Đưa Internet vào VN: Cuộc vật lộn tư duy đổi mới

Kinh tếThứ Hai, 03/12/2012 08:09:00 +07:00

(VTC News)- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nói đằng sau việc cho mở Internet là cả một chặng đường dài ‘vật lộn’ về tư duy đổi mới.

(VTC News)- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nói đằng sau việc cho mở Internet là cả một chặng đường dài ‘vật lộn’ về tư duy đổi mới. 

Việt Nam đã chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu tháng 11/1997. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, lợi ích do Internet đem lại vẫn còn mơ hồ với nhiều người nên việc thuyết phục lãnh đạo các cấp cho mở Internet cũng là việc không dễ dàng. Ông Mai Liêm Trực nói:

Thời kỳ đó, đất nước đang trong giai đoạn vật lộn trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn phức tạp. Việc cho mở hay không mở Internet lúc bấy giờ cũng là thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Lúc đó, giới khoa học kỹ thuật đã thấy được lợi ích và sức mạnh của Internet, nhưng nhiều người khác thì vẫn hiểu Internet chưa nhiều. Năm 1991, tôi đi họp và được tiếp xúc với Internet đầu tiên tại Wasington DC ở Mỹ.

Ông Mai Liêm Trực 
Sau đó tại một số cuộc họp ở châu Á, nhiều nhà lãnh đạo các nước khác đã chào tôi là "See you on Internet". Đây là nỗi day dứt bởi mình không có Internet khi mà đã số hóa mạng lưới.

Khi chưa có Internet, lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu Tổng cục Bưu điện phát hành các báo của Việt Nam sang Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ để bạn bè hiểu Việt Nam hơn. Nhưng ngay cả phát hành sang bên kia rồi thì ai bán báo?

Đấy là chưa kể vận chuyển qua đường hàng không rất khó khăn và đắt đỏ. Nhưng với Internet đó là chuyện đơn giản và không tốn kém nhiều. Lúc đó, các nhà chuyên môn, khoa học và cả giới truyền thông thì ủng hộ việc mở Internet.

Còn các nhà lãnh đạo thấy Internet quá mới nên cũng phải thận trọng và yêu cầu phải hạn chế được mặt trái của Internet.

- Thời đó cũng có ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam. Điều đó có gây áp lực lớn cho ông hay không?

  

Vì vậy, chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng để mở Internet rồi tính tiếp.
 
Thật ra lúc đó ý kiến phản đối việc đưa Internet vào Việt Nam cũng có, những không nhiều. Nhưng ý kiến lo ngại thì nhiều, kể cả ở lãnh đạo cấp cao.

Chuyện Internet vào Việt Nam lúc đó là chuyện ai cũng nghĩ rằng sẽ vào, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề ở chỗ liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không.

Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm mở và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.

Vì vậy, chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng để mở Internet rồi tính tiếp.

Vì vậy, Nghị định 21 về quản lý Internet bàn mãi cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng suốt ruột và phải quyết là Nghị định tạm thời về quản lý Internet nếu có gì tiếp tục điều chỉnh.

- Có ý kiến cho rằng, trên thực tế chúng ta đã có thể mở Internet sớm hơn năm 1997?

Cũng có nhiều người mong muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn. Bản thân tôi cũng muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn. Như tôi đã nói ở trên, muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có 3 yếu tố.

Thứ nhất, mạng viễn thông phải được tự động hoá cả trong nước và quốc tế. Trong khi đó, năm 1995, ngành Viễn thông của Việt Nam đã được số hoá.

Thứ hai, Internet là vấn đề mới nên cần có sự quyết định ở cấp cao nhất của đất nước. Vì vậy, phải thuyết phục lãnh đạo để có chủ trương cho mở Internet.

Thứ ba, để thực thi chủ trương này thì phải có từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), người sử dụng và đại lý Internet.

Như vậy, cơ sở hạ tầng viễn thông đã sẵn sàng cho việc mở Internet. Nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục để có chủ trương cho mở Internet và cần tổ chức thực hiện và nghiệp vụ an toàn về mạng lưới.

Tôi có may mắn đầu năm 1991 đã được tiếp xúc với Internet và năm 1992 nằm trong nhóm 7 chuyên gia về CNTT do ông Giáo sư Phan Đình Diệu chủ trì để giúp xây dựng CNTT Việt Nam. Là người trong cuộc, trên cả 3 yếu tố đó thì tôi đánh giá là không thể sớm hơn được.

May mắn là năm 1997, chúng ta cho mở Internet không bị chậm đi mấy năm. Nếu chậm đương nhiên chúng ta sẽ bị lạc hậu và tụt hậu của đất nước. Việc đưa Internet vào Việt Nam lúc đó không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là chủ trương và quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo để đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

- Lúc Internet được chính thức mở, bầu không khí lúc đó thế nào, thưa ông?

Ngày 19/11/1997, tâm trạng tôi lúc đó rất mừng vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi. Tôi còn mừng vì công lao của bao nhiêu anh em lâu nay mong muốn đưa Internet vào Việt Nam bây giờ đã thành hiện thực.

Lúc bấy giờ xen lẫn vui mừng, nên khi tổ chức họp báo với các hãng thông tấn nước ngoài tôi hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng này phát ra trên thế giới không bị tam sao thất bản do phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

- Thế nhưng ngay khi chúng ta mở thì Nghị định 21 vẫn bó buộc Internet phát triển để rồi 3 năm sau đó chúng ta ra nghị định 55 để "cởi trói" cho Internet mới phát triển. Vậy ông có đồng tình với nhận định rằng Nghị định 55 là cuộc cách mạng lần 2 của Internet Việt Nam?

Khi mở Internet năm 1997, không chỉ có Nghị định 21 mà đã có văn bản của cấp cao chỉ đạo "quản đến đâu mở đến đấy". Lúc đó chúng tôi biết rằng, Nghị định 21 có nhiều điểm không ổn để cho Internet phát triển.

Ngay từ đầu Tổng cục Bưu điện đã thấy rằng, cần phải thay đổi Nghị định này, bởi nếu giữ tư duy “quản” theo kịp với "mở" là phi biện chứng và hạn chế sự phát triển. Việc quản lý phải theo kịp với phát  triển là đúng với các ngành chứ không riêng gì Internet.

Thế nhưng, việc thuyết phục để chuyển sang tư duy “quản” phải theo kịp với “mở” rất khó khăn nên việc thuyết phục chuyển từ Nghị định 21 sang Nghị định 55 là chuyện không dễ dàng.

Tôi cho rằng ví Nghị định 55 như cuộc cách mạng lần 2 của Internet Việt Nam thì hơi to tát, nhưng đây thực sự là sự chuyển đổi về mặt tư duy về cơ quản quản lý nhà nước về đổi mới.

Ngay cả khi chúng ta mở Internet rồi thì trong nhận thức vẫn còn quá nhiều lo ngại. Lúc đó ngay cả vấn đề mở đại lý Internet cũng bị hạn chế không cho mở và ngay cả VNPT muốn mở đại lý Internet nhưng cũng không được mở.

- Khi mở Internet ông có kỳ vọng gì vào Internet và lúc đó ông có mường tượng được sự phát triển của Internet như ngày hôm nay?

 

Lãnh đạo hãy tin vào cấp dưới của mình, tin vào dân, đừng quá lo ngại sẽ không bị mất thời cơ.

Ông Mai Liêm Trực
  
Lúc đó Tổng cục Bưu điện đang dồn sức phát triển và mở cửa thị trường viễn thông, trong đó Internet chỉ là một phần trong tập trung trí tuệ của chúng tôi vì có quá nhiều vấn đề trăn trở khác.

Bấy giờ, quả thật chúng tôi cũng không thể hình dung Internet phát triển như ngày hôm nay, mà chỉ biết rằng tập trung để mở Internet. Lúc đó chúng tôi khẳng định Internet  trước sau sẽ phải vào Việt Nam và sức mạnh của Internet sẽ được thực tiễn xã hội chứng minh và thay đổi xã hội.

- Sau 15 năm phát triển Internet, bài học lớn nhất là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng bài học đầu tiên là luôn đổi mới tư duy đối với các lĩnh vực đặc biệt là Internet bởi đây đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta cứ hài lòng với sự thành công mà không đổi mới tư duy thì sẽ không phát triển được Internet.

Xu hướng xã hội ngày càng dân chủ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn. Internet là sự gắn kết giữa công nghệ dịch vụ và nội dung nên không đổi mới tư duy sẽ không thúc đẩy Internet phát triển.

Một bài học nữa mà tôi nhận thấy sau 15 năm chúng ta phát triển Internet là lãnh đạo hãy tin vào cấp dưới của mình, tin vào dân, đừng quá lo ngại sẽ không bị mất thời cơ.

Xin cảm ơn ông!

Thái Nguyễn (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn