Dự án đội vốn: Đừng để tiền lệ xấu

Thời sựChủ Nhật, 11/10/2015 10:52:00 +07:00

Hầu hết lý do đưa ra khi để các công trình đội vốn hàng ngàn tỉ đồng đều thiếu thuyết phục.

Hầu hết lý do đưa ra khi để các công trình đội vốn hàng ngàn tỉ đồng đều thiếu thuyết phục.

Nhiều năm trở lại đây, việc đội vốn của các công trình giao thông với số tiền hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng diễn ra ở nhiều địa phương, ở nhiều công trình lớn khiến dư luận hết sức bức xúc.

Đội vốn dữ dội

Cụ thể, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỉ đồng. Sau một thời gian xây dựng, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 45.000 tỉ đồng. “Khủng” hơn là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng nhưng sau quá trình thực hiện đã tăng lên gần 8.900 tỉ đồng.
 Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư hơn 315 triệu USD so với ban đầu Ảnh: Văn Duẩn
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Sau một thời gian thi công, dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư ban đầu là 1,09 tỉ USD (phê duyệt năm 2007), trong đó vốn ODA của Nhật Bản hơn 904,6 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của ngân sách TP HCM. Đến tháng 9-2011, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh dự án này với tổng mức đầu tư lên đến 2,49 tỉ USD (hơn 47.325 tỉ đồng).

Trong khi đó, dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng bị chậm hơn 2 năm so với kế hoạch và cam kết với các nhà tài trợ. Nguyên nhân mà Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đưa ra là do phải điều chỉnh thiết kế. Việc điều chỉnh này kéo theo điều chỉnh vốn dự án từ 1,347 tỉ USD lên 2,074 tỉ USD.

Lý sự cùn?

Theo chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh, phần lớn chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước lý giải việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án là do: Công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng nên chưa có kinh nghiệm, chậm giải phóng mặt bằng, trượt giá, tỉ giá thay đổi... “Đây chỉ là lý sự cùn” - ông Sanh nhận định và dẫn chứng chỉ số giá xây dựng trong những năm qua không biến động lớn, tiền Việt không mất giá bao nhiêu nên không có chuyện trượt giá.

Ông Sanh cho biết việc đội vốn trong xây dựng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới do chủ đầu tư và nhà thầu thi công thường mâu thuẫn nhau về lợi ích. “Trên thế giới thì họ dung hòa lợi ích của chủ đầu tư - nhà thầu để ký hợp đồng còn ở nước ta đôi khi việc này chỉ là “động tác giả” chứ không thực chất nên công trình sẽ bị đội vốn trong thực hiện” - ông Sanh lý giải.

Cũng theo ông Sanh, các dự án đội vốn “khủng” có nguyên nhân chính là do chưa nghiên cứu kỹ về mục tiêu, phạm vi dự án; không nắm vững công nghệ; chưa tính kỹ hiệu quả nên đưa ra tổng mức đầu tư chiếu lệ, lập dự toán thấp. Sau khi chọn được nhà thầu và thi công thì đi từ thay đổi này đến bổ sung khác để tăng mức đầu tư.

“Theo Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình thì các dự án khi phê duyệt đều xác định rõ tổng mức đầu tư, bao gồm cả phần dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá. Thế nên, hiện tượng hàng loạt dự án công đội vốn “khủng” như trên là rất bất thường. Điều đó cho thấy việc quản lý chi phí xây dựng đầu tư công đang có vấn đề và hậu quả là ngân sách nhà nước phải chịu” - TS Phạm Sanh lo ngại.


TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng các dự án đầu tư vượt dự toán có nguyên nhân chủ quan là khâu thẩm định dự án, chọn nhà thầu có vấn đề. Trong quá trình lập dự toán, ban quản lý chưa tính đến các phương án phát sinh, chưa nắm rõ giá xây dựng công trình tương tự trên thế giới dẫn đến dự toán thiếu thực tế.

Theo ông Doanh, trên thực tế các công ty tư nhân khi làm dự án sẽ nghiên cứu rất kỹ hiệu quả dự án, nếu diễn biến trong quá trình đầu tư khác 5% với dự kiến ban đầu, họ sẽ cân nhắc có làm dự án hay không.

Đừng để tiền lệ xấu!

Về giải pháp, TS Phạm Sanh cho rằng trước hết cần hoàn thiện quy định quản lý đầu tư xây dựng đầy đủ, rõ ràng theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần mạnh dạn xóa bỏ khái niệm hợp đồng có tính trượt giá, điều chỉnh hệ số nhân công... mà phải tính đấu thầu và ký hợp đồng trọn gói. “Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm, kiên quyết đình hoãn lại tất cả các dự án có sai phạm và đội vốn lớn; đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để làm gương, trong đó coi trọng trách nhiệm người đứng đầu” - ông Sanh đề nghị.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh nhận định dự án nhà nước mà vượt dự toán hàng ngàn tỉ đồng, đội giá 100% là rất nguy hại. Cần xem xét trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư và vai trò của người giám sát. “Nếu cứ để tái diễn tình trạng vốn thực hiện dự án vượt dự toán sẽ tạo thành tiền lệ xấu” - ông Doanh khuyến cáo.

 Làm rõ trách nhiệm cá nhân

Ngày 30-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị hỏa tốc số 07/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối và thi công vượt vốn kế hoạch vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công. Chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền.

Trong kiểm soát việc điều chỉnh dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu chỉ được điều chỉnh dự án trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 46 của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách, cấp mình để thực hiện.

“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong các dự án bị đội vốn không thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư công” - chỉ thị yêu cầu.

Nguồn: Văn Duẩn - Phương Nhung(Người Lao động)
Bình luận
vtcnews.vn