Đừng quá kỳ vọng vào bất động sản phục hồi

Kinh tếThứ Năm, 05/11/2015 02:56:00 +07:00

Giá nhà, đất đang có chiều hướng ấm trở lại được các ngân hàng (NH) kỳ vọng sẽ là điều kiện tốt cho việc phát mãi tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản

Giá nhà, đất đang có chiều hướng ấm trở lại được các ngân hàng (NH) kỳ vọng sẽ là điều kiện tốt cho việc phát mãi tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản (BĐS), giúp xử lý nợ xấu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng BĐS chỉ mới ấm ở phân khúc căn hộ có giá thấp.

Ấm cục bộ

Thực ra các khoản nợ xấu NHTM bán cho VAMC là những khoản nợ xấu có giá trị lớn. Trong khi đó, thị trường BĐS hiện chỉ mới ấm lên ở phân khúc căn hộ giá thấp, còn các dòng sản phẩm cao cấp vẫn khó bán. Vì thế, các NH cũng không trông chờ quá nhiều vào việc BĐS đang hồi phục để xử lý nợ nhanh hơn. Mặt khác, dù BĐS có ấm lên, song quyền giải quyết tài sản thế chấp là BĐS không thuộc về NH.
 Đừng quá kỳ vọng vào bất động sản phục hồi
Trong hợp đồng tín dụng có điều khoản cam kết, nếu khoản vay rơi vào nợ xấu NH được thanh lý tài sản đảm bảo, nhưng thực tế khi khoản nợ rơi vào nợ xấu NH không thể đơn phương xử lý, bởi để xử lý NH cần tìm được sự thỏa thuận với khách hàng.

Thông thường, khách hàng không muốn bán tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều so với mức định giá trước đó, còn NH muốn định theo giá thị trường. Và một khi NH - khách hàng không tìm được tiếng nói chung, vụ việc sẽ phải kiện ra tòa, thời gian kéo dài cả năm. Trong khi đó nợ xấu càng để lâu đòi hỏi tăng trích dự phòng.

Tổng giám đốc một NHTMCP tại TPHCM thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu của NH ông hiện vẫn còn khó khăn. Một phần BĐS cho dù có dấu hiệu ấm lên nhưng chỉ với một số dự án có đầu ra và phân khúc nhà ở có mức giá thấp, còn nhìn chung vẫn chưa thể kỳ vọng sớm tan băng.

Vì vậy, việc xử lý các dự án BĐS đang thế chấp để thu hồi nợ xấu trong bối cảnh hiện nay chưa thể đạt mục tiêu. Kỳ vọng của NH vào 2 tháng còn lại của năm, khi tác động tích cực từ việc người nước ngoài được mua nhà từ tháng 7-2015 sẽ kích thích thị trường trong quý IV. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhiều NH đã chấp nhận hy sinh giảm và thậm chí miễn lãi suất cho khách hàng, nhưng cũng không dễ thỏa thuận với khách hàng.

Hiệu ứng 2-3 năm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, thừa nhận cái khó nhất trong xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, quá trình này mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng 2-3 năm. “Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan liên quan nhiều năm và đề nghị đẩy nhanh tiến trình này để hỗ trợ đẩy nhanh việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết khó khăn về tài chính cho NH, TCTD, doanh nghiệp, nhưng thời gian qua, NHNN, tư pháp, tòa án cũng chưa thể phối hợp tốt để giải quyết vấn đề này” - ông Minh nói.

Mặc dù nợ xấu toàn ngành đã giảm, NHNN chỉ đạo đến cuối tháng 9 TPHCM phải kéo giảm nợ xấu xuống dưới 3%. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Minh cho biết đã giao cho các hội sở chính của các NH đến cuối tháng 9-2015 phải xử lý hơn 25.300 tỷ đồng. Trong đó, phân chia ra 3.100 tỷ đồng các NH phải tự xử lý, 22.200 tỷ đồng phải bán nợ cho VAMC, ngoài việc tự xử lý như trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, NH phải bán tài sản thế chấp để xử lý nợ. Việc phối hợp với khách hàng để thu nợ cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong tự xử lý nợ xấu các NH. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ vẫn có khó khăn khi chưa thể đẩy nhanh tiến độ phát mãi tài sản đảm bảo.
Nhiều dự án BĐS cao cấp thuộc diện nợ xấu cho đến nay vẫn chưa tiếp tục khai thác để trả nợ. Ảnh: LONG THANH 
Lượng nợ xấu VAMC “gom” từ các NH tính đến nay đã đạt gần 200.000 tỷ đồng, nhưng xử lý được chỉ hơn 10.000 tỷ đồng. Các NH cho hay, 9 tháng năm nay đã thu hồi được vài trăm đến ngàn tỷ đồng nợ xấu, song so với tổng số nợ xấu chưa xử lý, thu hồi được vẫn khá lớn.


TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng để xử lý được nợ xấu đòi hỏi những quy định trong việc xử lý tài sản đảm bảo phải thông thoáng hơn. Mặt khác, Việt Nam phải hình thành thị trường mua-bán nợ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ theo cơ chế thị trường, không thể chỉ trông chờ vào BĐS hồi phục.

Việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng đã được đề cập đến tại Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC vừa được NHNN ban hành sẽ có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu.

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu Tư
Bình luận
vtcnews.vn