Đừng chăm chăm vào câu chữ luật pháp

Thể thaoChủ Nhật, 19/02/2012 12:08:00 +07:00

Việc thanh tra phải căn cứ vào luật pháp, song ngạc nhiên và buồn lòng là không ai có một lời nào nói tới hợp đồng có phù hợp với lợi ích của các CLB hay không?

Báo chí đã đưa tin rộng rãi về kết luận của thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch cho rằng hợp đồng do VFF ký bán quyền truyền hình và các quyền khác liên quan đến thông tin về các giải bóng đá thuộc VFF tổ chức cho Công ty AVG là đúng theo quy định của pháp luật và điều lệ VFF.

Là một người ham mê bóng đá, tôi đọc kỹ lời giải thích của những người có trách nhiệm trong việc này thì chỉ thấy nói tới điều này, khoản kia của luật pháp không bị vi phạm.

Đương nhiên việc thanh tra phải căn cứ vào luật pháp, song điều làm tôi ngạc nhiên và buồn lòng là không ai có một lời nào nói tới hợp đồng có phù hợp với lợi ích của các câu lạc bộ bóng đá hay không, có đáp ứng được hay không nhu cầu chính đáng của dân, nhất là những người ham mê bóng đá mong muốn được dễ dàng xem truyền hình trực tiếp các trận đấu bóng đá.

 Nhu cầu và lợi ích của dân đang để ở đâu? (Ảnh: Quang Minh)

Lợi ích của các câu lạc bộ bóng đá và nhu cầu của những người ham mê bóng đá chính là động lực cơ bản cho sự phát triển nền bóng đá Việt Nam. Ai cũng thấy và cũng nói như thế, vậy mà điều tối quan trọng ấy lại không được đếm xỉa đến khi thanh tra, kết luận về một hợp đồng đang có nhiều tranh cãi.

Liên hệ đến vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, các nhà chức trách cấp xã, cấp huyện (được sự đồng tình của cấp thành phố) khi ra quyết định thu hồi và cưỡng chế cũng đều cho rằng mình làm đúng theo điều này, khoản kia của luật pháp.

Trước ngày Thủ tướng kết luận về vụ việc này, không một ai trong các cấp chính quyền và tòa án ở Hải Phòng nói đến lợi ích chính đáng của người dân đã bỏ công sức, tiền của đầu tư để biến vùng đất hoang thành đầm nuôi thủy sản; không một lời nào tính đến việc sử dụng đất đai như thế nào là có lợi nhất cho sự phát triển đất nước.

Hai sự việc khác hẳn nhau, nhưng lại có một điểm rất giống nhau: những nhà cầm quyền có trách nhiệm trực tiếp trong từng sự việc đều tự nhận là công bộc của dân nhưng khi hành xử thì chỉ chăm chăm vào câu chữ của luật pháp mà không nghĩ gì đến quyền lợi chính đáng của dân.

Chính điều đó dẫn tới làm sai luật mà cứ cho là đúng (cũng không loại trừ động cơ bóp méo luật để mưu lợi riêng). Phải chăng hai sự việc này là điển hình của nếp nghĩ và hành xử khá phổ biến trong nhiều vị công bộc của nước ta?

Hệ thống luật pháp rất đa dạng, phức tạp với vô vàn điều khoản, song cả rừng câu chữ đều hướng vào mục tiêu tối thượng là đáp ứng nhu cầu và lợi ích của dân, bảo đảm quyền làm chủ của dân, phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Đó là tinh thần cơ bản của luật pháp. Chỉ chăm chú vào câu chữ mà bỏ qua tinh thần ấy thì không phải là thượng tôn pháp luật, càng không thể có ý thức điều chỉnh, bổ sung luật pháp theo kịp yêu cầu của cuộc sống để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta.

TRẦN ĐỨC NGUYÊN (Nguyên trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng)

Theo Tuổi trẻ Online

Bình luận
vtcnews.vn