Du học gần nhà

Giáo dụcThứ Hai, 12/07/2010 07:46:00 +07:00

Đi du học lại còn muốn gần nhà. Điều tưởng chừng vô lý nhưng lại là một trong những lý do hàng đầu của học sinh, sinh viên Việt Nam khi lựa chọn du học Trung Qu

Đi du học lại còn muốn gần nhà. Điều tưởng chừng vô lý nhưng lại là một trong những lý do hàng đầu của học sinh, sinh viên Việt Nam khi lựa chọn du học Trung Quốc.

 

Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học, L.T quyết tâm xuất ngoại để mở rộng kiến thức cũng như vốn sống. Sau một thời gian tìm hiểu, cân nhắc, L.T quyết định chọn Trung Quốc. “Lợi thế đầu tiên là gần nhà. Mình chưa xa gia đình lâu bao giờ nên mỗi khi nhớ nhà, chỉ cần mất vài tiếng đồng hồ ngồi ôtô là mình đã có mặt ở nhà”, L.T chia sẻ.

Sinh sống ở nước láng giềng này, L.T cũng sẽ không có cảm giác như đã rời khỏi Việt Nam, bởi người dân Trung Quốc cũng có thói quen, tập tục, lối sinh hoạt y như người Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Quế Lâm mà L.T đã gửi hồ sơ vốn có rất nhiều học viên và cán bộ Việt Nam từng sang theo học và nghiên cứu, tình cảm của họ dành cho người Việt Nam cũng rất trìu mến…

“Ngon, bổ, rẻ”

Chọn lựa Trung Quốc cũng có nghĩa là quẳng được mối lo về tài chính. So với các nước châu Âu, châu Mỹ, Australia, tiền học phí cũng như sinh hoạt phí ở Trung Quốc chỉ bằng 20-30%. Theo tính toán, tổng chi phí ăn ở và học phí chỉ vào khoảng 4.000-7.000 USD/năm, tùy từng nơi. Đấy là chưa kể du học sinh ở đây cũng không phải bận tâm vào việc chứng minh tài chính.

Chất lượng giáo dục ở thị trường Trung Quốc được công nhận là không thua kém bao nhiêu so với các cường quốc phương Tây. Môi trường và cơ sở vật chất cho việc học tập được chính phủ Trung Quốc đầu tư cao. Việc đào tạo ở Trung Quốc cũng đang áp dụng phương hướng của Tây Âu: đầu vào đại học rất dễ nhưng trong quá trình học luôn có sự sàng lọc.

Tấm bằng quốc tế là một ưu thế. Rất nhiều trường đại học như Thanh Hoa, Bắc Đại, Vũ Hán, bằng tốt nghiệp đã được thế giới công nhận và có giá trị khi bạn muốn tiếp tục ra các nước khác học thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, du học sinh còn có thể nhận thêm được bằng HSK (chứng chỉ trình độ tiếng Trung) – một tấm thông hành rất hữu ích cho việc xin việc sau này.

Các ngành học tiêu biểu ở Trung Quốc cũng là những ngành học “nóng” ở Việt Nam hiện nay, như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, y khoa, văn hóa, giao thông, ngôn ngữ. Học sinh cũng có thể lựa chọn trường, ngành học phù hợp tại các thành phố lớn hay bất cứ vùng miền nào trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Sức hút của giáo dục Trung Quốc còn ở sự linh hoạt từ phía cơ quan quản lý. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu và xem xét việc cho phép sinh viên đi làm thêm - điều mà trước đây bị cấm. Với chính sách này, Trung Quốc thể hiện rõ việc khuyến khích du học sinh quốc tế đến học tập và tu nghiệp.

Ngoài ra, còn gì tuyệt vời hơn khi tận mắt thưởng lãm Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành, Sân vận động Tổ Chim, tháp truyền hình Minh Châu Đông Phương, chùa Thiếu Lâm Tự - những địa danh mà ai cũng muốn tham quan ít nhất một lần trong đời…

Sự lựa chọn của “ông lớn”

Rõ ràng, cái nôi của nền văn minh nhân loại có nhiều lý do để nổi lên như một điểm đến du học hấp dẫn. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hoá, giáo dục, gần đây, Trung Quốc đã trở thành sự lựa chọn của đông đảo học sinh, sinh viên nước ngoài, không loại trừ những nước có nền giáo dục vào loại hàng đầu thế giới. Những nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản cho rằng du học Trung Quốc với mức học phí thấp, chi phí sinh hoạt không đắt đỏ đang trở thành xu hướng ở Nhật Bản.

Trong khi đó, các quan chức ngành giáo dục Trung Quốc cho hay, Mỹ sẽ trở thành nước có số sinh viên học ở nước này nhiều nhất khi Bắc Kinh đã bắt tay Washington nhằm thúc đẩy mục tiêu đưa 100.000 sinh viên Mỹ sang Trung Quốc trong 4 năm tới. Hiện số sinh viên Mỹ đang học tập ở Trung Quốc tăng đều đặn, kỷ lục là 19.194 sinh viên vào năm 2008, đứng thứ hai trong số các nước có sinh viên tại Trung Quốc. Năm ngoái là 18.650 sinh viên, so với 64.232 sinh viên Hàn Quốc – nước dẫn đầu về số du học sinh ở nước này.

 Theo TG&VN

Bình luận
vtcnews.vn