Đua nhau “lận” thuế thương mại điện tử

Kinh tếThứ Sáu, 08/11/2013 10:24:00 +07:00

(VTC News) - Lợi dụng kẽ hở về chính sách thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều đối tượng tìm cách gian lận thuế.

(VTC News) - Lợi dụng kẽ hở về chính sách thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều  đối tượng tìm cách gian lận thuế.

Trốn thuế tràn lan


Theo khảo sát mới đây của Tổng cục Thuế, hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, một số DN mới chỉ thành lập được vài năm nhưng doanh thu đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong khi số tiền nộp ngân sách không đáng kể.
 
Điển hình như Công ty CP giải pháp thanh toán Việt Nam, doanh thu năm 2012 đạt 803 tỷ đồng, nhưng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2012 chỉ là 1,8 tỷ đồng và số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã nộp năm 2012 chỉ là 35 triệu đồng.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho rằng, việc quản lý thuế với những doanh nghiệp kinh doanh online đang cho thấy không ít vấn đề đau đầu.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử giao dịch hoàn toàn không dùng giấy tờ như truyền thống nên những đơn vị này hoàn toàn có thể xoá dữ liệu để qua mặt ngành thuế. Không ít trường hợp các doanh nghiệp sử dụng máy chủ nước ngoài để giao dịch, thanh toán khiến việc thu thập dữ liệu để thanh kiểm tra thuế của cơ quan quản lý lại càng khó khăn.

Gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra một số DN hoạt động trong lĩnh vực này, cơ quan thuế bước đầu đã nhận diện được một số sai phạm có tính chất điển hình. Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng Google, các DN vi phạm thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT; không kê khai thuế nhà thấu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia như Goole, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam.

Đối với loại hình kinh doanh thẻ điện thoại hoặc thẻ game online, các hành vi vi phạm chủ yếu là chiết khấu thanh toán cho khách hàng theo tỷ lệ không phù hợp với khoản chiết khấu nhận được từ nhà cung cấp; các DN sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế.

Đa số các DN sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân, nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế GTGT và TNDN.

Tuy nhiên, những vụ bị phát hiện và xử phạt so với số vụ chưa biết phát hiện mới chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Về việc này, ông Vũ Quang Tiến cũng thừa nhận: "Nếu các doanh nghiệp không tự giác, không cung cấp thông tin thì chúng tôi rất khó để truy thu, tìm kiếm dữ liệu ở nước ngoài”.

Chưa đủ chế tài

Với đặc thù môi trường internet là dễ thay đổi, che giấu thông tin nên việc quản lý thuế với hoạt động TMĐT đang gặp không ít khó khăn. Bởi về cơ sở pháp lý, mặc dù các văn bản điều chỉnh hoạt động TMĐT đã tương đối đầy đủ, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử… tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TMĐT đã khiến nhiều lĩnh vực chính sách quản lý thuế chưa có quy định cụ thể.

Chẳng hạn, DN cung ứng dịch vụ internet và game online đã phát sinh vướng mắc về chính sách thuế đối với thu nhập cá nhân từ hành vi chuyển nhượng, mua bán điểm ảo trong game online để thu tiền thật thì đây có phải là hành vi kinh doanh hay không.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, khi thanh tra các DN kinh doanh TMĐT, người nộp thuế thường xóa dữ liệu hoặc không cung cấp dữ liệu của máy chủ. Trong khi đó, trình độ tin học của cán bộ thanh tra còn hạn chế nên rất khó phát hiện sai phạm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cũng cho rằng: “Hiện rất nhiều chủ cửa hàng trên các trang mạng xã hội sử dụng cách giao dịch bằng tiền mặt và chuyển hàng tận nơi theo yêu cầu. Việc lần theo dấu vết của đồng tiền trong những trường hợp ấy gần như là không thể”

Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, cần rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời sửa đổi phù hợp. Trước mắt, cơ quan thuế sẽ thanh tra các loại hình TMĐT đang phát triển mạnh và rủi ro cao như kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online); cung ứng dịch vụ quảng cáo trực tuyến; sàn giao dịch TMĐT…

Việc thành lập tổ chuyên trách để thanh, kiểm tra các DN kinh doanh TMĐT cũng cần được tiến hành cùng với biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn.


Minh Loan

Bình luận
vtcnews.vn