Đường dây nóng của Bí thư Đà Nẵng xử lý thông tin dân phản ánh thế nào?

Thời sựThứ Năm, 25/02/2016 12:16:00 +07:00

Người dân gửi các bức xúc đến lãnh đạo Đà Nẵng qua tin nhắn, email và trang www.gopy.danang.gov.vn. Những vấn đề nóng sẽ được cơ quan chức năng xử lý trong 3 ngày

Người dân gửi các bức xúc đến lãnh đạo Đà Nẵng qua tin nhắn, email và trang www.gopy.danang.gov.vn, những vấn đề nóng sẽ được cơ quan chức năng xử lý trong 3 ngày.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Trường - Phó giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, cho biết việc công khai số điện thoại để nhận thông tin phản ánh từ người dân của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong thời gian qua rất hiệu quả.

Xử lý vấn đề bức xúc trong 3 ngày


"Trung bình mỗi ngày, điện thoại của Bí thư nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn phản ánh trong các lĩnh vực. Hầu hết phản ánh của người dân được Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời", ông Trường thông tin.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết trong thời đại bùng nổ Internet, việc tiếp nhận các ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân qua các trang điện tử rất hiệu quả. Hàng ngày, lãnh đạo TP nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp của người dân thông qua trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng.

Người dân phản ánh nhiều vấn đề bức xúc đến lãnh đạo TP Đà Nẵng qua ứng dụng Góp ý.
Người dân phản ánh nhiều vấn đề bức xúc đến lãnh đạo TP Đà Nẵng qua ứng dụng Góp ý.  

Những ý kiến này giúp lãnh đạo TP có cái nhìn tổng thể về mặt được và chưa được nhằm thay đổi, xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển.

Đầu năm 2016, lãnh đạo TP Đà Nẵng tiếp tục cho ra mắt ứng dụng Internet Góp ý (www.gopy.danang.gov.vn) để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân và du khách. Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng có trách nhiệm quản lý, vận hành và tiếp nhận, sau đó chuyển cho các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền.

"UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy chế vận hành Ứng dụng góp ý. Theo đó, các cơ quan chức năng phải xử lý những phản ánh trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc. Những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan thì Trung tâm phải có trách nhiệm báo cáo UBND TP để xử lý dứt điểm", ông Trường cho biết.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, cũng có một số phản ánh chưa đầy đủ thông tin khiến việc chỉ đạo xử lý gặp nhiều khó khăn. Mới đây, có một người nhắn tin vào số điện thoại của ông Nguyễn Xuân Anh: "Thưa Bí thư, tôi biết một vụ chặt chém khách tham quan ở một nhà hàng tại TP Đà Nẵng. Để biết chi tiết xin vui lòng gọi lại số máy này. Cảm ơn”.

Ông Trường cho biết, với những tin nhắn như thế này rất khó để lãnh đạo TP xem xét, giải quyết.


Lãnh đạo gần dân hơn

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100 ý kiến đóng góp của người dân gửi đến ứng dụng Internet. Hơn 90% phản ánh đã được các cơ quan chức năng xử lý.

Ngày 19/2, một người dân thông tin: "Tôi sống tại ngã tư ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - CMT8. Tôi phản ánh về tình hình giao thông tại ngã tư này hết sức phức tạp và nguy hiểm. Xe ben trọng tải lớn, container... chạy quá tốc độ lấn tuyến. Xe từ Nguyễn Hữu Thọ rẽ qua CMT8 hoặc lên cầu Nguyễn Tri Phương quá nhanh dễ gây tai nạn, nhiều tình huống thắng gấp, không nhường đường theo luật...".

Nhận được phản ánh trên, UBND quận Cẩm Lệ lập tức chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý. Đến nay, tình trạng này đã không còn.

Mới đây, một số người dân phản ánh có một xưởng cơ khí ở đường Tôn Thất Thuyết (quận Cẩm Lệ) gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Chỉ 6 giờ sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương đã xử lý dứt điểm.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT (PC67 - Công an TP Đà Nẵng), cho biết nhờ có ứng dụng Internet mà đơn vị đã nhận được rất nhiều góp ý có giá trị về phân luồng giao thông.

"Từ đầu năm đến nay, người dân đã cung cấp cho đơn vị hàng chục thông tin có giá trị về tình trạng xe khách nhồi nhét, xe ben chở quá tải...", ông Ngọc cho biết.

Điển hình là vụ người dân phản ánh có tình trạng xe ben trọng tải lớn, container chở quá tải chạy tốc độ cao trên đường Nguyễn Hữu Thọ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhận được thông tin, PC67 cử nhiều chiến sĩ mật phục trên tuyến đường, bắt được các phương tiện vi phạm.

Ông Trần Văn Đăng (trú quận Sơn Trà) nói: "Tâm lý người dân hay e ngại khi gặp lãnh đạo. Nhưng từ khi lãnh đạo TP công khai số điện thoại, email và mới đây là ứng dụng Internet thì chúng tôi dễ dàng hơn trong việc phản ánh những vấn đề bức xúc. Tôi đã gửi hơn 10 ý kiến đến lãnh đạo và đã có 8 việc được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm".

Hầu hết người dân khi được hỏi đều cho rằng, việc mở các kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp khiến họ cảm thấy khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo không còn xa nữa.
Sẵn sàng mua ý tưởng của dân

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết đơn vị đã có văn bản đề xuất UBND TP cho phép triển khai ý tưởng của ông Nguyễn Thiện (TP HCM) gửi đến email ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.

Qua email, ông này hiến kế cho lãnh đạo TP xây dựng những tuyến đường mang tên các TP nước ngoài kết nghĩa với Đà Nẵng. Theo ông Thiện, Đà Nẵng đã có sự giao lưu hợp tác chặt chẽ với nhiều thành phố lớn như Oakland, Kawasaki (Nhật Bản)... nên việc xây dựng các con đường mang tên những TP này sẽ góp phần vào điểm nhấn cho địa phương.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, lãnh đạo TP đang nghiên cứu để cho triển khai ý tưởng trên. "Đà Nẵng sẵn sàng mua ý tưởng của dân. Tôi mong muốn nhận được ý tưởng hay không chỉ từ những người con của Đà Nẵng mà còn từ nhân dân khắp mọi nơi có tâm huyết với TP này. TP sẵn sàng tiếp thu ý tưởng hay, phục vụ lợi ích cộng đồng. Chúng tôi sẽ khen thưởng những ý tưởng tốt và được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn”, ông Thơ cho biết.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn