Gặp người vứt bỏ tiền tỷ ở Ba Vì

Kinh tếThứ Bảy, 28/08/2010 05:43:00 +07:00

(VTC News) - Cung hàng nhiều trong khi người có nhu cầu mua thực sự để sử dụng không có nên muốn "bán tống" đất Ba Vì trong thời điểm này cũng không dễ.

(VTC News) - Theo làn sóng bán tháo bất động sản tại Ba Vì, nhiều nhà đầu tư chấp nhận mất đứt tiền tỷ cho 1 lô đất so với giá tại thời điểm mua vào. Tuy nhiên, cung hàng nhiều trong khi người có nhu cầu mua thực sự để sử dụng không có nên muốn "bán tống" trong thời điểm này cũng không phải là chuyện dễ.

Trong chuyến khảo sát đất tại khu vực Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì vừa qua, chúng tôi tình cờ có cuộc tiếp xúc với một nhóm đầu tư từ nội thành Hà Nội lên tìm mối bán đất.

Trong câu chuyện với anh Thành, một trong số những người đang cần bán đất cho biết, hiện anh ta đang có gần 15m dài đất mặt tiền tại thôn Kim Sơn, khu vực dẫn vào trung tâm xã Yên Bài, nơi trước đây được trù tính sẽ đặt trung tâm hành chính quốc gia.

Với mỗi lô đất, NĐT sẵn sàng chịu lỗ hàng tỷ đồng để "tháo vốn" song việc bán đất Ba Vì trong thời điểm hiện nay không phải là điều dễ dàng (Ảnh minh họa internet). 

Tại thời điểm sốt nóng, vị này đã phải chi gần 2,3 tỷ đồng để mua lô đất trên, tương đương với gần 150 triệu đồng/m2.

Chỉ sau đó một tháng, khu đất của anh đã giảm gần 20 triệu đồng/m2, tức là anh “mất đứt” khoảng 300 triệu đồng cho lô đất trên. Khi đó, dù có lỗ anh cũng nhất quyết không bán vì tin rằng, dù sao dời trung tâm hành chính và xây Trục Hồ Tây – Ba Vì vẫn có nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 7 vừa qua, sau khi nắm được thông tin Hà Nội sẽ từ bỏ ý định dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, ngay lập tức anh đã thay đổi quan điểm theo hướng chấp nhận lỗ để “cắt đứt” với khái niệm... đất Ba Vì.

Vị này cũng thật lòng chia sẻ: “Nghe bạn bè xúi giục đầu tư đất Ba Vì sẽ thu lợi tiền tỷ, vợ chồng tôi cũng liều “ném” vào đấy hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, giờ tôi rao bán có 1,8 tỷ đồng, rồi 1,5 tỷ đồng cả tháng nay cũng không ai thèm mua”.

Song cũng theo anh Thành, cũng nắm thông tin như anh nhưng một số đồng nghiệp có đất ở khu Ba Vì, Quốc Oai vẫn chưa có ý định bán. Bởi lẽ, họ tin rằng, việc thành phố tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực phía Tây trong thời gian qua chắc chắn phải có mục đích gì đấy.

Hơn nữa, theo những người này, qua thông tin trên báo chí thì hiện Bộ Xây dựng vẫn theo đuổi ý tưởng xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì, cho dù đường Láng – Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long – PV) đã quá đủ cho một khu vực vốn chưa mấy phát triển như Sơn Tây – Ba Vì.

Anh Thành cũng cho hay, những người vẫn quyết ôm đất đến thời điểm này vẫn tin rằng, việc Hà Nội kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng chỉ là đề xuất hiện tại. Không có gì khẳng định rằng, nay mai mọi chuyện lại không thay đổi. Đó là chưa kể đến chuyện quan trọng này phải do Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Lỗ vì thiếu chuyện nghiệp

Trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho hay, thực tế “cơn sốt đất Ba Vì” chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi, tức là chỉ từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là bắt đầu lắng xuống. Còn từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 hầu như không có giao dịch.

Ông Sơn cũng thừa nhận, thực tế cơn sốt đất vừa qua ít nhiều cũng có ảnh hưởng từ những thông tin về quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề là sốt do xu thế chung của cả thành phố, đặc biệt là khu phía Tây Hà Nội.

Còn hiện nay, giá đất và giao dịch chững lại có thể do nhiều yếu tố. Song theo ông Sơn, một khi giới đầu tư đã nhận ra thực tế không như những thông tin đồn thổi trên thị trường thì việc bán tháo sẽ xảy ra. Ngoài ra, theo ông, phần lớn đối tượng mua bán đất trên địa bàn này chỉ là một số nhóm người, lại chủ yếu là không chuyên nghiệp nên việc thua lỗ cũng là dễ hiểu.

“Với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý đất đai trên địa bàn huyện, chúng tôi vẫn khuyên các hộ dân không nên bán đất ngay cả khi giá đất sốt cao, nếu không có mục đích rõ ràng và có lợi lâu dài. Cả 2 năm nay, chúng tôi không tiến hành đấu giá đất được bởi không thể nắm được chính xác giá đất tại các khu vực vì không có nổi một mẫu khảo sát”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, về lâu dài, với sự quá tải ở khu vực đô thị thì các khu vực ngoại thành sẽ là những địa điểm được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, trong ngắn hạn, những khu vực như Ba Vì sẽ rất khác các khu đô thị  vì giá trị sử dụng thực không cao.

“Hiện nay chưa ai đặt câu chuyện ở Ba Vì để đi làm Hà Nội, còn người dân ở đây thì họ không thiếu đất ở. Nếu ai đó có khuấy động lên để hâm nóng thị trường cũng khó vì không có giá trị thực”, ông Sơn cho hay.

Ngô Trang

Mỗi người VN đều tự hào khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải "Nobel toán học". Hãy viết vào ô thảo luận cuối bài để:
 
- Hiến kế làm sao để Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa.

- Hiến cách để cùng GS Ngô Bảo Châu tạo lập, phát triển hiệu quả Quỹ Khuyến học NBC mà ông dự định thành lập.

- Bàn luận về khát vọng Việt Nam, làm sao để chúng ta vươn lên đứng đầu trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật trên thế giới.

Bình luận
vtcnews.vn