Dựng tóc gáy với ‘dị nhân’ ngoài đảo nhai sống các loại động vật

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 17/12/2014 06:01:00 +07:00

Đảo Lý Sơn có một ‘dị nhân’ có sở thích quái đản, đó là ăn tươi nuốt sống bắt kỳ con vật nào.

(VTC News) - Đảo Lý Sơn có một ‘dị nhân’ có sở thích quái đản, đó là ăn tươi nuốt sống bắt kỳ con vật nào.


Kỳ 1: Đi tìm ‘dị nhân’ ăn sống

Đảo Lý Sơn, không chỉ nổi tiếng bởi có giống tỏi cực ngon, mà còn nổi tiếng bởi có một ‘dị nhân’ có sở thích quái đản, đó là ăn tươi nuốt sống bắt kỳ con vật nào.

Ai ra đảo Lý Sơn, cũng tò mò muốn diện kiến ‘dị nhân’ ấy. Tuy nhiên, để gặp được ông không phải dễ dàng. Vì quá nổi tiếng, nhiều người muốn gặp, rất mất thời gian, nên ông toàn trốn người lạ.

Vậy nên, phải nhờ đến rất nhiều mối, rồi cả chục lần tìm kiếm, tôi mới diện kiến được ông, khi ông đang sục sạo ngoài đồng kiếm con ếch, con ngóe, con rắn để ăn.

‘Dị nhân’ kỳ lạ ấy là ông Ngô Văn Tùy, sinh năm 1959, trú ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Tôi trình bày nguyện vọng muốn xem cảnh ăn tươi nuốt sống con vật gì đó, ông Tùy chối bai bải. Ông xua tay: “Lên hình nhiều quá, ngại lắm!”. Thế nhưng, kiên trì thuyết phục, nể nhà báo vất vả đường xa, lặn lội ra đảo giữa mùa biển động, ông cũng đồng ý.

Ông Tùy bảo: “Thế chú thích quay cảnh tui ăn con gì?”. Tôi ngẫm nghĩ một lát, xem ăn tươi nuốt sống con gì gây cảm giác mạnh nhất. Cuối cùng tôi đề nghị ông ăn một con rắn. Ông Tùy bảo: “Các chú ngồi chờ một lát nhé!”.
'Dị nhân' Ngô Văn Tùy ăn rắn sống 
Nói rồi, ông Tùy để chúng tôi ngồi chờ ven đường, ông đi ra phía những đụn cát trồng tỏi xanh rì. Đứng trong làng, vẫn trông rõ dáng ông Tùy đang lần mò ở mấy bụi cỏ hanh hao nắng. Tôi cứ băn khoăn, không hiểu ông Tùy sẽ tìm đâu ra con rắn bây giờ.

Chừng 10 phút sau thì thấy ông Tùy lững thững đi về, trên tay cầm một con rắn đang ngo ngoe. Rất nhiều người thấy có máy quay phim thì tụ tập lại xem.

Người dân ở đảo Lý Sơn đều biết chuyện ông Tùy chuyên “ăn tươi nuốt sống” các loài động vật, nhưng ông chưa bao giờ biểu diễn trước đông người, nên chuyện này cứ nửa tin nửa ngờ, hư hư thực thực, thành thử ai cũng háo hức được xem.

Ông Tùy giơ con rắn lên và mọi người đều trông rõ con rắn còn đang sống và rất khỏe mạnh. Rõ ràng ông Tùy vừa mới bắt con rắn này ngoài đồng.

Ông Tùy bảo, đây là loài rắn đặc trưng trên đảo Lý Sơn, có nọc kịch độc. Mấy ông đứng tuổi chứng kiến buổi biểu diễn, sau khi quan sát con rắn cũng xác nhận đây là dòng rắn hổ mang, tiếng địa phương là bù nặc.

Tôi cũng tin đó là rắn độc, vì khi ông Tùy giơ con rắn cho mọi người xem, mấy ông đứng tuổi hiểu biết về rắn đều sợ hãi chạy dạt ra.

Loài bù nặc có nhiều trong các khe đá trên núi. Chúng thường bò ra đồng kiếm ăn và trú tạm ở các hang hốc, bờ bụi. Không ít người ở Lý Sơn đã thiệt mạng khi bị loài rắn này tấn công.

Một người còn xác nhận, đã tận mắt thấy bù nặc cắn chết một con bò. Giống rắn này phát triển rất chậm và con to nhất chỉ bằng ngón chân cái. Con rắn ông Tùy bắt được tuy chỉ bằng ngón tay cái, song nó cũng khá già rồi.
Dị nhân Ngô Văn Tùy 
Tôi hỏi: “Vì sao ông bắt rắn độc nhanh thế?”. Ông Tùy cười bảo: “Nhiều lúc tui cũng không hiểu được bản thân nữa. Cứ như có linh tính ấy. Khi thèm ăn rắn, tui nghĩ đến loài rắn, thế là như có ai đưa đường dẫn lối, tự dưng chân cứ thế bước đến chỗ có rắn.

Lúc nãy cậu bảo tui ăn rắn, nghĩ đến rắn tự nhiên tui thèm chảy nước miếng, thế là tui ra cánh đồng. Đi một lúc thì nghe thấy tiếng cóc kêu giống như bị rắn cắn. Lần theo tiếng cóc, tui tóm được chú rắn này ở trong hang”.

Mọi người tỏ vẻ không tin lắm chuyện ông Tùy kể. Ông Tùy liền bảo: “Mọi người có tin rằng con cóc vẫn còn sống không?”. Mọi người đều lắc đầu: “Hổng tin!”.

Ông Tùy liền kéo căng con rắn, rồi vuốt thật mạnh một cái từ đuôi lên đầu, tức thì chú cóc to bằng ngón chân cái phọt ra ngoài. Điều lạ là chú cóc vẫn sống, nhảy tưng tưng dưới mặt đất.
 
Ai cũng trố mắt ngạc nhiên, thắc mắc vì sao con cóc vẫn còn sống dù đã ở trong bụng rắn khá lâu. Ông Tùy bảo: “Tui chén rắn sống quen rồi nên biết thôi. Đang đi đường, nghe tiếng cóc, nhái, ếch, chẫu chàng kêu ra sao là biết bị rắn xơi.

Cứ lần nào nghe thấy tiếng cóc nhái kêu kiểu rắn cắn là tui có bữa thịnh soạn hà, được chén liền lúc cả cóc lẫn rắn. Giống rắn không nhai con mồi mà nuốt luôn, mà loài cóc sống dai, nên nằm trong bụng rắn hồi lâu nó mới chịu chết. Lần này cũng vậy mà”.

Ông Tùy vừa trình bày xong, con cóc nhảy khỏi tay rơi xuống đất. Da cóc nhơ nhớp dịch dạ dày rắn nên dính đầy đất cát. Ông Tùy nhặt lên, thổi phù phù, rồi thả vào miệng nhai một cách ngon lành. Mọi người ồ lên. Mấy bà, mấy chị yếu bóng vía rú lên kinh khiếp. Thậm chí, một chị chạy ra gốc cây nôn thốc nôn tháo.

Ăn xong con cóc, nhìn xuống dưới đất, thấy mấy con côn trùng to cỡ con ruồi và 3 con bọ xít đang bò lổm ngổm, ông Tùy nhặt từng con vã vào mồm. Con rắn bù nặc kịch độc vẫn đang quắn quện lấy cổ tay ông.

Màn trình diễn chính, đó là ăn con rắn kịch độc diễn ra. Mọi người đều chú ý đón xem. Mấy thanh niên lôi hết điện thoại di động ra quay. Ông Tùy nhai con cóc và mấy con bọ xít hồn nhiên như trẻ con chén bim bim xong, thì nhẩn nha ăn con rắn.

Còn tiếp…

Dương Phong
Bình luận
vtcnews.vn