Dùng thuế điều chỉnh hành vi gian dối với môi trường

Thời sựThứ Ba, 01/06/2010 07:17:00 +07:00

(VTC News) – “Về nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để khắc phục. Đây là hình thức khắc phục lại thiệt hại gây ra cho đất nước”.

(VTC News) – “Về nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để khắc phục. Đây không phải chuyện lấy tiền làm lợi nhuận cho đất nước mà khắc phục lại thiệt hại gây ra cho đất nước”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về dự thảo Luật Thuế môi trường chiều 31/5.

Thu thuế môi trường – có thu phí nữa không?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Kiều Minh 
Trước đó, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thẩm tra dự án Luật này, nhiều ĐBQH thắc mắc, khi ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thì có tiếp tục duy trì hệ thống quy định về phí môi trường như hiện hành hay không?

Một số ý kiến cho rằng, đối với những mặt hàng đang chịu phí môi trường như xăng, dầu, than, nhựa, hóa chất… khi đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì không nên tiếp tục chịu phí môi trường.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết, đa số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế BVMT và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm (thu vào các chất thải ra trong quá trình sản xuất như phí nước thải, phí chất thải rắn...). Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế BVMT ở những công đoạn khác nhau.

Dẫn chứng, điều 13 của Dự thảo luật quy định chỉ riêng đối với mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế BVMT sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu còn đối với một số mặt hàng khác như than… vẫn tiếp tục phải chịu thêm cả phí môi trường.

Qua đó, đại diện UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị phân định rõ sự khác nhau về bản chất giữa thuế BVMT và phí môi trường.

Thảo luận tại tổ Hà Nội về nội dung này, ĐB Nguyễn Đình Quyền lo ngại. “Chúng tôi cho rằng việc vẫn duy trì các chính sách thuế hiện hành liên quan mà vẫn đánh thuế BVMT thì hệ thống thuế của ta sẽ trùng rất nhiều, phí trùng thuế, thuế trùng thuế. Chúng ta cần rà soát lại, cần nghiên cứu rất kỹ chứ không nói đơn thuần như tờ trình của Chính phủ được”. ĐB Quyền tán thành ban hành Luật Thuế BVMT nhưng đề nghị phải rà soát lại các sắc lệnh thuế  và phí đề không trùng.

Tiếp đó, ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng gợi ý: “Chúng ta có pháp luật về phí và lệ phí, giờ có thuế - nên chăng chúng ta xây dựng Luật lệ phí, phí và thuế về môi trường để kết nối toàn bộ chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này để tránh trùng lặp - khi nộp thuế thì không nộp phí…”

ĐB Đào Trọng Thi thì cho rằng, với thuế và phí môi trường thì cần phân biệt một “cái”  đánh vào quy trình sản xuất và một “cái” đánh vào tiêu thụ - “như vậy mới đánh đúng vào cái điều chúng ta cần khuyến khích”.

ĐB Thi phân tích, phí môi trường không đánh vào mặt hàng mà đánh vào công nghệ và quy trình sản xuất, có như vậy mới kích thích người sản xuất đầu tư vào công nghệ, tránh gây ô nhiễm môi trường. Còn thuế môi trường thì đánh vào tiêu thụ, hạn chế tiêu thụ những loại hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, ví dụ túi nilon, nếu như đánh thuế cao vào tiêu thụ thì người tiêu dùng phải hạn chế việc mua túi…

“Ở nhiều khách sạn mỗi ngày người ta thay một bàn chải răng, nhưng giờ để hạn chế thải ra môi trường thì mỗi ngày người ta không phát bàn chải răng nữa, để chúng ta mua và sử dụng nhiều ngày – như vậy là đánh vào người tiêu thụ. Nếu chúng ta hiểu, phân biệt như vậy thì sẽ xử lý vấn đề chúng ta nêu” – ông Thi nói.

Giải pháp mạnh nhất bảo vệ môi trường hiện nay là thuế

Đại biểu Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Kiều Minh
Với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, thành viên Ban soạn thảo khẳng định, giải pháp mạnh nhất để bảo vệ môi trường hiện nay là thuế.

Theo đó, thuế môi trường khác với các lĩnh vực khác ở chỗ: mục tiêu của thuế môi trường không phải vì tiền mà dùng công cụ thuế giải quyết 2 vấn đề: hạn chế hành vi từ sản xuất đến tiêu thụ gây ô nhiễm môi trường và dùng thuế này tác động việc sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

“Thông qua công cụ thuế chúng ta điều tiết, điều chỉnh những hành vi gian dối với môi trường. Vừa rồi chúng tôi “căng” về chuyện nhập phế liệu thép - nếu là thép tà vẹt hay giàn giáo… thì không có vấn đề gì, nhưng chủ yếu là nhập thùng phi đựng hóa chất độc hại, nếu theo quy định là phải rửa sạch phế liệu này thì chi phí gấp 10 lần giá trị làm ra. Tôi chưa nói quặng chúng ta xuất đi vô tội vạ, đáng ra ta phải giữ lại thì cái tốt thì ta lại đi nhập cái xấu vào. Như vậy, các chế tài khác chưa “bao” hết được thì phải thu thuế”.

Bộ trưởng Nguyên nhấn mạnh, phải dùng công cụ thuế. Thuế không phải lấy tiền mà là “đòi lại” các doanh nghiệp đang “ăn” vào giá môi trường từ các sản phẩm. Về nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải bỏ tiền ra để khắc phục. “Đây không phải chuyện lấy tiền làm lợi nhuận cho đất nước, mà là khắc phục lại thiệt hại gây ra cho đất nước”.

Về ý kiến thuế trùng thuế, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, không sợ thuế “đúp”, dẫn chứng, xung quanh chúng ta và các nước trên thế giới cũng chia 3 loại: lệ phí, phí và thuế rõ ràng.

“Riêng môi trường không có chuyện khi sản xuất ra lưu thông mới đánh thuế vì ngay từ khi “anh” sản xuất “anh” đã ra chất thải nên có loại họ vừa thu phí, vừa thu thuế” - Bộ trưởng Nguyên nói.

Điều 3 của Dự thảo luật quy định, đối tượng chịu thuế gồm 5 nhóm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Qua thảo luận, một số ĐB chưa tán thành vì cho rằng, hiện nay không chỉ có 5 nhóm hàng hóa này tác động xấu đến môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các loại hóa chất độc hại, các sản phẩm độc hại… tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người.

ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đề nghị: “Theo tôi chúng ta nên kê nhiều đối tượng và mặt hàng khác để thu thuế môi trường. Tất nhiên phải chọn, cái gì có thể thay thế được thì phạt nặng, ví dụ thay bằng dùng túi nhựa hiện nay nhiều người đã dùng túi giấy”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần áp dụng mức thuế cao đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà đã có sản phẩm khác thay thế nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng, thói quen sử dụng.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn