Gặp gỡ một số gương mặt điển hình của VTC

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 05:30:00 +07:00

Họ là những người đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đơn vị nói chung và VTC nói riêng.

Khánh Lê - Phó GĐ - Kế toán trưởng VTC Intecom

“Làm công tác tài chính, bị ghét là điều khó tránh…”

 

 

Là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng bộ máy tài chính, kế toán từ những ngày đầu công ty thành lập, với vai trò của mình, Khánh Lê có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo công ty tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Từ bé đến lớn đã luôn giữ chức lớp trưởng, bí thư đoàn. Ra trường lại trở thành người đứng đầu các tổ chức, làm công tác tài chính, kế toán nên tính quyết đoán đã ăn sâu vào tính cách của chị. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, tôi hơi bất ngờ trước phong cách nền nã, ăn nói nhẹ nhàng và cởi mở của chị- khác hẳn những hình dung trước đó của tôi về một người chuyên làm việc với “tiền”.

Người làm tài chính không phải là người ra các quyết định mà chỉ tham mưu cho lãnh đạo và trong một số trường hợp thấy rủi ro thì đề xuất không thực hiện. Công việc của một nguời quản lý tài chính vốn đã có những đặc trưng, riêng với doanh nghiệp VTC Intecom thì còn thêm một số khó khăn nhất định. “Công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nội dung số mà hành lang pháp lý của lĩnh vực này ở Việt Nam còn mỏng. Vì thế người làm công tác tài chính không có được chế tài để căn cứ vào mà tổ chức hoạt động. Trong quá trình làm việc lại phải tự mày mò, quan hệ, tương tác với các cơ quan chức năng để tham khảo thêm kiến thức”- Khánh Lê cho biết.

VTC Intecom lại là doanh nghiệp nhà nước gần như duy nhất hoạt động ở lĩnh vực nội dung số và trực tuyến, thuần túy 100% vốn nhà nước nên tính tuân thủ càng cao hơn. Từ đó, đòi hỏi công việc của những người quản lý tài chính như Khánh Lê càng áp lực hơn để đảm bảo tài chính không bị ách tắc. Làm việc trong một doanh nghiệp trẻ bao giờ cũng đầy nhiệt huyết và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, với người làm công tác tài chính lại có khó khăn riêng. Đội ngũ lãnh đạo trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, nhiều anh em cán bộ đi học nước ngoài về nên phong cách làm việc rất mở trong khi người làm công tác tài chính lại bắt buộc tính tuân thủ chế độ rất cao, đảm bảo nguyên tắc theo đúng pháp luật quy định. Do đó, việc hài hòa hai phong cách làm việc là trách nhiệm và thách thức lớn với Khánh Lê trong thời gian đầu.

Quan điểm của chị cũng rất rõ ràng: “Nếu khi nào 100% người ủng hộ thì công tác tài chính có vấn đề. Vì doanh nghiệp cũng như xã hội thu nhỏ, ở đó rất nhiều con người với những tính cách khác nhau. Một người với hàng trăm người và hàng nghìn quyết định thì không thể có sự thống nhất tuyệt đối được. Nếu làm cho ai cũng hài lòng thì vô hình chung đã buông lỏng, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp”.

Trong công việc, gặp vấn đề gì không phù hợp, chị thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. “Có thể người ta không thích, không hài lòng nhưng sau này họ sẽ hiểu và thấy lời nói của mình là có giá trị với họ”- Khánh Lê chia sẻ. Người làm công tác tài chính sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, thế nên chị xác định “bị ghét” là điều không tránh khỏi.

Tính chất công việc là thế nhưng trong quan hệ với đồng nghiệp, chị luôn cố gắng trao đổi một cách thấu tình đạt lý nhất. “Vẫn biết khả năng kìm nén cảm xúc của phụ nữ là rất khó nhưng nếu mình chia sẻ không khéo thì còn làm tổn thương đến cá nhân anh em”- chị tâm sự. Người Nghệ từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là bộc trực, có gì nói nấy nhưng chẳng để bụng ai bao giờ. Có lẽ vì thế mà trong cuộc sống, Khánh Lê có rất nhiều bạn bè tốt, luôn hết lòng vì nhau.

Khánh Lê còn giữ vai trò Phó bí thư Đảng ủy của công ty. Vừa là người quản lý, vừa là nhân viên, lại phải đảm bảo bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ, chị luôn cố gắng cân bằng để mọi việc được chu toàn. Đến cơ quan, chị tập trung cao độ, giải quyết hết công việc một cách nhanh gọn và hiệu quả nhất. Rời khỏi cơ quan, để lại tất cả những lo toan đằng sau cánh cửa, chị dành hết thời gian cho gia đình.

Có thể trong công việc, đôi lúc chị trở thành người khắt khe. Nhưng về nhà, chị được sống với chính mình, với bản năng của người phụ nữ. Cũng cơm nước chỉn chu, giặt giũ, dọn dẹp và kèm con cái học bài. Hai bé nhà chị còn nhỏ nên chị hiểu lúc này các con rất cần bàn tay chăm sóc của người mẹ. Ông xã chị hiện công tác ở Bộ Xây dựng, cũng may anh là người biết chia sẻ và giúp chị nhiều trong việc chăm sóc, nuôi dạy con. Hôm nào chị về muộn anh thay chị đi đón bé và lo cơm nước, hướng dẫn con học bài. Vẫn chịu trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” trong nhà nhưng khi đứng trước một quyết định lớn, hai vợ chồng luôn bàn bạc với nhau. Công việc bận rộn nên đôi khi Khánh Lê chỉ có một mong muốn giản dị là đủ thời gian để nằm xem một bộ phim thật hay hoặc được cùng gia đình đi chơi xa vài ngày mà không phải lo toan điều gì. Tính chất công việc không tránh khỏi những lúc căng thẳng nhưng mỗi lần về nhà nhìn ngắm con cái lớn khôn từng ngày, chị lại quên hết bao mệt mỏi.


 

Ngọc Hùng - PGĐ Trung tâm Truyền dẫn phát sóng

“Mặt trời có thể tắt, nhưng điện thoại thì không…”

 

   Tốt nghiệp khoa Điện tử trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Ngọc Hùng đã có 15 năm công tác tại VTC, trong đó 12 năm ở bộ phận Chuyển giao công nghệ và 3 năm nay làm việc tại Trung tâm truyền dẫn phát sóng. Công việc của anh là phụ trách kỹ thuật toàn trung tâm, theo dõi tất cả hệ thống phát sóng của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cả mặt đất và vệ tinh.

Các trạm phát sóng của VTC trên cả nước tương đối lớn, rải rác khắp nơi nên sự cố gặp phải cũng không ít. Trung tâm đầu não đặt tại VTC nên áp lực công việc của những người “giữ mạng sống cho truyền hình” như Ngọc Hùng lại càng nhiều hơn. “Có nhiều lỗi gặp phải trong quá trình giữ sóng, đặc biệt là khi tiếp xúc với những thiết bị mới, có những cái mình chưa biết khai thác hết tính năng, phần mềm của nó dẫn đến bị lỗi”- Ngọc Hùng chia sẻ. Lỗi sóng là không tránh khỏi nhưng anh và đồng nghiệp luôn cố gắng để duy trì hoạt động và thời gian bị gián đoạn ngắn nhất.

 “Công việc của bọn mình không hẳn là vất vả nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và tập trung cao độ. Luôn chuẩn bị các tình thế để đối phó kịp thời với sự cố”- anh cho biết. Máy móc vốn khó kiểm soát, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lỗi kỹ thuật. Những lúc đó, anh lại cùng mọi người bắt tay vào khắc phục, sửa lỗi. Gặp những lỗi khó do hệ thống máy móc, công nghệ mới, anh lại đọc thêm sách để mày mò và hướng dẫn anh em.

Những hôm trời mưa hay thời tiết xấu, sóng lại bị ảnh hưởng. World Cup 2010 này là thời điểm phòng Truyền dẫn phát sóng khá vất vả, Người xem hầu như cả ngày đêm nên Ngọc Hùng và anh em kỹ thuật cũng phải bám sóng từng phút, từng giờ. Cũng căng mắt vào màn hình nhưng không phải xem các trận đấu mà chỉ để theo dõi tín hiệu sao cho không có lỗi gì xảy ra. Càng ngày thiết bị máy móc càng cũ đi, hư hỏng càng nhiều lên, nên áp lực của những người canh sóng như Ngọc Hùng lại càng lớn.

Ở nhà, mỗi lần điện đóm, đường nước, máy móc hỏng hóc, anh lại bắt tay vào tỉ mẩn sửa chữa. Hay những lúc rảnh rỗi, anh cũng tranh thủ giúp đỡ bà xã đưa đón con đi học. Nhưng dù ở đâu hay làm gì, có một nguyên tắc bất di bất dịch với anh cũng như đồng nghiệp đó là không bao giờ tắt máy điện thoại. Có khi thành “hội chứng”, cứ thấy số máy cơ quan là anh lẩm nhẩm “chuẩn bị chiến đấu rồi”.

Tính chất công việc đòi hỏi anh luôn phải có mặt ở cơ quan để khắc phục, sửa chữa máy móc khi bị lỗi. Kể cả hai ngày nghỉ cuối tuần, nhiều hôm đang đưa con đi chơi, có điện thoại, anh lại tức tốc lên Đài, xong việc mới quay lại đón con. Hay tình trạng đang ngồi ăn cơm với cả nhà mà bị gọi điện chạy lên cơ quan là chuyện bình thường. Vì thế nên có đi chơi đâu với gia đình, anh cũng chỉ dám loanh quanh trong thành phố để nhỡ khi công việc cần.

Cùng là dân kỹ thuật với nhau nên trong công tác quản lý, Ngọc Hùng không gặp nhiều khó khăn. Anh em cùng nhau chia sẻ khó khăn, và sau công việc lại vui vẻ với nhau không hề có khoảng cách. Nguyên tắc của anh là tạo một môi trường thoải mái nhất để mọi người yên tâm sáng tạo, cống hiến. Trong quá trình làm việc, anh luôn cố gắng trao đổi thường xuyên với anh em, chia sẻ những khó khăn mà đồng nghiệp vướng mắc. Có lẽ vì thế mà đến Trung tâm truyền dẫn phát sóng- nơi mà người ta vẫn nghĩ không khí luôn căng ra như sợi dây đàn, lại thấy tràn ngập sự vui vẻ và tiếng cười.

 

 

PGĐ VTC Digicom Chu Tiến Đạt - Cơ hội chỉ đến với những người biết nắm giữ!

 

Khuôn mặt trắng trẻo toát lên vẻ thư sinh, hiền lành là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Chu Tiến Đạt. Sinh năm 1979, phó giám đốc công ty Viễn thông số Digicom là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất giàu thành tích nhất ở VTC. Nhìn vào vị trí công việc, nhìn vào những thành công mà Chu Tiến Đạt có được, nhiều người nói: Anh may mắn! Nhưng tôi biết: cơ hội chỉ đến với những người biết nắm giữ và luôn sẵn sàng!

 

   Tốt nghiệp Khoa Kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng loại ưu, Chu Tiến Đạt quyết tâm “gồng gánh” sang Anh học cao học ngành kinh tế để mở mang tầm nhìn và kiến thức. Giữa những học viên nước ngoài cao to, Chu Tiến Đạt đứng lọt thỏm và thật nhỏ bé. Thế nhưng, chàng sinh viên Việt Nam lại luôn nổi bật và tỏa sáng bởi thành tích học tập xuất sắc của mình. “Nền giáo dục ở Việt Nam khá nặng, vì thế khi ra nước ngoài sinh viên Việt Nam thường có nền tảng kiến thức tốt hơn, dễ đạt thành tích cao hơn”, anh khiêm tốn.

Hai năm ở Anh, thành quả lớn nhất mà Tiến Đạt thu về được là “trình” tiếng Anh tiến bộ vượt bậc và tác phong làm việc chuyên nghiệp của người phương Tây. Anh chia sẻ: “Người phương Tây họ làm việc chuyên môn hóa rất cao, phân công công việc rõ ràng và rất sòng phẳng trong lương bổng, giờ giấc làm… Đây đều là những thứ ở Việt Nam mình còn thiếu”.

Mặc dù có khá nhiều công ty ở “Xứ sở sương mù” mời Tiến Đạt ở lại làm với mức lương hấp dẫn, nhưng anh vẫn quyết tâm trở về quê hương sau khi hoàn tất việc học. Bởi lẽ trong anh đã có một khát khao, một con đường đi cho riêng mình... Sinh ra trong một gia đình thuần công chức ở Hà Nội, bố anh cũng từng đóng góp 10 năm tuổi trẻ cho đất nước trong quân đội nên ngay từ bé Tiến Đạt đã thấm nhuần tư tưởng: làm gì thì làm cũng phải làm những việc có thể đóng góp cho đất nước mình. “Tại sao phải cống hiến chất xám của mình ở nước khác trong khi mình chưa cống hiến cho quê hương mình? Con người Việt Nam chẳng thua kém bất cứ dân tộc nào khác, chỉ có điều kiện làm việc là chưa tốt bằng. Nhưng nếu ai cũng vì lý do đó mà đi thì đến bao giờ điều kiện ấy mới được cải thiện?”, anh trăn trở.

Tiến Đạt trở về Việt Nam đúng vào thời điểm Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC đang tuyển nhân sự. Những ngày học ở bên Anh, anh vẫn thường theo dõi tin tức, tình hình ở Việt Nam qua website www.vtc.com.vn. Một phần ngạc nhiên vì công ty mình định thi vào làm chính là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình mình từng gắn bó khi xa quê hương, một phần khác anh cũng bị thu hút bởi phong cách làm việc rất mới mẻ và chuyên nghiệp của VTC. Đó là một môi trường làm việc mà theo anh có sự kết hợp hài hoà giữa phong cách của châu Âu và châu Á: “Châu Âu vì đó là một môi trường sòng phẳng. Sòng phẳng trong thu nhập, trong phân công trách nhiệm... hoàn toàn không giống với các doanh nghiệp nhà nước khác phải theo năm tháng, cấp bậc... Chính nhờ điều đó mà những cán bộ trẻ như tôi có điều kiện để phấn đấu và thể hiện hết những ý tưởng của mình trong công việc. Còn châu Á vì đó là một môi trường làm việc rất tình cảm. Tôi ít thấy có công ty nào mà Tổng giám đốc gọi điện tới từng công ty hỏi chính sách mới có đủ tiền cho nhân viên tiêu tết hay không? Mọi người ở VTC đều quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau”, Tiến Đạt bộc bạch.

Một lý do nữa khiến Tiến Đạt quyết định bỏ qua những lời đề nghị hấp dẫn để gắn bó với VTC là vì VTC là doanh nghiệp nhà nước. Anh quan niệm: nếu VTC có lãi nghĩa là anh đã đóng góp được cho đất nước. Làm việc cho những doanh nghiệp nước ngoài, dù có thể lương cao hơn nhưng nó không khiến anh thoả mãn những mong muốn và khát khao của mình khi trở về Việt Nam.

Bắt đầu bằng công việc ở phòng dự án VTC vào năm 2005, chỉ một năm sau đó những ý tưởng và năng lực của Chu Tiến Đạt đã được lãnh đạo ghi nhận. Tháng 12/2006, công ty Viễn thông số Digicom thành lập, Tiến Đạt chính thức được bổ nhiệm làm Phó giám đốc.

Công việc chính của anh là lên chiến lược kinh doanh, tổ chức thực hiện chiến lược đề ra, lên chiến lược marketing, tìm kiếm khách hàng, đối tác... Những kiến thức và kinh nghiệm thu nhận từ trời Tây được anh vận dụng tối đa vào công việc hàng ngày: từ phân chia công việc, giao quyền cho cấp dưới, phối hợp làm việc với anh em, làm việc theo nhóm, cách thức lên chiến lược... nên rất nhanh chóng hoạt động kinh doanh của Digicom đã đi vào nề nếp và gặt hái được những thành quả đầu tiên. Doanh số của Digicom luôn đạt mức tăng trưởng 200%, năm sau gấp đôi năm ngoái. Doanh thu năm 2009 của Digicom đạt 300 tỉ... “Làm lãnh đạo cũng như tướng xung trận vậy, tướng quyết liệt thì binh sĩ cũng nhìn vào đó mà quyết liệt theo”, Phó Giám đốc Digicom chia sẻ.

Một ngày làm việc ở công ty 12 tiếng, hầu như tuần nào cũng thong dong trên đường đi công tác, nhưng Chu Tiến Đạt thừa nhận mình may mắn khi có gia đình hậu thuẫn tốt, chia sẻ và tạo điều kiện cho anh. Sinh năm 1979 nhưng Tiến Đạt đã là bố của hai nhóc tì. Anh hóm hỉnh: “Công việc đòi hỏi tôi phải đi công tác khá nhiều, vì thế sinh liền một lúc hai nhóc luôn. Mình có đi công tác vắng thì bố mẹ và vợ ở nhà cũng đỡ sốt ruột vì có quá nhiều việc phải làm với... hai đứa cháu”.

Với Chu Tiến Đạt, VTC là gia đình thứ hai. Mục tiêu của anh trong tương lai là đóng góp nhiều hơn nữa sức mình để VTC phát triển hơn nữa, trở thành một thương hiệu vững mạnh. Và như thế cũng có nghĩa là anh đã đóng góp được một phần cho đất nước mình...

Nhiều người nói: anh may mắn! Còn Chu Tiến Đạt quan niệm: Không có gì tự nhiên có, cái gì cũng phải cố gắng. Cơ hội chỉ đến với những người biết nắm giữ.

Bình luận
vtcnews.vn