Ga metro C9: Phá nát cảnh quan hồ Gươm?

Thời sựThứ Hai, 25/02/2013 03:30:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều kiến trúc sư (KTS) cho rằng đặt nhà ga C9 gần hồ Gươm sẽ gây ảnh hưởng đến không gian truyền thống của nhiều di tích lịch sử.

(VTC News) – Nhiều kiến trúc sư (KTS) cho rằng đặt nhà ga C9 gần hồ Gươm sẽ gây ảnh hưởng đến không gian truyền thống của nhiều di tích lịch sử.

Ngày 22/2, UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng. Nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến về việc này.

Theo đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, đây là không gian tâm linh, không gian lễ hội, không gian xanh và là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố do vậy cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga C9.

Cũng theo ông Nghiêm, các nhà làm quy hoạch không nên đặt vấn đề lựa chọn chỉ có ba địa điểm đặt nhà ga ở khu vực này, bởi ở đây còn có những vị trí khác hợp lý hơn, vừa phát triển được giao thông nhưng vẫn giữ gìn được cảnh quan hồ Gươm.

Dự kiến đường đi của tuyến metro chạy qua hồ Gươm. Ga C9 sẽ nằm cạnh ngã ba Trần Nguyên Hãn - Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Google Maps. 

Ông Nghiêm lo ngại việc đặt nhà ga tại vị trí trên sẽ làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan chung của hồ Gươm.

Ông Nghiêm đưa ra dẫn chứng về việc đã có nhiều công trình xung quanh hồ Gươm phải chỉnh sửa để phù hợp với không gian truyền thống ở đây như tòa nhà Cá Mập, khách sạn Vàng và ngay cả trụ sở UBND TP Hà Nội cũng cần phải sửa.

“Nhiều công trình được đề xuất xây dựng quanh khu vực hồ nhưng người dân đã không tán thành…Mặt khác, việc đặt nhà ga ở đây sẽ ảnh hưởng đến tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Gươm nối Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường và trung tâm hành chính, chính trị đã được Thủ tướng phê duyệt.”

Cùng quan điểm với ông Nghiêm, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nộicũng cho rằng việc đặt nhà ga C9 ở khu vực đã được phê duyệt không thực sự hợp lý vì đây là khu vực thu hút rất đông người ra vào.
Một tuyến đường sắt đô thị ở thành phố Munich (Đức).  

Ông Hanh nhấn mạnh, việc xây dựng ga phải được áp dụng công nghệ tốt nhất để không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường quanh hồ Gươm.

Trước đó, từ năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, với vị trí nhà ga C9 đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu.

Đến tháng 10/2012, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo quá trình lựa chọn, điều chỉnh địa điểm quy hoạch ga C9 từ vị trí đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu sang địa điểm quy hoach trước khu đất của Tổng Công ty điện lực Hà Nội.

Lý do đặt ga C9 tại khu vực này sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của hồ Gươm (gồm cả Tháp Bút và đền Bà Kiệu). Hơn nữa, đặt ga tại vị trí này du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện tới vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 dài 11,5 km (trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận). Tổng đầu tư của dự án khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Dự kiến, năm 2017, đoàn tàu sẽ có 4 toa và sang giai đoạn 2 (sau năm 2017) sẽ tăng lên 6 toa. Năm 2020, tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày; năm 2030 là 661.000 và năm 2040 là 777.000 lượt hành khách.
Điểm đầu của tuyến xuất phát tại Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm).

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn