Em gái lên mạng tóm gọn kẻ lừa tình, cướp tiền của chị

Pháp luậtThứ Bảy, 20/06/2015 07:48:00 +07:00

Sau khi bị người yêu lừa lấy xe máy và tiền bạc, T. nhờ em gái lên Zalo làm quen lại với đối tượng này. Sau đó, cả 2 chị em đã lập kế hoạch bắt kẻ lừa đảo.

Sau khi bị người yêu lừa lấy xe máy và tiền bạc, T. nhờ em gái lên Zalo làm quen lại với đối tượng này. Sau đó, cả 2 chị em đã lập kế hoạch bắt kẻ lừa đảo.

Tin tức từ đại diện Cơ quan CSĐT Công an Q. 12, TP. HCM cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Tấn Linh (SN 1978, quê Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Tấn Linh tại cơ quan điều tra.
Trước đó vào khoảng tháng 3/2014, Linh quen biết với chị T.T.Th (SN 1984, ngụ Đồng Nai) thông qua mạng xã hội Zalo. Dù là một người sống lang thang nhưng Linh nói dối với chị này rằng mình quê ở Đà Lạt và chưa có gia đình. Sau một thời gian tán tỉnh, Linh đã chiếm được cảm tình của chị Th. nên hai bên thường xuyên nói chuyện qua lại với nhau trên Zalo.

Ngày 9/4/2015, Linh hẹn gặp chị Th. trước cổng KCN Tân Bình. Tại đây, Linh thấy chị Th. đi chiếc xe tay ga hiệu Kimco – People 16Fi nên nảy sinh lòng tham. Khi biết chị Th. sắp đi xuất khẩu lao động tại Nhật thì ý đồ muốn chiếm đoạt tài sản của Linh càng mạnh mẽ hơn.

Để chuẩn bị cho kế hoạch chiếm đoạt tài sản của mình, Linh lấy một số giấy báo cắt đúng kích thước của tờ giấy bạc 200 ngàn đồng xếp thành một xấp dày. Bên trên xấp giấy báo, Linh lấy một tờ tiền thật mệnh giá 200 ngàn đồng đặt lên. Sau đó, Linh dùng giấy và băng keo dán chặt phía dưới để người khác nhìn vào đó tưởng là một cọc tiền lớn mệnh giá 200 ngàn đồng.

Khoảng 14h30 phút ngày 9/5/2015, Linh đi xe buýt đến điểm hẹn gặp chị Th ở trước cổng Suối Tiên. Tại đây, Linh cho biết sẽ đưa chị Th. về Đà Lạt để ra mắt gia đình và xin phép chuẩn bị đám cưới. Sau đó, Linh rút trong người ra cọc tiền giả đã chuẩn bị trước bỏ vào cốp xe trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ của Th.

Tối hôm đó, cả hai thuê khách sạn nghỉ qua đêm. Đến sáng ngày 10/5, Linh chở chị Th. đi chơi trong thành phố để tìm cơ hội ra tay chiếm đoạt tài sản. Thấy chị Th. mang trên người nhiều vòng vàng, Linh giả vờ khuyên nên cất vào cốp xe để tránh bị cướp giật.

Tin lời “người tình trên mạng”, chị Th. tháo hết vòng vàng và bóp tiền cho vào cốp xe cất. Chiều cùng ngày, Linh chở chị Th. đi về đến cây xăng số 14, đường Phan Văn Hớn, Q.12 ghé vào đổ xăng. Do có ý định chiếm đoạt tài sản của chị Th. từ trước nên Linh giả vờ nói chị này chạy sang bên đường mua canh bún về ăn. Khi chị Th. vừa xuống xe để mua canh bún thì Linh phóng xe chạy mất dạng.

Sau khi chiếm được tài sản, Linh chạy đến một nơi cách địa điểm gây án 3km kiểm tra thấy trong cốp xe có 1 dây chuyền vàng, 1 lắc vàng, 1 điện thoại Samsung Galaxy S5 cùng nhiều giấy tờ tùy thân. Sau đó, Linh bán dây chuyền và lắc vàng lấy tiền tiêu xài. Đồng thời mua một biển số giả gắn vào chiếc xe vừa chiếm được để sử dụng. Riêng những giấy tờ tùy thân của chị Th., Linh để lại tại một quán cà phê ở Q. Tân Phú rồi gọi chị này đến nhận.

Hai chị em vạch kế hoạch bắt sống kẻ lừa tình lừa tiền

Sau khi biết bộ mặt thật của gã “người yêu” trên mạng, chị Th. quyết tâm lật bộ mặt thật của gã đàn ông đểu cáng “lừa tình, chiếm đoạt tiền”. Th. đã nhờ em gái mình lên mạng Zalo để kết bạn với các đối tượng tình nghi để truy tìm.

Về phần Linh, sau một thời gian ăn chơi hết tiền nên tính thực hiện phi vụ mới. Bằng thủ đoạn cũ, Linh nhắm con mồi mới lại chính là em gái của chị Th. Thấy đối tượng khả nghi, em gái chị Th. vờ hẹn gặp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, chị Th. lên kế hoạch bắt gọn đối tượng.

Chiều ngày 30/5, Linh chạy chiếc xe tay ga chiếm được của chị Th. trước đó đến điểm hẹn. Đúng như dự đoán, Linh xuất hiện và giờ các chiêu trò cũ định lừa gạt thêm người khác thì bị chị Th. cùng người thân bắt giao công an. Tại cơ quan điều tra, Linh cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trao đổi với PV báo xung quanh vụ việc này, luật sư Võ Xuân Đạt- Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 139 BLHS (sửa đổi năm 2009) thì:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Về mặt hành vi, dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Bị lừa trên mạng, hậu quả của sự dễ dãi

Có thể nói, mạng Internet là một công cụ để mở rộng các mối quan hệ cũng như tìm kiếm người yêu. Không ít các mối tình đẹp bắt nguồn từ thế giới ảo này. Cũng như không hiếm đám cưới có “ông tơ, bà nguyệt” là nhờ những câu chuyện làm quen trên Facebook hoặc Yahoo. Nhưng, thế giới ảo cũng như thế giới thật, cũng có người tốt kẻ xấu… Không ai cấm các em giao lưu, làm bạn trên internet, nhưng rõ ràng khi tiếp xúc ở đời thực, nhất là những người bạn mới quen luôn cần sự đề phòng nhất định.

Có những người chúng ta sống với họ 5 năm, 10 năm mà nhiều khi chẳng hiểu hết họ như thế nào, nên những người chúng ta mới quen vài bữa, nhất là trên thế giới ảo, nơi người ta thích tô vẽ mình thế nào cũng được, thật sự không nên tin tưởng tuyệt đối. Bị lừa trên mạng, hậu quả của sự dễ dãi.

Không nên tiếp xúc bạn chát vừa mới quen ngoài đời thực. Còn nếu nhất định gặp thì ít nhất cũng phải qua thời gian "thử thách", ít nhất cũng khoảng 6 tháng trở lên, sau rất nhiều lần nói chuyện, kiểm chứng,...

Chưa hết, lúc đi gặp người lạ, tốt nhất là nên rủ thêm bạn đi cùng và chỉ cần đối tượng có biểu hiện gì lạ, các bạn phải ngay lập tức tìm cách chạy trốn hoặc báo tin cho người lớn hoặc các cơ quan chức năng.

Đối với phụ huynh, hãy để ý các mối quan hệ trên mạng của con cái. Đừng cấm cản khiến các em giấu nhẹm, mà nên thường xuyên tâm sự nhẹ nhàng để các em có thể thổ lộ mọi điều, chúng ta mới có cơ sở để bảo vệ các con của mình. Đồng thời nên đưa những mẩu tin như thế này cho các em đọc để các em biết cách phòng tránh.

Nguồn: Hải Anh/Người đưa tin


Bình luận
vtcnews.vn