Gặp chàng trai đốt 2 tấm bằng du học Nhật gây xôn xao

Giáo dụcThứ Bảy, 28/03/2015 04:16:00 +07:00

'Hãy học tập từ động lực của bản thân chứ không phải là những ép buộc của xã hội' là thông điệp chàng trai gây xôn xao cư dân mạng bởi hành động đốt 2 tấm bằng

'Hãy học tập từ động lực của bản thân chứ không phải là những ép buộc của xã hội' là thông điệp mà chàng trai gây xôn xao cư dân mạng bởi hành động đốt 2 tấm bằng tiếng Nhật muốn nhắn nhủ. 

Ngày 22/03, trên facebook Hung Thanh Dinh, 2 bức ảnh chụp những tấm bằng du học Nhật bị đốt cháy kèm theo những lời bình luận bất mãn đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.


Theo đó, hình ảnh và lời bình luận của Hung Thanh Dinh đã thu hút gần 3000 lượt like và hơn 300 lượt chia sẻ. Điều đáng nói ở đây, tấm bằng mà chủ nhân Hung Thanh Dinh sở hữu là những tấm bằng cao nhất trong thi tiếng Nhật và là mơ ước của nhiều bạn du học sinh.

Hình ảnh đốt tấm bằng tiếng Nhật gây xôn xao cư dân mạng. 

Hung Thanh Dinh chia sẻ: “Hôm nay tấm bằng JLPT-N1 đã về đến tay. Lần này thi được 177 điểm, chắc cũng có số có má tại Việt Nam. Quyết định đốt luôn. Đốt xong, nhớ ra hơn 1 năm trước thi kỳ thi cho du học sinh (EJU) bên Nhật cũng được thủ khoa khối du học sinh Việt Nam, tiện bật lửa, lôi ra đốt nốt...”.

Sau khi bức ảnh đốt bằng tiếng Nhật xuất hiện, nhiều bạn trẻ cũng đã thể hiện sự thông cảm và đồng quan điểm với chủ Facebook Hung Thanh Dinh về vấn đề quá coi trọng bằng cấp của nhiều học sinh. Bạn đọc Sang Trường Phạm chia sẻ: “Đốt bằng đau lắm chứ! Nó là kết quả của bao mồ hôi, công sức. Bao ngày tháng xa gia đình (nhớ nhà nhớ mẹ muốn khóc) xa bạn bè, là bao đêm vùi đầu vào học tập và cố gắng, là bao ngày tháng ốm đau vẫn phải cố gắng đến trường, đến lớp... là bao nhiêu nước mắt, nụ cười... rồi cả hi vọng ta đều đặt trọn vào nó. Tấm bằng đó còn là kết quả của cả chặng đường của một con người... Hành động đốt bằng không sai, nó chỉ thể hiện là nỗi đau ngày hôm qua đó đã đến đỉnh điểm”.

Chàng trai Đinh Thành Hưng

Tuy nhiên bên cạnh lời đồng tình ủng hộ, một số bạn lại cho rằng chủ nhân của lời nói bất mãn với nền giáo dục và hình ảnh đốt bằng là hành động ngông cuồng và tự cao, tự đại.

Bạn Trần Lan Linh cho rằng: “Đã không cần thì thi làm gì, học cho giỏi áp dụng cho tốt là được, mà đã thi rồi thì xin trân trọng lấy những gì mình có đi ạ. Tấm bằng nó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện phấn đấu… Có thể tôi ngu nên không hiểu nhưng mà cái cách bạn làm nó thật ấu trĩ”.


Theo thông tìm hiểu, chàng trai đốt tấm bằng tiếng Nhật là Đinh Thành Hưng (SN 1992, Xuân Trường, Nam Định) PV đã liên hệ với Thành Hưng để hiểu rõ hơn về sự việc này.

- Chào Hưng? Bạn có thể giới thiệu về bản thân mình được không?

Mình là Đinh Thành Hưng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình học tiếng Nhật tại Việt Nam 6 tháng và sang Nhật từ tháng 3 năm 2011 theo diện tư phí. Sang Nhật học tiếng Nhật tại trường tiếng Nhật (tỉnh Saitama) 2 năm và lên đại học (tỉnh Chiba) ngành Kinh tế luật. Tháng 6 năm 2014 (đại học năm 2) về Việt Nam phát triển câu lạc bộ tiếng Nhật (Hội Thân Hữu Nhật-Việt).

- Có phải bạn đã đốt 2 tấm bằng tiếng Nhật, nó là bằng gì?

Tấm bằng đầu tiên là kỳ thi năng lực nhật ngữ JLPT N1. Kỳ thi năng lực Nhật ngữ dành cho người nước ngoài. Kỳ thi này có 5 cấp độ, thấp nhất là N5, cao nhất là N1. Đây là tấm bằng mình thi tháng 12 năm 2014 (sau khi đã về Việt Nam), được 177/180 điểm. Thực ra sau khi sang Nhật 1 năm, mình cũng đã lấy bằng này rồi, nhưng về Việt Nam bạn bè rủ thi lại nên đi thi thử.

Tấm bằng 2 là kỳ thi cho du học sinh EJU. Kỳ thi này dành cho du học sinh muốn vào đại học bên Nhật. Mình thi ngành văn (ngành kinh tế) và được 689/800 điểm. Ngành này thi môn Toán, tiếng Nhật, và môn tổng hợp (kinh tế, lịch sử, địa lý, xã hội,…). Du học sinh sau khi thi kỳ thi này thì lấy điểm đó để ứng tuyển vào đại học ở Nhật.

Đinh Thành Hưng (thứ 2 từ phải sang) khi ở Nhật Bản. 

- Tại sao bạn lại quyết định đốt những tấm bằng đó?

Mình rất xin lỗi mọi người vì chỉ một chuyện nhỏ này mà ảnh hưởng tới nhiều người. Mình quyết định đốt nó vì muốn truyền tải một thông điệp là “hãy học vì sự phát triển của bản thân”, đừng vì một luật lệ nào đó mà giới hạn khả năng của mình.

Công nhận là bản thân cũng đã từng đặt mục tiêu vào các trường đại học hàng đầu của Nhật vì nghĩ mình sẽ được phát triển nhiều hơn trong đó. Nhưng sau khi học tập hơn 1 năm tại trường, càng ngày mình càng cảm thấy mình có thể phát triển nhiều hơn trong xã hội. Nên mình quyết định từ bỏ đại học để về Việt Nam. Kể cả thời gian học tập tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ (2 năm), mình cũng không tập trung học ở trường quá nhiều và tự lên lịch học tập cho riêng mình.

- Để giành được điểm cao, bạn có phải đầu tư nhiều thời gian để học tập không?

Thực ra mình luôn học tập với tâm trạng rất thoải mái, không bị gò bó, ép buộc nên chưa bao giờ cảm thấy vất vả trong học tập cả. Nghĩ lại cuộc sống bên Nhật, phải đi làm thêm khá nhiều, chỉ có chút ít thời gian rảnh để học, nhiều lúc còn tự sắp xếp thời gian để học ngay trong lúc làm việc. Mình nghĩ đây là khoảng thời gian được rèn luyện rất nhiều về tính tự lập trong học tập.

Lúc đó mình cứ nghĩ muốn phát triển bản thân thì cần phải học tập, tìm hiểu thôi. Còn đến kỳ thi thì cứ đi thi cùng mọi người, cũng không làm quá nhiều, hay chuẩn bị gì cho kỳ thi đó.

- Bạn suy nghĩ thế nào về nền giáo dục ở Nhật Bản?

Cái này mình xin phép không đưa ý kiến. Tại mỗi xã hội, cộng đồng đều có một nền giáo dục đặc trưng của nó, nó được hình thành qua thời gian dài, có hệ thống, cũng không có sự đúng, sự sai. Ngay tại CLB tiếng Nhật của chúng mình, cũng có thể nói nó đang tạo ra một nền giáo dục, giáo dục sự tự lập, tính tự giác trong học tập, làm tiền đề cho phát triển sau này của hội viên.

Mình chưa đủ trình độ để nhận xét về một nền giáo dục là tốt hay chưa tốt ở chỗ nào. Nhật Bản được nói là đất nước có nền giáo dục rất tốt, nhưng cùng với đó, cũng có rất nhiều những vấn nạn như bạo lực học đường hay thoái giảm học lực… Mỗi thời điểm, mỗi địa vực lại khác nhau, nhìn từ nhiều phương diện, các vấn đề cũng được lý giải khác nhau.

Trong bài đăng trên Facebook về vấn đề “cải cách giáo dục”, cái này có thể do nhiều ý kiến khác nhau làm nhũng loạn chủ đề. Việc này là do mình phát triển vấn đề chưa hợp lý, mình muốn nói về ý thức của người học về việc tiếp nhận kiến thức, mục đích của việc tiếp xúc với kiến thức. Nó là một phần của giáo dục.

- Có 1 số ý kiến cho rằng, bạn còn nông nổi và hơi ngông cuồng khi đốt bằng. Bạn nghĩ sao về điều này?

Việc này mình cũng xin phép không đưa ý kiến, vì mỗi vấn đề đều có 2 mặt của nó, mọi người nói thế cũng có ý đúng và mình xin nhận để xem xét, cải thiện bản thân. Mình đang tổng hợp tất cả các ý kiến từ khoảng 1500 bạn đưa ra trong các trang mạng để làm một bản báo cáo về việc này ạ. Còn về bản thân mình, mình luôn có niềm tin về những gì mình đang làm, và tất cả những ý kiến của các bạn sẽ làm niềm tin của mình vững chắc hơn.

Qua "tâm thư” ngày 22/03 hôm trước, mình chỉ mong truyền tải tới các bạn một thông điệp về việc "học", học tập từ động lực của bản thân chứ không phải là những ép buộc của xã hội!

Cám ơn bạn Đinh Thành Hưng về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Phan Nhiên(Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn