng từ sớm để mua giá  thấp và bán giá cao kiếm lời-  ông chủ đại lý này nói.

Theo phân tích của  chủ đại lý này, nhu cầu bia dịp Tết thường  tăng cao, hiếm khi xảy ra tình trạng ế hàng. Hơn nữa, hạn sử dụng với bia  kéo dài hàng năm nên trong trường hợp chưa tiêu thụ hết có thể thong thả bán. Chính điều này khiến nhiều cơ sở kinh doanh yên tâm gom hàng và coi đây là cơ hội "hốt bạc".

Không chỉ có các đại lý cửa hàng bên ngoài đẩy giá bia tăng cao mà ngay trong các siêu thị giá bia cũng tăng cao. Khảo sát một loạt siêu thị tại Hà Nội sẽ nhận thấy điều này. Tại Siêu thị Fivimart  trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài giá 1 thùng bia lon Hà Nội hiện được bán ra với mức 210.000 đồng chẳng rẻ hơn các đại lý bán lẻ  bên ngoài là bao.Với các siêu thị, hàng Tết thường được chuẩn bị khá sớm. Đây là những DN bán lẻ có hệ thống kho bãi chứa được nhiều hàng hoá, họ lại có vốn lớn có thể nhập được nhiều hàng với số lượng lớn, nhưng Tết đến thì họ cũng tăng giá theo, chẳng khác gì bên ngoài chứ không phải để bình ổn thị trường.

Trong khi đó, từ rất sớm, Ban Chỉ đạo 127/TW đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp kiềm chế tăng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán để bình ổn giá cả. Vậy nhưng hình như các giải pháp này tỏ ra  không hề  có hiệu quả, ít nhất là đối với mặt hàng bia, các đơn vị kinh doanh vẫn thi nhau tăng giá.

Như vậy có thể nói giá bia tăng cao còn do một nguyên nhân nữa gây nên là không kiểm soát được giá bán trên thị trường. Nhà sản xuất chỉ kiểm soát được giá bán cho đại lý cấp 1, còn giá bán trên thị trường  thì bất lực. Các cơ quan chức năng cũng không có các biện pháp kiểm soát giá hiệu quả, chính vì thế khi nhu cầu tăng cao, các cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại đẩy giá lên cao.

Nếu chỉ đẩy mạnh sản xuất mà không đẩy mạnh kiểm soát giá  trên thị trường thì nhiều mặt hàng vẫn có thể tăng giá đến "chóng mặt" mà không làmg gì được.

Theo VietNamnet
Bình luận
vtcnews.vn