Đừng coi những “thảm họa” là sản phẩm âm nhạc

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 17/06/2011 10:40:00 +07:00

(VTC News) - Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với con gái nhà thơ Huy Cận về cha mình và về nền âm nhạc đương đại nhiều "thảm họa".

(VTC News) - Những ngày tháng 6, chợt nhớ tới người thi sĩ tài hoa lãng mạn Huy Cận đã được tôn vinh làm Viện sĩ viện hàn lâm thơ thế giới cách đây tròn 10 năm.

Chúng tôi lần theo những người thân trong gia đình thi sĩ và có cuộc trò chuyện nhỏ với người con gái tài năng của nhà thơ, PGS.TS Cù Lệ Duyên, phó khoa lí luận - sáng tác, chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam về người cha của  mình và về âm nhạc.
 

PGS.TS Cù Lệ Duyên

- Được thừa hưởng dòng máu lãng mạn của một trong những đỉnh cao của phong trào thơ mới, là con một thi sĩ lớn của đất nước là Huy Cận, tại sao chị không chọn con đường của cha mình để bước tiếp?

- Chắc ít ai biết được rằng cha tôi, nhà thơ Huy Cận là một người vô cùng yêu âm nhạc. Mặc dù cả cuộc đời mình ông chỉ làm thơ và nổi tiếng từ những vần thơ ấy, nhưng từ trong tâm hồn mình, có một niềm đam mê và khao khát lớn là được trở thành một nhạc sĩ, nhưng do chưa có điều kiện học nhỏ từ nhỏ nên ông không theo con đường âm nhạc. Nếu có điều kiện biết đâu ông đã trở thành một nhạc sĩ lớn.

Có lần nhạc sĩ Trần Hoàn có sáng tác một ca khúc mà cha tôi thấy hay quá nên đã viết một bài bình về ca khúc ấy, không ngờ khi đưa cho Trần Hoàn đọc nhạc sĩ đã phải thốt lên là nó hay hơn tất cả những bài bình luận của những nhà bình nhạc chuyên nghiệp nhất. Tôi nhớ khi cha còn sống, lúc nào trong ngôi nhà của gia đình cũng ngập tràn những tiếng nhạc của Beethoven, của Chopin... Thế nên khi được chọn con đường đi của mình, mặc dù rất yêu văn chương nhưng tôi lại chọn âm nhạc và sang Nga học tập, tu nghiệp suốt 15 năm.
 
Có thể nói, hồi nhỏ tôi học âm nhạc là để thỏa niềm khát khao, mong ước của cha mình, nhưng khi học rồi mới thấy đó cũng là niềm đam mê của mình. Và cũng vì tôi biết có một cái bóng quá lớn mà mình khó có thể vượt qua, nên khi được hỏi liệu có làm được thơ hay hơn Huy Cận không để theo con đường văn chương tôi đã cười và lắc đầu.

Đến bây giờ ngoài việc giảng dậy và sáng tác nhạc đôi chút tôi có làm thơ, không thực sự hay nhưng nó giúp cuộc sống thi vị hơn rất nhiều.

- Nhân nói về chuyện âm nhạc, với cương vị là phó khoa lí luận -  sáng tác chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chị nhận định như thế nào về những thảm họa âm nhạc báo chí nói tới trong suốt thời gian qua?

-
Chúng ta hãy tạm đừng nên coi những thứ đó là sản phẩm âm nhạc đích thực. Hãy nhìn vào những sản phẩm là âm nhạc thực thụ để đánh giá cả một nền âm nhạc đương đại. Tôi rất vui khi mới đây chúng ta có những thành công lớn trên trường quốc tế như lần đầu tiên bản giao hưởng Lệ Chi Viên của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng được tham dự festival âm nhạc Beethoven tại Đức, rồi những buổi biểu diễn tại Pháp, tại Nhật của dàn nhạc giao hưởng nhạc viên Hà Nội...được bạn bè thế giới đánh giá cao. Hay những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc chính thống đã chọn ra được những giọng ca xuất sắc bổ sung vào đội ngũ ca sĩ nhiều tài năng. Hãy nhìn vào đó để tìm hướng đi cho nền âm nhạc nước nhà, những ca khúc rác nếu như người nghe có sự chọn lọc và trình độ thưởng thức sẽ tẩy chay để nó không còn đất tồn tại.

- Dù không coi là sản phẩm âm nhạc thực thụ, nhưng từ Phi Thanh Vân tới Vĩnh Thuyên Kim rồi HKT, ACK...những thảm họa âm nhạc vẫn "sòn sòn" ra đời bất chấp dư luận, nguyên nhân là do đâu?

- Ca khúc nào thì đối tượng nghe ấy, đó là điều tất yếu, có cung ắt có cầu. Sự tiếp nhận âm nhạc dễ dãi của một bộ phận công chúng là nguyên nhân chính dẫn tới việc những ca khúc ấy vẫn còn tồn tại. Thêm nữa là nhạc sĩ vẫn chưa lao động thực sự nghiêm túc và cả từ phía cơ quan kiểm duyệt, họ chưa nghiêm túc trong việc đánh giá ca khúc nào được phép biểu diễn.  Đừng để những nhạc phẩm như vậy làm hỏng thị hiếu người nghe nhạc.

- Có khắt khe quá không khi nói thị hiếu âm nhạc của một bộ phận không nhỏ công chúng đang đi xuống?

-
Một phần rất nhỏ thôi. Tôi tin vào những tài năng thực thụ sẽ đưa âm nhạc đi vào lòng công chúng.

- Có phải vì ca sĩ là một danh hiệu nhiều người mơ ước nên nhiều chân dài dù không có chút vốn liếng âm nhạc nào vẫn lấn sân sang lĩnh vực ca hát, để rồi cho ra đời những ‘thảm họa”?

-
Có lẽ thế, âm nhạc có ở khắp mọi nơi, khi đời sống vật chất ngày càng nâng cao thì nhu cầu thưởng thức tăng lên là điều tất yếu, và ca sĩ là một cái nghề mà nếu thực sự có năng lực, họ sẽ có được cả sự giàu có và nổi tiếng.

- Các ca sĩ trẻ bây giờ sợ hát những dòng nhạc kén người nghe hay họ không đủ sức đuổi kịp thế hệ đàn anh đàn chị? Sự xâm lấn ồ ạt của ca sĩ trẻ hát nhạc thị trường hiện nay có khiến chị lo lắng?

- Chúng ta không đánh đồng tất cả thế hệ ca sĩ trẻ. Có rất nhiều ca sĩ còn rất trẻ nhưng đã ý thức được sự nghiêm túc trong lao động để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa nhất. Không phải chỉ hát nhạc chính thống mới là đáng hoan nghênh, mà là sự nghiêm túc và phấn đấu trong nghề nghiệp.

Còn những ca sĩ có tên tuổi họ thường chỉ xuất hiện trong những chương trình lớn, vì nhiều lý do như thời gian, sức khỏe mà không xuất hiện thường xuyên được. Có nhiều nghệ sĩ ý thức được mình nên dừng lại ở thời kì đỉnh cao để có thể ấn tượng tốt nhất cho khán giả, tôi nghĩ đó cũng là một điều hay.

- Là một người đứng trên bục giảng, theo chị phải làm như thế nào để nâng tầm nhận thức của người nghe, để những sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa đến được với công chúng?

- Cách lâu dài và hiệu quả nhất là giáo dục âm nhạc cho công chúng, muốn làm được điều này, phải giáo dục từ rất sớm, ngay khi con người có nhận thức nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mình.

- Và chúng ta có quyền tin vào một nền âm nhạc đương đại vươn tầm ra thế giới, không “nhạc rác”, không “thảm họa”

-
Rác hay thảm họa chỉ là một phần quá nhỏ bé, chúng ta hoàn toàn có quyền tin vào nền âm nhạc đương đại  nước nhà sẽ vươn xa.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Thùy Linh
(thực hiện) 

Bình luận
vtcnews.vn