GĐ Kênh VTC16 : "Vẫn thiếu những người tâm huyết"

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 07:55:00 +07:00

"Vấn đề chính là lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn thiếu những người làm truyền hình tâm huyết"

“Vấn đề của chúng ta ở đây không phải là nguồn kinh phí hay sóng để chuyển tải thông tin, về định hướng thông tin tuyên truyền thì lại càng không phải không có. Vấn đề chính là lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn thiếu những người làm truyền hình tâm huyết”, bà Nguyễn Kha Thoa, Giám đốc kênh VTC16 đã chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí THS VTC về những trăn trở trong nghề.

 

 

Có nhận định rằng, truyền hình dành cho nhà nông hiện nay còn nhiều khoảng trống, rằng có nhưng chưa đủ. Đã trải qua nhiều năm làm trong lĩnh vực này, bà có thể lý giải tại sao lại như vậy? Liệu có phải đối tượng khán giả này chưa được thực sự coi trọng?

Tôi đã từng tranh luận hay nói cách khác là đấu tranh rất nhiều với các lãnh đạo ở Phòng, Ban Thời sự, nơi tôi từng làm việc về vấn đề “đất” cho các chuyên mục nói về Nông nghiệp Nông thôn.  Theo tôi nhìn nhận, đất sống cho các chuyên mục không thiếu, nhưng cái thiếu đầu tiên và quan trọng hơn cả đó là thiếu những người đánh giá đúng tầm quan trọng của việc thông tin cho nông nghiệp nông thôn và về những vấn đề của nông thôn nông nghiệp. Trầy trật mãi nhưng cũng may lãnh đạo đã hiểu được những tâm huyết của tôi nên đã đồng ý để tôi mở chuyên mục “ Nhà nông làm giàu” phát sóng lúc 6h30 sáng và sau đó là “ Bản tin nông nghiệp”  lúc 6h30 chiều hàng ngày.  Đây cũng chỉ là 2 trong số rất rất ít các chương trình truyền hình dành riêng cho nông dân, nông thôn trên sóng truyền hình.

Theo điều tra của chúng tôi – Nhóm tác giả ý tưởng của “ Kênh truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn” thì cho đến thời điểm trước khi Kênh Truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn VTC16 ra đời, mỗi ngày chỉ có chưa đầy 30 phút phát sóng là thời lượng chuyên biệt dành cho 80% dân số của chúng ta sống ở Nông Thôn.

Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta ở đây không phải là nguồn kinh phí hay sóng để chuyển tải thông tin, về định hướng thông tin tuyên truyền thì lại càng không phải không có. Vấn đề chính là lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn thiếu những người làm truyền hình tâm huyết. Có thể kể ra đây một vài ví dụ : Tôi vào nghề từ năm 1996 và nơi tôi đến làm việc đầu tiên là Phòng Nông Nghiêp – Nông Thôn – Ban Chuyên Đề - VTV. Lúc đó có khoảng 9 người cùng tầm tuổi, cùng có mong muốn gắn bó với truyền hình lâu dài và cùng phấn đấu nỗ lực để khẳng định mình. Song, không vượt qua được 5 năm, có đến 8 người đều đã chuyển sang phụ trách hoặc thể hiện các chuyên mục thuộc các lĩnh vực khác.  Năm 2004 khi tôi chuyển về Ban Thời sự, một vài lãnh đạo thấy làm lĩnh vực này quá vất vả nên có ý chuyển tôi qua lĩnh vực khác, song tôi đã từ chối.

  ban Thời sự, tôi đã học hỏi, đã được làm, được thể hiện và khá thành công, song lại nảy sinh những bất cập. Đó là việc khó để tìm ra một ai đó có cùng ý chí, cùng tâm huyết và cùng ý thức về lĩnh vực này để có thể bàn bạc, chia sẻ. Nhiều vấn đề gai góc, hóc búa, cần tranh luận về vấn đề Nông nghiệp – Nông thôn nhưng khi tôi đưa ra, hầu như không nhiều người hưởng ứng. Ở đây mọi người đều có những đam mê riêng, có người thì có sở trường là những vấn đề kinh tế vĩ mô, nhiều người lại quá đi sâu vào các mảng đề tài khác. Vậy là nhiều khi  tôi có cảm giác, một mình đi trên một con đường độc đạo.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi nghĩ rằng việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt cho Nông nghiệp – Nông Thôn là cần thiết. Không những thế tôi còn muốn xây dựng một đội ngũ những người làm truyền hình chuyên về nông nghiệp nông thôn, với những cảm hứng và đam mê về lĩnh vực này. Và tôi tin rằng mình sẽ không cô độc...

Đến nay, sau gần 6 tháng lên sóng kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn VTC 16, việc thông tin, tuyên truyền về những lĩnh vực khác nhau đã dần có được sự cân bằng trên truyền hình. Trước đây, người ta thấy nhiều kênh truyền hình về tài chính chứng khoán, những kênh truyền hình giải trí mà nông dân chẳng có mấy sự đồng điệu thì nay đã có một kênh riêng về nông dân, nông thôn. Tại nhiều vùng Nông thôn, người ta kéo sang nhà nhau xem giống như thời bao cấp, mỗi làng chỉ có vài cái tivi. Giờ thì tivi không thiếu nhưng chưa phải nhà nào cũng có đầu thu kỹ thuật số.  Từ 5h30 sáng đến tận đêm khuya, điện thoại của kênh lúc nào cũng kêu réo rắt vì bà con nông dân gọi điện đến chia sẻ hoặc nhờ tư vấn. Tôi cũng đã có hơn 100 đồng nghiệp mà phần nhiều trong đó đều say mê công việc và nhiều ý tưởng sáng tạo. Đó đích thực là những người tâm huyết cùng tôi xây dựng  kênh truyền hình này.

 

Chị đã có thời gian làm truyền hình cho nông dân, chị thấy nông dân cần gì? Đang thiếu gì?

Đất đai và chuyện đền bù, số phận và cuộc sống những người nông dân ở đó. Nông sản và giá lên xuống thất thường, lúc thừa lúc thiếu, thuỷ lợi và kho chứa, sân phơi, tất cả, đều đang là những vấn đề nóng bỏng được báo chí nêu rất nhiều. Điều mà người ta nói đến ở đây cuối cùng hầu hết là những bất cập trong chính sách… Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ hơi khác một chút. Cái thiếu và bất cập sâu xa hơn đó chính là vấn đề thông tin cho nông thôn, cách tiếp cận thông tin của bà con nông dân và ngược lại, thông tin từ nông dân, đời sống nông thôn đến các nhà hoạch định chính sách.

Năm 2008, giữa lúc khắp Đồng bằng Sông Cửu Long rất nóng bỏng chuyện thừa ế cá da trơn, tôi cũng có mặt ở đó và được nghe rất nhiều bà con nói rằng “chúng tôi đang sản xuất mù”. Quả đúng như vậy, bao năm qua, ngành thuỷ sản kêu gọi, hô hào nuôi cá da trơn xuất khẩu, song ngặt một nỗi, nông dân chỉ biết thông tin qua đài báo là nhà nước khuyến khích nuôi cá da trơn xuất khẩu chứ không thấy nói nuôi bao nhiêu là vừa và được nuôi ở những vùng nào. Kết quả, nhiều người đốn cây, bỏ lúa để đào ao nuôi cá. Và chỉ đến khi doanh nghiệp từ chối mua cá thì lúc đó nông dân cũng mới biết rằng trên thị trường vẫn còn một lượng lớn cá da trơn chưa tiêu thụ hết. Hay nói ngay với giống lúa IR 50404, cả năm 2008 và năm 2009, vụ đông xuân được mùa, được giá, đến vụ hè thu lại thừa ế và thương lái không mua. Nông dân đã dường như không biết đến khuyến cáo của cơ quan chức năng về những bất lợi của giống lúa này trong vụ hè thu. Hoặc là có biết đến khuyến cáo nhưng không biết hết được những nguy cơ xảy ra với giống lúa này trong vụ hè thu. Và năm 2009, vì rút kinh nghiệm năm trước, đã có khá nhiều và khá sớm những thông báo, công văn, công điện chỉ đạo sản xuất, nhiều báo cũng đưa tin nhưng rốt cuộc bà con vẫn cấy.

Qua những câu chuyện này cho thấy, vấn đề ở đây không chỉ là chính sách mà trong rất nhiều trường hợp, thông tin đã không đến được với bà con hoặc đến không đầy đủ. Tại nhiều vùng nông thôn, bà con nghe nói có những chính sách hỗ trợ vốn vay, nhưng họ không biết phải vay ở đâu và làm những thủ tục gì, mặc dù có thể ngân hàng không gây khó, địa phương có lẽ cũng sẵn sàng xác nhận giấy tờ liên quan, nhưng nông dân không biết phải bắt đầu từ đâu…

Trong thời gian qua, để thông báo, phân tích các chính sách cho nhà nông, một vài cơ quan báo chí cũng đã đưa rất kịp thời, tuy nhiên, báo viết thì chỉ đến được tới UBND xã và điểm bưu điện văn hoá xã. Theo số liệu điều tra, tại các tỉnh phía Bắc có tới 90% người dân nông thôn không đọc báo, miền Trung con số này còn cao hơn. Đài phát thanh, số người thường xuyên nghe cũng chỉ còn khoảng 40%. Chủ yếu bà con lấy thông tin trên truyền hình. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình nông thôn cũng bập bõm, lúc có lúc không, mặc dù gần đây, thời lượng về các vấn đề nông nghiệp nông thôn đã tăng lên khá nhiều. Kênh thông tin chính ngạch là qua chính quyền địa phương thì chẳng phải mỗi lúc họ lại họp dân để thông báo. Hơn nữa hầu như cũng chỉ có các nghị quyết được thông qua kênh này, còn lại các thông tin về luật, về thị trường, chính sách đầu tư… bà con không được cung cấp đầy đủ.               

Việc thiết lập một khu vực thông tin chuyên biệt cho nông thôn và những nhà quản lý nông nghiệp nông thôn thực tế đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Ở Thái Lan, công việc này đã được thực hiện từ rất lâu. Trung Quốc cũng vậy, việc thiết lập một hệ thống thông tin dành riêng cho nông thôn đã được thực hiện khá dày đặc. Hệ thống thông tin này ngoài việc phản ánh, cập nhật thông tin về nông thôn nông nghiệp còn là một phương tiện đào tạo nghề rất hữu hiệu cho nhà nông.

 

Theo chị, VTC16 đã khỏa lấp tất cả những chỗ trống đó chưa?

Nếu nói là đã thỏa mãn được nhu cầu thông tin của Nông dân chưa thì chắc chắn là chưa, bởi nhu cầu thông tin của bà con rất lớn, trong khi lâu nay chúng ta chưa chú trọng đến lĩnh vực này. Do vậy kênh VTC16 ra đời trước mắt cũng chỉ có thể giúp bà con đỡ “cơn khát” mà thôi. Có nhiều lý do, điều đầu tiên phải kể đến là đội ngũ phóng viên còn khá non trẻ. Kỹ năng nghiệp vụ cũng như những hiểu biết về xã hội đặc biệt là về nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, vì vậy việc khai thác các vấn đề, chuyển tải thông tin đến với bà con chưa đạt được như chúng tôi kỳ vọng. Tuy nhiên, bù lại những chương trình của chúng ta đặt trọng tiêu chí thiết thực và gần gũi với nông dân nên hàng ngày bà con vẫn đón nhận rất nhiệt tình. Những cuộc điện thoại của nông dân tìm đến với chúng tôi mỗi ngày một nhiều hơn. Chúng tôi đã phải tổ chức hẳn một bộ phận chuyên trách lắng nghe, ghi chép và phản hồi lại thông tin của nông dân. Hy vọng rằng sau một năm nữa, khi đội ngũ phóng viên đã có đủ độ chín, kênh VTC16 sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khán giả. 

Chị có thể cho biết, kênh 16 có những kế hoạch phát triển như thế nào để ngày càng đến gần với khán giả, và trở thành người bạn thân thiết với nhà nông?

Những năm gần đây, có rất nhiều những bài viết để tôn vinh doanh nghiệp, rất nhiều giải thưởng cho các doanh nghiệp mỗi năm. Trong khi đó,  các cuộc thi, những giải thưởng cho nông dân còn quá ít và cũng hiếm thấy đưa tin, vì vậy mà tôi đã nung nấu thực hiện giải thưởng “Sao thần nông”. Có đến hơn 60 triệu người là nông dân, chiếm tới 70% dân số cả nước. Nông dân là lực lượng lao động làm ra khá nhiều hàng hoá và chiếm tỷ trọng kim ngạch khá lớn đối với nền kinh tế nước ta. Họ xứng đáng được tôn vinh. Giải thưởng “Sao thần nông” sẽ được thực hiện và ngày càng hoàn thiện hơn qua từng năm bởi đó là sự kiện rất có ý nghĩa với Nông dân. Đây chỉ là một trong số rất nhiều những ý tưởng, những chương trình mà chúng tôi sẽ thực hiện trên kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn mà ở đó, nông dân sẽ được tham gia, trao đổi, thông tin và đào tạo.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của chị!

Nhằm tôn vinh người nông dân, trong năm 2010, VTC16 sẽ tổ chức 2 Giải thưởng lớn là “Sao Thần Nông” và  “Ý tưởng Sáng tạo trong nông nghiệp’’ hướng tới những người nông dân sản xuất giỏi, nhiều phát minh, sáng kiến và cả những cá nhân, tổ chức có những người phát minh, sáng tạo có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 Hà Trang – Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn