Dự kiến tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu từ 2012

Thời sựThứ Bảy, 01/10/2011 10:29:00 +07:00

Từ năm 2012, dự kiến lương tối thiểu là 1,05 triệu đồng, thay vì 830 nghìn đồng như hiện nay.

Từ năm 2012, dự kiến lương tối thiểu là 1,05 triệu đồng thay vì 830 nghìn đồng như hiện nay.

 

Lương công chức sẽ tăng hơn 1,12 lần.  

Đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng lương tối thiểu thêm 220.000đ, từ 830.000đ lên mức 1.050.000 đồng vào năm tới, UB Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, dù khó khăn, cần ưu tiên bố trí nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức...

 

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ đề xuất tăng 15,5% đối với chi thường xuyên so với dự toán năm 2011. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ý nhất trí và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tổng mức, cơ cấu chi thường xuyên ở từng lĩnh vực, ưu tiên bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.

 

Ông Hiển trích phân tích của Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu năm 2011 là khoảng 1.400.000 đồng/tháng. Vậy mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng từ tháng 5/2011 mới chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu. Theo đó, đời sống cán bộ công chức ít được cải thiện…

 

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách hoàn toàn tán đồng phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1,05 triệu đồng năm 2012 và đề nghị phụ cấp công vụ cần nâng ở mức tối thiểu là 25%.

 

Ông Hiển cho biết, một số ý kiến trong UB còn cho rằng cần đưa mức lương tối thiểu lên 1,1 triệu đồng để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức nhà nước. Thực tế việc cải cách tiền lương còn chậm so với Đề án xây dựng lâu nay. Mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ vẫn thấp, chưa mang tính đột phá.

 

Các ý kiến đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp. Từ đó, có bước cải cách tích cực hơn về mức nâng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ cho đội ngũ công chức nhà nước để bảo đảm đời sống công chức và thu hút lao động trí tuệ cao ở lĩnh vực này.

 

Đồng ý với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi phân tích, tỷ lệ tăng lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát khiến đời sống người làm công ăn lương, tiêu biểu như tầng lớp giáo viên đặc biệt khó khăn.

 

Nghịch lý từ quy định phải dành 40% học phí để tăng lương giáo dục nên hàng năm, khối giáo dục phổ thông phải dành 90-95% cho con người, chỉ dành được 5-10% thu đầu tư cho hoạt động chuyên môn, tất yếu chất lượng đào tạo thấp. Vậy nên, chuyện “lạm thu” như báo cáo giám sát của UB Thường vụ QH nêu, ông Thi cho rằng “có thể thông cảm” vì các cơ sở giáo dục phải tìm mọi cách bươn chải, chuyện “lách luật” để tăng nguồn thu là… đương nhiên.

 

“Giải trình” giới hạn mức tăng lương ở 1,05 triệu đồng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phân tích, nếu tăng thêm 50.000đ/người, cả năm cần thêm 11.000 tỷ đồng chi lương. Nếu tách lương công chức, viên chức, người nghỉ hưu sẽ càng nặng nề cho ngân sách. Vậy nên, Chính phủ vẫn đề nghị giữ mức lương chung cho các đối tượng, cố gắng điều chỉnh bằng phụ cấp công vụ.

 

Theo P. Thảo
(báo Dân trí)

Bình luận
vtcnews.vn