Đường hoàn lương kỳ lạ của những tướng cướp khét tiếng

Pháp luậtThứ Ba, 10/12/2013 02:50:00 +07:00

Hành trình hoàn lương của những kẻ tội đồ một thời từng là tướng cướp khét tiếng luôn khó khăn, gian nan và xem ra cũng thật kỳ lạ.

Hành trình hoàn lương của những kẻ tội đồ một thời từng là tướng cướp khét tiếng luôn khó khăn, gian nan và xem ra cũng thật kỳ lạ.

Hay nói như Thiếu tá Ngô Văn Quảng, Trưởng công an phường Thuận Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì “Đóng góp và quyết tâm hoàn lương của một người từng vào tù ra tội này rất đáng trân trọng”.

Mỹ “Đen” và con đường trở về từ những lầm lỗi

Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo đói, từ nhỏ, Mỹ đã sớm lang thang theo đám ‘anh chị’ ở Đà Nẵng đi cướp giật. Hai lần đi tù, 7 năm trốn truy nã, thế nhưng giờ đây ông Mỹ lại là ‘khắc tinh’ của tội phạm tại Đà Nẵng, giúp công an phá hàng trăm vụ án.

17 tuổi, Mãi Xuân Mỹ đu tàu vào Sài Gòn ôm mộng làm giàu. Tàu đến ga Bình Thuận,  Mỹ gặp một nhóm thanh niên con đồ và gia nhập băng nhóm bọn chúng. Bắt đầu từ đây, Mỹ sa chân vào vũng lầy phạm tội.

Tướng cướp Mỹ "đen" đã giúp phá hàng trăm vụ án 
Cùng với đồng bọn của mình trong vai người bán bánh mỳ, giấu hung khí trong thúng, nhóm của Mỹ là nỗi khiếp sợ với khách đi tàu qua ga Đà Nẵng vào những năm 1980. Khi băng cướp bị triệt phá, Mỹ lĩnh án 5 năm tại trại giam Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Mãn hạn tù, đầu năm 1985 Mỹ về Đà Nẵng làm nghề thợ nề. Rồi Mỹ gặp cô gái gốc Thái Nguyên và nên duyên vợ chồng. Tết năm 1990, đưa vợ con về Đà Nẵng ra mắt họ hàng, cuộc đời của Mỹ tưởng như bước sang trang mới.

Tuy nhiên, trong lúc cùng đám bạn đánh bài đầu năm, Mỹ xô xát với một người hàng xóm và chém chết anh này. Bị truy nã, Mỹ bỏ trốn, lang thang ở đất Bắc mưu sinh bằng nghề thợ xây.Cuộc sống khó khăn, Mỹ quay lại giang hồ, “kiếm ăn” ở Kỳ Lừa (Lạng Sơn).

Mỹ chiêu mộ dưới chướng hàng chục đàn em, được giới giang hồ biết đến với biệt danh Mỹ “Đen”. Không bao lâu sau, đại ca gốc Đà thành này bị dân anh chị vùng biên “ghét” vì tranh chấp địa bàn làm ăn. Sau trận huyết chiến giữa đêm, Mỹ bị truy sát buộc phải tháo chạy về Quảng Ninh.

Gặp người đồng hương đang là giám đốc một công ty xây dựng, qua vài câu chào hỏi Mỹ đã bị “đọc vị” là kẻ giết người đang bị truy nã. “Anh ấy ở gần nhà tôi nên không cách nào chối tội được. Anh ấy khuyên tôi ra đầu thú, hứa nếu cải tạo tốt và sớm ra tù sẽ được nhận vào làm ở công ty”, Mỹ nhớ lại.

Trả xong án tại trại giam Bình Điền (Thừa Thiên – Huế), Mỹ trở về Đà Nẵng. Với lý lịch nhiều “tì vết”, Mỹ chẳng kiếm được công việc tử tế, ở tuổi tứ tuần, anh ta ra cảng cá làm nghề bốc vác.

Và từ năm 2000, Mỹ “Đen” trả nợ đời bằng việc tham gia lực lượng dân phòng. Với kinh nghiệm giang hồ, Mỹ nhập vai từ người bán vé số, lượm ve chai… để giúp công an phá hàng trăm vụ án.

Ngồi thu mình trong quán cà phê mặc cho nắng hắt vào khuôn mặt sạm đen và mái tóc màu muối tiêu, ông Mai Xuân Mỹ, Đội trưởng dân phòng phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) trầm ngâm nuối tiếc tuổi thanh xuân khi tham gia băng nhóm giang hồ.

Nữ tướng cướp xinh đẹp "2 tay 2 súng"

Khoảng 20 năm về trước, vùng đất Nhơn Trạch (phía tây nam của tỉnh Đồng Nai) vốn nổi tiếng là “miền đất hứa” của những băng cướp khảo khấu ở vùng rừng thiêng nước độc, trong đó băng cướp do bà Tám Lũy cầm đầu là hoạt động dữ dội nhất.

Tám Lũy tên thật là Trần Thị Liễu (còn có tên khác là Trần Thị Tép, sinh năm 1936), từng là một phụ nữ xinh đẹp, con gái rượu của võ sư, tướng cướp Trần Văn Rốp (tức Mười Rốp) ở vùng đất Phú Hữu, Nhơn Trạch vào thời kỳ Pháp thuộc. Không ai ngờ rằng cô gái hiền lành, cần cù năm nào lại có thể trở thành nhân vật của những giai thoại của một dòng họ có đến 4 thế hệ làm nghề trộm cướp.
Nữ tướng cướp Tám Lũy xinh đẹp khét tiếng một thời 
Được biết, tay chân, thuộc hạ của bà Tám Lũy là những đứa con ruột và người trong dòng họ với tổng số gần 25 người.

 Để đủ sức uy hiếp nạn nhân và “cạch mặt” lại các băng cướp khác, nữ tướng cướp Tám Lũy chỉ đạo thuộc hạ trang bị dao, lưỡi lê cùng nhiều vũ khí, đạn dược vốn còn sót lại từ thời chiến tranh với tổng cộng cả chục khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Các loại vũ khí này được cất giấu ngay tại sào huyệt ở ấp Bến Đình, giồng Ông Đông.

Sau ngày 30-4-1975, băng cướp Tám Lũy với hơn 30 năm hoành hành trên các vùng sông nước Đông - Tây Nam bộ đã gieo rắc biết bao tội ác. Lúc cao điểm, băng này có hàng chục đối tượng, hơn 10 súng, tiểu liên các loại, lựu đạn, mã tấu, xuồng máy...

Chúng dám tấn công cả vào lực lượng công an, dân quân, bắn chết, làm bị thương nhiều CBCS công an, du kích và thường dân vô tội... Qua quá trình đấu tranh gian khổ, kiên trì, lực lượng Công an TPHCM, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ đã triệt phá băng cướp Tám Lũy.

Sau rất nhiều sóng gió do băng cướp Tám Lũy gây ra, giờ đây vùng đất Nhơn Trạch lại trở về với sự bình yên để tập trung vào công cuộc phát triển.

Đâu đó trong cuộc đời, ở vào cái tuổi xế chiều, nữ tướng cướp lừng lẫy một thuở đang phải sống trong cảnh cô quạnh,  lầm lũi trước những sám hối do tội ác  mình đã gây ra, mà bà gọi đó là nghiệp chướng dù trả cả kiếp này cũng không hết.

Dũng “tù”: Tướng cướp phá gần 200 vụ án

Mười bảy tuổi, Dũng đã cầm đầu hàng trăm “lâu la” gây ra nhiều vụ hỗn chiến, nhằm khẳng định bản lĩnh cũng như đánh bóng thương hiệu Dũng “tù”.

Sau những trận hỗn chiến, Dũng “tù” không chỉ nhận được cái nhìn nể sợ của giới giang hồ nhí mà nhiều tay giang hồ sừng sỏ của Đà Nẵng cũng muốn Dũng về đầu quân dưới trướng của mình.
Dũng "tù" tham gia phá gần 200 vụ án 
Dũng “tù” có tên đầy đủ là Võ Tấn Dũng (SN 1978, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), sinh ra trong một gia đình chỉ có hai chị em, bố mẹ là dân lao động chân tay.

Từ bé, Dũng đã được nuông chiều như cậu ấm, vì nhà chỉ có duy nhất Dũng là con trai. Nhưng rồi Dũng thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ, Dũng bỏ học giữa chừng và trở thành một tay anh chị có tiếng.

Được sự quan tâm của ban lãnh đạo công an và chính quyền phương Hòa Minh, Dũng “tù” đi học tập cải tạo tại trung tâm giáo dưỡng Hòn Cát (tỉnh Quảng Trị) với thời hạn hai năm.

Ngày trở về, Dũng “tù” nhận ra được nhiều điều đáng quý trong cuộc sống. Bằng món nghề sửa xe máy học được trong thời gian đi “lao động”, anh mở một tiệm sửa xe. Từ đó, những manh mối về đường dây trộm cắp xe máy Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ được triệt phá.

Không những vậy, năm 2004, khi đang  hành nghề xe ôm ở khu vực ngã ba Hòa Mỹ (TP.Đà Nẵng), phát hiện kẻ gian đột nhập chùa Quang Minh, anh Dũng “tù” đã trực tiếp đấu tranh với kẻ gian. Lần đó tuy không bắt được kẻ trộm nhưng anh đã giúp chùa Quang Minh giữ lại số cổ vật vô cùng quý báu của mình.

Nhận thấy sự thay đổi tích cực trong con người anh Dũng “tù”, cơ quan công an phường Hòa Minh nhiều lần khen thưởng động viên, đưa anh vào đội dân phòng của phường, nhưng anh đều từ chối.

Hai lần nhận quyết định của công an phường Hòa Minh thì hai lần anh trả lại quyết định vì thấy mình chưa xứng đáng. Năm 2008, anh nộp đơn xin gia nhập lực lượng dân phòng của phường, khi nhận thấy mình đủ bản lĩnh để đương đầu với các loại tội phạm.

Nhờ đó, chưa đầy năm năm tham gia lực lượng dân phòng, anh đã tham gia phá gần 200 vụ cướp lớn bé khác nhau, bắt hàng trăm tên cướp táo tợn, góp phần đưa Hòa Minh từ một phường có tình hình phức tạp nhất TP.Đà Nẵng thành là cờ đầu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của thành phố.

Với những việc làm có ích cho xã hội hiện nay, anh Dũng xứng đáng trở thành tấm gương sáng cho những người từng một thời tù tội, khi quay trở về với cuộc sống đời thường.



Theo ĐS&PL
Bình luận
vtcnews.vn