Em đẹp lắm, Pù Luông ơi!

Tổng hợpThứ Tư, 31/10/2012 08:21:00 +07:00

Vào mùa mưa, đường vào Pù Luông kinh khủng vô cùng, đoạn đường xấu tuy ngắn hơn đường đi Chế Tạo, hay Mường Lát nhưng rất dốc và nếu có mưa thì càng trơn.

Nếu đi vào mùa mưa, đường vào Pù Luông kinh khủng vô cùng, đoạn đường xấu tuy ngắn hơn đường đi Chế Tạo, hay Mường Lát nhưng rất dốc và nếu có mưa thì càng trơn tợn. Chúng tôi chuẩn bị sẵn tinh thần để đối diện với điều này, nhưng ơn trời, Pù Luông đã đón và tiễn chúng tôi trong những ngày nắng với những cung đường không thể đẹp hơn thế. 

Đến Kho Mường

Khoảng 2 giờ chiều chúng tôi mới vào đến nhà ông Nếch ở Kho Mường. (Bản Kho Mường thuộc xã vùng cao Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, là một thung lũng xinh đẹp nằm trên đỉnh Pù Luông hùng vĩ). Nhắc đến ông Nếch hầu như ai đi Pù Luông cũng biết. Tên và số điện thoại của ông cũng được lưu truyền trên internet. Ấy là vì, ở thôn này, nhà ông là một trong những địa chỉ khách du lịch nghỉ lại, ăn uống trước khi đi sâu vào các bản khác ở Pù Luông.

 
Ăn bữa trưa muộn xong, mọi người ngả lưng một chút. Tôi và một cậu em nữa, hai chị em tay xách túi kẹo, tay xách máy ảnh đi loanh quanh thăm thú trong thôn. Kho Mường có vẻ sung túc hơn nhiều làng bản tôi đã đi qua với những cánh đồng lúa bao la đang mùa chín. Tầm chiều chiều, nhiều chị em đi làm nương rẫy về sớm, má đỏ hồng, mồ hôi lấm tấm trên mặt, còn lưng thì còng xuống bởi hơn 20kg củi hoặc những bó cỏ to hơn cả người còn xanh mướt,  trông xa như một “cánh đồng” đi dộng.

Một ông bố trẻ ẵm đứa con chắc chỉ khoảng 1 tuổi lững thững đi dọc bờ ruộng, vừa cọ má vào khuôn mặt bầu bĩnh của con, vừa nựng nịu. Một vài đứa bé trai chạy đuổi nhau vừa cười ầm ĩ vừa nói gì đó với nhau bằng tiếng Thái. Kế đó, một người đàn ông trung niên đang cắm những gốc cây rau ngót cạnh bờ rào. Ở đây, bên những hàng rào bằng tre, người ta trồng cả rau ngót và cây lá lốt. Món thịt cuốn lá lốt chúng tôi ăn lúc trưa, có lẽ cũng nhờ những vườn rau tốt tươi bên hàng rào này.

Nghe kể lại, mấy trăm năm trước, một số người ở Lũng Cao đi săn bắn thấy thung lũng này địa hình bằng phẳng, nhiều suối nên dần dà họ đưa nhau về đây làm nương, làm rẫy, dựng nhà, dựng cửa rồi sinh con đẻ cái. Dần dần, Kho Mường đông đúc như ngày hôm nay. Ngày nay, Kho Mường là một trong 7 thôn thuộc xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Trong đó có 2 thôn là của người H’Mông, còn lại đa phần là của người Thái trắng. Ông Nếch nói thôn hiện còn 60 hộ, khoảng 40 hộ đã di dân vào Nam làm kinh tế vài năm trước.

 
Hoàng hôn xuống chầm chậm, phía xa, trên nhiều mái nhà sàn, khói đã tỏa ra nghi ngút. Khói từ những căn bếp đang đỏ lửa bất giác khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có ngọn lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”

Lâu rồi tôi mới lại nhìn thấy khói bếp lúc chiều tà ở một miền quê yên bình như thế này. Chỉ là lữ khách mà tôi còn thấy xao xuyến thế thì không biết những người con Kho Mường di dân còn cồn cào nhớ quê hương đến nhường nào.

Người dân Kho Mường khá thân thiện, gặp chúng tôi họ chào và mỉm cười, những em bé xinh xắn và đáng yêu líu ríu cảm ơn tôi bằng cái giọng lơ lớ khi tôi đặt vào tay em vài chiếc kẹo. Cách họ giao tiếp cởi mở thân thiện với chúng tôi cho thấy họ đã khá quen thuộc với khách du lịch. Chợt nhớ, trong bữa trưa muộn, chú Hà Đình Nếch có ngồi với chúng tôi vừa nhấm nháp chén rượu vừa trò chuyện. Mỗi ngày vào “mùa Pù Luông” như thế này, chú bảo, gia đình tiếp đến vài lượt khách.

 
Trước thấy người lạ đến, gia đình cứ đón tiếp như khách thôi. Về sau khách mỗi ngày một đông, cán bộ về phổ biến hướng dẫn bà con làm du lịch. Chú Nếch cho biết, từ vài năm nay, không chỉ gia đình chú mà còn nhiều gia đình khác trong thôn đã cải tạo lại nhà ở để đón khách theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều bà con trong bản có việc làm, đời sống được cải thiện rõ rệt. Nghe nói, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hàng năm cũng đã có nhiều chương trình tập huấn cho bà con như nấu ăn, tiếp khách, làm hướng dẫn viên. Thậm chí có cả đội văn hóa bản để diễn các tiết mục đậm nét văn hóa dân tộc để phục vụ khách.

Về bản Hiêu

Tiếc là hôm đó chúng tôi chỉ ghé qua Kho Mường có vài tiếng nên không kịp chiêm ngưỡng các điệu múa của các cô gái Thái. Sau khi nghỉ ngơi, 4h30 chiều chúng tôi đã lục tục buộc lại đồ đạc để lên đường. Ở miền núi, mới 5, 6 giờ chiều trời đã tối. Xe chúng tôi chạy ngoắt ngoéo theo những con đường nhỏ, đi qua những cánh đồng, đi qua những đứa trẻ lơn tơn chạy chơi quanh xóm, đi qua những người đàn ông, đàn bà lụi cụi làm nương về, đi qua những ngôi nhà lửa bập bùng in trên vách và đi qua chính cái bóng của mình cứ đổ dài mãi ra phía sau.

 
Trời mỗi lúc một tối, đường mỗi chặng một sóc. Đêm nay chúng tôi sẽ nghỉ lại bản Hiêu (thuộc xã Cổ Lũng). Đường đi bản Hiêu vừa tối vừa khó. Có đoạn chúng tôi lên  một con dốc khá cao, 3, 4 người phải cùng nhau vừa đẩy vừa kéo xe lên. Nhưng vừa kịp kéo được cả 4 xe lên thì phát hiện… nhầm đường, lại hì hục quay đầu tìm cách xuống. Một người dân trong bản kể, “hôm nọ có một ông Tây cũng ngã cả người cả xe xuống cái dốc này, phải khênh mãi mới lên được”.

Chúng tôi cẩn thận cầm theo đèn pin cho sáng và men theo sát mép vách đất đi lên dốc, đi chừng 1km đường đá lổn nhổn mới đến nhà anh Tùng, nơi chúng tôi sẽ nghỉ lại đêm nay. Trong bóng tối, nhìn ánh đèn pin nhảy lon chon theo nhịp đá ghập ghềnh của xe đi trước mà chúng tôi đi sau phì cười, “ôi, đường gì mà đến đèn cũng phải nhảy thế này?”.

Cũng như nhà chú Nếch, nhà anh Tùng làm du lịch theo mô hình “homestay”. Nhà vệ sinh và nhà tắm sạch sẽ, có nóng lạnh đầy đủ. Đám con gái chúng tôi tất nhiên lần lượt chiếm dụng cái nhà tắm duy nhất. Đám đàn ông có vẻ không mặn mà lắm, “đến đây là phải tắm suối cho bằng được”, thế rồi mặc trời tối và nước lạnh, bật đèn pin lên, các anh lao ùm ra suối, hò hét, nhảy loi choi vì lạnh nhưng vẫn cười vang sảng khoái.

 
Tắm xong cũng là lúc đồ ăn đã bày sẵn, toàn những món ăn thân thuộc với gia đình nhưng nóng hổi như gà đồi, lòng gà xào măng chua, rau rừng luộc… Chúng tôi thích thú vừa ngồi ăn ngon, vừa nghe tiếng suối chảy róc rách bên cửa sổ. Sàn nhà nguyên bản của người Thái làm bằng tre, khi bước đi có thể nghe thấy tiếng kẽo kẹt và người ngồi ở cách đó khá xa vẫn cảm thấy cả cơ thể mình cũng đang nhún theo nhịp chân bước. Tôi thích thú nhất là khi lựa được một góc ngay cạnh cửa sổ. Ở đó, tôi có thể nằm lười biếng, chân bất chữ ngũ, cảm nhận được những cơn gió lướt qua và mắt thì dõi lên bầu trời hình chữ nhật đầy sao.

Vào mùa này, hầu như lúc nào nhà anh Tùng cũng tiếp đến vài  lượt khách du lịch, không buổi trưa thì buổi tối. Trước khi đến chúng tôi phải gọi điện báo trước cho anh để gia đình chuẩn bị. Cứ xác định tinh thần là nghỉ ở giữa một nơi địa hình, đường xá đi lại khó khăn thế này thì chỉ cần có chiếu, chăn, màn là đã quá tốt rồi nhưng không ngờ, mọi thứ còn hơn cả mong đợi. Nhà anh Tùng có đầy đủ gối, chăn và đệm bông ép cho tất cả mọi người. Không những thế, tất cả đều sạch sẽ, thơm tho và phẳng phiu.

Buổi tối, trong lúc mọi người nói chuyện, tôi ngồi lặng lẽ quan sát những người phụ nữ Thái trong gia đình. Họ vô cùng ý nhị trong cách tiếp khách. Họ niềm nở vừa đủ để tôi cảm thấy dễ chịu mà không khó xử. Họ lịch sự và ân cần vừa đủ để tôi có cảm giác mình được riêng tư nhưng đồng thời không bị xa cách. Có lẽ, bản chất của người con gái Thái là ý nhị và duyên dáng như thế. Từ khi bước chân đến đây, gặp gỡ những người phụ nữ Thái và họ đều khiến tôi có cảm giác như vậy. Tôi tự hỏi rằng, liệu đây có phải là một trong những lý do khách du lịch thích nơi này?

Chúng tôi rời bản Hiêu vào sáng hôm sau. Ban ngày, tôi mới kịp quan sát con đường vào bản, đường gập ghềnh khó đi nhưng cảnh hai bên đường đẹp hoang sơ và thơ mộng. Một vài người dân vui tính cho chúng tôi mượn chiếc xe đạp cà tàng, con bò, hay gánh lúa của họ và cười ngất khi thấy lũ thanh niên thành phố vừa háo hức vừa nhí nhố làm dáng chụp ảnh. Rồi chúng tôi tạm biệt họ và tiếp tục lên đường, qua khỏi bản Hiêu, ra đến Phố Đoàn, xe lăn bánh trên những con đường êm ái trải đầy rơm rạ thơm dìu dịu.

 
Pù Luông có lẽ là một trong số ít những địa danh du lịch còn giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên lẫn sự chân thật và giản dị của con người. Những ruộng bậc thang nơi này tuy không cao và trải miên man như Mù Cang Chải nhưng cách nó nép mình bên những sườn núi và hiền hòa bên dòng suối chảy qua khiến cho người ta có cảm giác bình yên. Con người ở đây tuy không còn lạ với khách du lịch nhưng vẫn giữ được vẻ thật thà, tế nhị đến dịu dàng. Phải. Bình yên đến dịu dàng- nếu có ai đó hỏi tôi về ấn tượng với nơi này, tôi sẽ trả lời như vậy. Đó là ấn tượng đầu tiên và có lẽ sẽ là sâu sắc nhất.

Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Khu bảo tồn này nối liền với rừng quốc gia Cúc Phương bởi hai dãy núi đá vôi chạy song song. Giữa hai dãy núi đá vôi xám là thung lũng trù phú với những bản làng êm ả, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn. Pù Luông còn có những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, những cây cổ thụ to vài người ôm và quần thể động vật quí hiếm .

Thời điểm tuyệt vời nhất để khám phá vẻ đẹp Pù Luông là tầm tháng 5 và tháng 10, vào mùa lúa chín. Khi đó, Pù Luông hiện lên với vẻ đẹp trù phú, ấm no và rực rỡ sắc vàng xen lẫn sắc xanh mượt mà của lúa. Những thửa ruộng ngút tầm mắt, thấp thoáng xa xa là dăm mái nhà sàn chênh vênh chênh sườn núi, lẫn trong cau cọ, giữa rừng núi hoang sơ.

Có hai hình thức du lịch “thịnh hành” với cung đường Pù Luông, đó là trekking và offroad. Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe máy tới Mai Châu, nghỉ một đêm tại những bản làng du lịch nổi tiếng như bản Lác, bản Com Poọng, rồi tiếp tục đi theo hướng Co Lương, rẽ đường 15C chạy dọc sông Mã để tới khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Pù Luông  thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc.Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng

Hà Trang

 

Bình luận
vtcnews.vn