Dư luận quốc tế đánh giá như thế nào về ĐH Đảng XI?

Thời sựThứ Ba, 11/01/2011 06:12:00 +07:00

Nhà phân tích chính trị Alberto Cruz đánh giá tầm quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XI đối với tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại.

Ngày 12/1/2011, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ chính thức khai mạc. Sự kiện chính trị quan trọng này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế, trong đó - như thường lệ - các phương tiện truyền thông luôn luôn đi đầu.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài viết dưới nhan đề “Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam thu hút sự chú ý đông đảo của dư luận”. Bài viết có đoạn: "Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu từ hôm nay (ngày 11/1) bằng phiên họp trù bị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận" và khẳng định "đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với Đảng cộng sản, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam".

Bài báo của Tân Hoa Xã trích Thông báo tại cuộc họp báo về Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Bắc Son - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trình bày, trong đó khẳng định, Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Việt Nam là đại hội thường kỳ 5 năm họp một lần. Đây cũng Đại hội có vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn bởi mấy lẽ sau đây:

Biểu quyết thông qua quy chế làm việc của Đại hội (Ảnh: Giãn Thanh Sơn). 

Đại hội mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Tại Đại hội này, Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhìn lại 80 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành, lãnh đạo cách mạng, căn cứ tình hình trong nước và quốc tế sẽ thảo luận, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa X trình Đại hội XI; thảo luận, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; một số vấn đề cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng cùng các nội dung quan trọng khác. Đại hội cũng sẽ lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đại hội XI của Đảng là Đại hội đầu tiên trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, với nhiệm vụ đánh giá nền tảng, sự phát triển, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 80 năm qua.

Tân Hoa Xã cũng dẫn lời một số chuyên gia rằng, để chuẩn bị cho Đại hội lần này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc tổng hợp các ý kiến và dựa vào các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa các văn kiện, sau đó sẽ ra nghị quyết, thực hiện các chủ trương của Đảng đề ra.

Tờ ABC Radio Australia đưa tin: Trong tuần này, gần 1.400 đại biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở đảng sẽ tham gia vào một sự kiện quan trọng của Việt Nam nhằm lựa chọn ra những gương mặt lãnh đạo xứng đáng cũng như vạch ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm tới. Sự kiện này sẽ kéo dài trong vòng 9 ngày, từ ngày 11-19/1 với mục tiêu nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.

Tờ The EarthTimes viết: Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI được bắt đầu từ ngày hôm nay (11/1) với mục tiêu đề ra những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới và bầu chọn ra đội ngũ lãnh đạo xứng đáng cho đất nước trong giai đoạn 5 năm tới. Bên cạnh đó, bài báo cũng nêu bật tầm quan trọng của Đại hội XI của Đảng khi nhấn mạnh, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển đồng thời cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Tờ Sin Chew Jit Poh cũng đưa tin: Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trong tuần này sẽ lựa chọn ra các nhà lãnh đạo cũng như thảo luận về các vấn đề kinh tế. Cũng theo bài báo thì Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Bên cạnh đó, bài báo cũng nêu bật những thách thức về mặt kinh tế mà Việt Nam đang gặp phải trên con đường phát triển. Ngoài ra, bài báo cũng cho biết, tại Đại hội lần này, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 10 năm tới cũng như hoạch định những cải cách quan trọng mà từ lâu đã được các nhà đầu tư nước ngoài trông đợi.

Tờ Thailand Outlook Channel cũng có bài đưa tin về Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo viết: Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bắt đầu tiến hành Đại hội vào ngày 11/1 nhằm hoạch định các chính sách quan trọng trong tương lai và bầu ra bộ máy lãnh đạo Đảng có đủ tài, đủ đức để lãnh đạo nhân dân Việt Nam hiện thực hoá đường lối phát triển mà Đại hội XI sẽ quyết định. Theo nhận định của bài báo thì tháng 1/2011 là một thời khắc quan trọng không chỉ đối với những ai quan tâm đến sự ổn định và những thành tựu kinh tế tại Việt Nam mà còn đối với toàn thể 84 triệu dân Việt Nam.

Trang web của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Phát triển (CEPRID) của Tây Ban Nha vừa đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Alberto Cruz đánh giá tầm quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XI đối với tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại.

Ông Cruz nhận định rằng, Đại hội Đảng lần này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định hướng đi của quá trình đổi mới tại Việt Nam, mà còn xác định con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tác giả bài báo đã điểm lại chặng đường hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua của Việt Nam mà ông chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn I từ Đại hội Đảng lần thứ VI tới năm 1995 và giai đoạn II từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton và việc bình thường hóa quan hệ song phương, tiền đề Việt Nam có thể mở cửa thị trường, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.

Khác với các nước Đông Nam Á khác, bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân với những chính sách cụ thể như tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn để đảm bảo nguồn cung việc làm. Chính điều đó đã giúp Việt Nam đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tốt hơn so với những “con hổ châu Á” khác. Ngân hàng Thế giới (WB) đã thừa nhận cuộc khủng hoảng vừa qua chỉ giảm 37% tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, trong khi chỉ số này là 155% đối với Thái Lan, 137% với Malaixia, 219% với Mỹ, 224% với Liên minh châu Âu (EU) và 335% với Nhật Bản.

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản

Bình luận
vtcnews.vn