Dùng thuốc diệt cỏ ngâm chuối gây quái thai, chết não: Sẽ bị xử lý thế nào?

Thời sựThứ Năm, 05/11/2015 08:59:00 +07:00

Sử dụng thuốc diệt cỏ làm chín chuối gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Sử dụng thuốc diệt cỏ làm chín chuối có thể bị xử phạt thế nào?

(VTC News) – Luật sư Giang Hồng Thanh đã chia sẻ xung quanh việc nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ để làm chín chuối.

Như VTC News đã thông tin, mới đây, cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đã phát hiện và tiêu hủy 200kg chuối. Số chuối này của một vựa tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, do ông Vũ Xuân Tiến làm chủ.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, ông Tiến sử dụng khí đá (khí từ đất đèn) và thuốc diệt cỏ CO 2,4D để làm chuối chín đồng thời giúp cứng trái.


Luật sư Giang Hồng Thanh.
Theo các chuyên gia nông nghiệp và sinh học, thuốc trừ cỏ CO 2,4D được nông dân Việt Nam sử dụng khá phố biến để diệt cỏ dại. Ngoài tác dụng diệt cỏ, thuốc diệt cỏ CO 2,4D còn có khả năng biến cây, quả xanh thành vàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tuyệt đối không được dùng thuốc trừ cỏ CO 2,4D để làm chín quả, cụ thể là chuối, vì đây là chất cực độc, không được nhà nước cho phép sử dụng như chất giúp tăng trưởng.

Các chuyên gia cho biết, trong chất diệt cỏ có dioxin (chất độc da cam), nếu ăn phải chất này trong chuối thì nhiễm dioxin, làm thay đổi cấu trúc gen, phụ nữ có thể sinh con quái thai.

Chất này khi được dùng ngâm chuối có thể ngấm qua vỏ, qua cuống để vào thịt quả. Khi ăn phải, CO2,4D tấn công vào cơ thể, tồn dư trong gan, não nên hủy hoại 2 bộ phận này.

Như vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là, với việc sử dụng thuốc diệt cỏ làm chín chuối nói trên, ông Vũ Xuân Tiến đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Giang Hồng Thanh, Hà Nội.

Theo ông Giang Hồng Thanh, trong trường hợp này, rất có thể ông Vũ Xuân Tiến đã sử dụng thuốc diệt cỏ chỉ vì mục đích lợi nhuận (làm chín chuối để nâng cáo giá thành), chứ không có ý đồ nhằm làm hại tới sức khỏe, tính mạng người khác.

Hơn nữa, do được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời nên chưa có trường hợp nào tử vong, hay bị tổn hại sức khỏe nghiêm trong do ăn chuối có nguồn gốc từ vườn nhà ông Tiến.

Chính vì thế, Trưởng Văn Phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, chưa đủ cơ sở để cho rằng ông Tiến có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Tuy nhiên, ông Thanh nhận định, mặc dù chưa tới mức xử lý hình sự, nhưng hành vi sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo quản, làm đẹp nông sản là hành vi nguy hiểm, cần phải xử lý thật nghiêm minh.

“Việc chỉ vì lợi nhuận mà sử dụng thuốc diệt cỏ cũng như các loại thuốc hóa học độc hại để bảo quản, làm đẹp nông sản trái quy định là hành vi rất nguy hiểm, thể hiện sự vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng người khác. Hành vi này cần được cơ quan quản lý phát hiện kịp thời và xử lý thật nghiêm khắc,” ông Giang nói.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, nếu đúng là ông Vũ Xuân Tiến sử dụng thuốc diệt cỏ sai quy định như đã nói ở trên thì người nông dân này có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định số 114/2013/NĐ-CP ngày 3 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật”.

Theo đó, người có hành vi “Vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, cụ thể là “sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam”, hoặc “sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên bao gói gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường” thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng sẽ bị tiêu hủy.


Video: Kinh hoàng quy trình chế biến mỡ bẩn

Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết thêm, những hành vi tương tự của ông Vũ Xuân Tiến không phải là hiếm gặp. Trong khi đó, không phải trường hợp nào cũng được cơ quan quản lý kịp thời phát hiện và xử lý.

“Nó xảy ra thường xuyên, liên tục, công khai ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí phổ biến đến nỗi khiến dư luận có cảm giác rằng thực phẩm xung quanh họ đầy rẫy chất độc, chất bảo quản. Điều này không chỉ gây bức xúc cho người tiêu dùng mà còn mang tới sự bất an, mất niềm tin rất lớn đối với tất cả mọi người,” ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, để ngăn chặn những hành vi như trên không phải là quá khó. Chúng ta đã có chế tài hành chính đủ mạnh để giải quyết. Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng có quyết liệt xử lý hay không.

“Ví dụ như ngoài việc phạt tiền, cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp vi phạm. Nếu chúng ta ra tay xử phạt mạnh mẽ đối với mọi trường hợp vi phạm, tôi tin rằng những hành vi giống như của ông Vũ Xuân Tiến sẽ được giảm thiểu đến mức tối đa, qua đó sức khỏe của người tiêu dùng cũng được đảm bảo,” ông Thanh nhận định.

Trước thực trạng thực phẩm, rau quả không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường hiện nay, Luật sư Giang Hồng Thanh tỏ ra lo ngại cho sức khỏe người dân.

“Hoa quả, thực phẩm… ở những cửa hàng, siêu thị có thương hiệu, uy tín thì có thể sẽ an toàn hơn. Nhưng những nơi này giá cả thường đắt đỏ hơn. Không phải ai cũng đủ điều kiện đến những địa điểm này mua sắm.

Hơn nữa, phần lớn người dân tại các thành phố, đô thị lớn hiện nay vẫn có thói quen mua sắm ở vỉa hè, chợ cóc… Bởi vậy, người tiêu dùng trông chờ rất nhiều vào hành động của các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ khi nào thực phẩm bẩn, nông sản nhiễm hóa chất bị loại hoàn toàn khỏi thị trường thì sức khỏe người dân mới được đảm bảo,” ông Thanh nói.

Hữu Lê
Bình luận
vtcnews.vn