Đường vào đại học của tôi

Giáo dụcThứ Tư, 14/07/2010 05:01:00 +07:00

(VTC News) - Cánh cửa vào đại học muôn vàn trắc trở với tôi, có những lúc tưởng chừng như chới với, tuyệt vọng nhưng tôi đã chiến thắng...

(VTC News) - Có những lúc tôi tưởng chừng mình không thể tiếp tục đến trường được nữa. Có thể do tôi tự ái vì học kém, và cái nghèo cũng làm tôi đôi lần muốn gác bút vào TP.HCM làm ăn. Tôi đã vượt qua những âu lo của cuộc sống và cũng đã cầm được tờ giấy báo trúng tuyển vào đại học…

Năm 2005, tôi thi vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ngồi trong căn phòng mới thuê tôi nghĩ, chỉ hơn tháng nữa, tôi sẽ là… tân sinh viên.  Nhưng mơ ước đã quay lưng với tôi khi biết mình “thiếu điểm”.

Tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi đâm ra chơi bời lêu lổng. Những chuyến đi xuyên đêm của tôi nhiều hơn. Tôi lao vào rượu như một thứ làm cho tôi quên tất cả và quên cả bản thân mình đang sống trong gia đình nỗi tiếng nghiêm khắc như thế nào.

Ba vượt qua cơn nguy cấp trên giường bệnh. Tôi bắt đầu đay nghiến kể tội ông. Nào là bắt tôi chăn trâu cho còi cọc, ông coi thường tôi vô dụng, lúc thì không cho đi học thêm mới thua kém bạn bè.

Nói chung những duyên cớ làm cho tôi trượt đại học là ba đều hứng lấy. Lúc ấy ba vẫn còn uống thuốc. Ông không nói, lâu lâu sặc sụa vì nghẹn.

Rồi một tai nạn đã làm cho cánh tay của tôi phải bó bột. Tôi nằm vật vã lên cơn thèm rượu trên giường bệnh. Mẹ thương quá mua cho tôi 2 ngàn ruợu trắng. Uống xong tôi lại quậy. Tôi đập vỡ cái phích ba tôi được tặng khi dự Đại hội nông dân sản xuất giỏi năm 2004. Ba nhìn tôi không nói gì.

Bệnh viện thay ca trực, tôi tĩnh tâm lại khi người thay băng cho mình là một bác sĩ thương binh, phải di chuyển bằng nạng. Bác ân cần tiêm thuốc cho tôi rồi nhẹ nhàng hỏi nhỏ:

- Cháu biết chú là ai không?

-  Chú  là bạn của ba cháu.

Và sau hồi nói chuyện chú đã cho tôi biết ba mẹ tôi dằn vặt đau khổ thế nào về tôi. Sau khi đi bộ đội về chú thi đậu Đại học Y khoa Huế giờ đang làm tại bệnh viện huyện Lệ Thuỷ, nơi tôi điều trị.

Càng được quan tâm, tôi thay đổi hẳn, bắt đầu có những lời nói dễ nghe. Ba mẹ tôi đã có thể kể cho tôi nghe những câu chuyện hằng ngày của họ mà không sợ tôi lên cơn hù doạ.

Tháng 1 năm 2006 xin phép ba mẹ tôi vào thành phố Huế ôn thi. Và một lần nữa tôi lại trượt đại học. May mà trúng tuyển trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình.

Tôi nhập học một thời gian, có lẽ là nửa tháng… và bắt đầu cảm nhận ngành này không phù hợp với mình. Tôi quyết định vào học Trường cao đẳng tư thục Đức Trí Đà Nẵng khi nộp nguyện vọng hai ở đó.

Vẫn tự quyết như mọi lần, ba mẹ chiều theo tôi. Ba đã khóc rất nhiều khi tôi đi học ở Đà Nẵng, một đời sương gió chưa bao giờ ba khóc nhưng bấy giờ lại khóc vì thằng con trai không đáng ba phải rơi lệ. Tôi bước lên xe, ba đưa cho một quả cam và bảo cầm lấy đi đường mà ăn. Hai ba con nhìn nhau khóc trong cái nắng cuối tháng 9 rát bỏng. Mẹ bảo tôi cầm  hai triệu lo tiền nộp học phí và ăn ở. Tôi dự tính vào Đà Nẵng sẽ xin việc làm thêm để ba mẹ đỡ vất vả.

Xe chở tôi đến cổng trường Cao đẳng tư thục Đức Trí. Tôi trấn an nhìn vào khuôn viên tan hoang sau cơn bão. Nó  làm cho mọi thứ như sa mạc. Tôi định lên xe trở về.

Tôi đã đi và không thể trở về như thế này được. Vào nộp học phí tôi cảm thấy xót xa cho số phận của mình. Tôi nhập lớp 06QT4, vì tôi vào muộn nên trường phân như thế không biết ra sao.

Chỗ trọ tôi ở cách trường chừng 10km. Ngày hai bữa đều đặn tôi đạp  xe đến trường. Sáng đi học, tối chạy bàn ở quán cà phê Miền Nhiệt Đới, gần chỗ trọ với tháng lương 300 ngàn. Với chừng ấy tiền mẹ gửi thêm 200 ngàn nữa là đủ tôi sinh hoạt. Cuộc sống thành phố đắt đỏ nhưng tôi cũng bấm bụng dè sẻn chi tiêu. Nhiều lúc làm tăng ca tôi phải cúp tiết ngủ bù cho lại sức. Những đồng lương làm thêm cũng giúp tôi trang trải phần nào cuộc sống, ba mẹ gởi ít tiền hơn. Tôi vẫn chờ mùa thi đại học tới, vẫn muốn làm sĩ tử.

Để có tiền làm hồ sơ thi tôi đăng ký nhận phục vụ đám cưới cho nhà hàng Táo Đỏ ở đường Thái Phiên vào thứ Bảy hàng tuần, rồi gom góp ít tiền ra Huế thi Đại học.

Những ngày đầu tháng 7 năm 2009, tôi vẫn ở Đà Nẵng, vừa thi học kỳ trên lớp ở trường Đức Trí, tôi vừa chuẩn bị tất cả để một lần nữa có cơ hội làm sinh viên đại học. Không ai biết tôi sẽ thi lại lần này. Tôi muốn mình cố gắng trong lặng lẽ, và cũng không dám nói gì vì sợ trượt như lần trước.

Ngày mồng 7 tháng 7 năm 2008 tôi đón xe ra Huế. Thuê trọ cạnh trường Trần Quốc Toản, tôi về quê khi hoàn thành xong bài thi môn Địa lý khá ổn. Và tất nhiên gia đình và bạn bè không hay về chuyến đi thi bí mật lần này của tôi.

May mắn đã mỉm cười khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành Luật trường Đại học khoa học Huế. Tôi vui thầm nhưng cũng không dám chắc mình được học. Đáng vui nhất là tôi đã chứng minh một điều tôi đã đậu đại học, niềm mơ ước đã có thực.

 Ước mơ đến giảng đường là khát khao của sĩ tử.

Gia đình vẫn bình thường khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển. Tôi đã khóc rất nhiều và nghĩ giá như cũng tờ giấy này nhận được hai năm trước thì hạnh phúc biết bao!

Thời gian trôi đi chuyện đỗ đại học của tôi chìm dần vào quên lãng. Chẳng ai nói gì về chuyện tương lai của tôi, ai cũng lo cho vụ mùa đang xuống giống. Cận kề ngày nhập học những đứa em trong xóm lên đường đi học, gia đình tôi vẫn không nói gì về chuyện tôi học trường cũ hay cho phép tôi học Đại học Huế.

Tôi chỉ cảm nhận được đôi mắt mẹ sâu hơn qua những đêm không ngủ. Thân hình ba gầy gò vì cày cấy vất vả. Nhìn thế tôi làm sao lên tiếng?

Rồi…bỗng nhiên ba gọi tôi và bảo đã sẵn sàng vào đại học chưa? Tôi oà khóc, tiếng khóc tức tưởi vui sướng, vì ba mẹ vẫn nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Sau này tôi mới biết cha mẹ đã lên kế hoạch cho tôi học đại học trong thời khắc tôi lo lắng nhất.

Mẹ đưa tôi hai triệu như lần trước. Nhưng bây giờ nơi tôi đến là giảng đường Đại học Khoa học Huế. Ngày tôi đi cả nhà gọi tôi là "luật sư". Tôi đang theo đuổi nghề “thầy cãi” mà ngay cả ba tôi cũng chưa rõ lắm về ngành này. Nhưng tôi biết gia đình vẫn tin vào sự lựa chọn của tôi.

Hôm nay tôi đã là sinh viên năm 3, nhưng kỉ niệm về con đường đến với giảng đường trong tôi vẫn in hằn không phai. Nó không thất bại vì tôi có một niềm tin.

Trần Viết Long  sinh viên ĐH Huế

 

 


Bình luận
vtcnews.vn