Dự án bauxite Tây Nguyên lỗ 'khủng': Bộ Công Thương lý giải thế nào?

Thời sựThứ Hai, 30/03/2015 12:02:00 +07:00

Liên quan đến nhận định 'nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD', Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng.

(VTC News) - Tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức, có ý kiến đánh giá 'nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD', trước nhận định này, Bộ Công Thương chính thức lên tiếng.

Bộ Công Thương cho biết, hiệu quả kinh tế (HQKT) của Dự án alumin Tân Rai đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kết quả tính cập nhật đến ngày 26/4/2014) cho thấy, dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm.

Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với Dự án alumin Tân Rai với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí để tiến tới cổ phần hóa toàn bộ dự án.

Ảnh minh hoạ

Dự án đóng góp cho Ngân sách nhà nước là 435.444 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 29% mức thu ngân sách năm 2013 của tỉnh Đăk Nông (1.500 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, cùng với việc TKV rút kinh nghiệm từ Dự án Nhà máy alumin Tân Rai, làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí để tiến tới cổ phần hóa toàn bộ dự án.

“Giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Mức giá hiện nay trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán HQKT, do vậy, HQKT của dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo” – Bộ Công Thương nhận định.

Bộ Công Thương cũng dẫn thêm thông tin, từ tháng 11/2013 - tháng 4/2014, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện việc giám sát tổng thể “Hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh- quốc phòng của 2 dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”.

Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 23/6/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Thông tin về dự án bauxite Tây Nguyên lỗ   - Nguồn ảnh: Người lao động

Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông.


“Theo tính toán, Dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn. Chính vì vậy, việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là chuyện bình thường. Những phân tích trên khẳng định, việc đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở” – Bộ Công Thương khẳng định.

Trước đó, tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin cho biết, nhà thầu Trung Quốc chỉ có kinh nghiệm làm alumina từ bauxite chứa diaspore có hàm lượng Al2O3 tới 84,98% (đứng thứ 2 chỉ sau corundum), trong khi bauxite Tây Nguyên thuộc loại chứa gibbsite có hàm lượng Al2O3 65,4% (đứng thứ 5).

Nói cách khác, nhà thầu chỉ có kinh nghiệm làm alumina từ loại bauxite dễ làm hơn (hàm lượng Al2O3 cao hơn) so với bauxite Tây Nguyên. “Kết quả xem xét các thông số thiết kế trên đây cho thấy nhà thầu chưa có kinh nghiệm về gibbsite. Như vậy, theo Luật Đấu thầu, lẽ ra nhà thầu Trung Quốc bị loại ra ngay từ bước xét thầu đầu tiên theo tiêu chuẩn kinh nghiệm của nhà thầu” - ông Sơn thẳng thắn.


Theo ông Sơn, kể cả phân xưởng tuyển rửa quặng bauxite nguyên khai do các nhà thầu Việt Nam thực hiện cũng mắc sai lầm khi “copy-paste” công nghệ của Trung Quốc, vốn chỉ phù hợp với loại bauxite có trọng lượng riêng (specific gravity) dễ tuyển (=3,4 tấn/m3). Trong khi đó, bauxite của Tây Nguyên có trọng lượng riêng nhỏ (<2,3 tấn/m3) thuộc loại khó tuyển hơn nhiều.

Thực tế cho thấy Vinacomin đã phải “đánh vật” với phân xưởng tuyển và chỉ khắc phục được nhờ có ý kiến của các chuyên gia tư vấn bên thứ 3 (Ấn Độ). “Thực ra, Vinacomin không cần thiết phải cậy nhờ chuyên gia nước ngoài để xử lý nếu chỉ cần khiêm tốn hỏi người nhà” - ông Sơn chia sẻ.


Nội dung đáng chú ý khác, theo ông Sơn, alumina là một dự án mới, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, điều kiện triển khai phức tạp. Để chọn được đối tác triển khai dự án có hiệu quả, chủ đầu tư phải chuẩn bị rất kỹ “đầu bài” (thuê các cơ quan tư vấn có kinh nghiệm soạn thảo hồ sơ mời thầu); có kinh nghiệm tổ chức đấu thầu; kinh nghiệm và trình độ giám sát nhà thầu, mà việc này ở Việt Nam đến nay không có bất kỳ cơ quan tư vấn nào đáp ứng được.

“Vinacomin đã không chọn các nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm mà chỉ chọn tư vấn theo tiêu chí “nội lực” và tiêu chí “đang không có việc làm”. Về mặt luật pháp, việc chủ đầu tư bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi để chọn nhà thầu tư vấn là sai lầm không thể chấp nhận” - ông Sơn nhấn mạnh.


Đưa ra hàng loạt “con số biết nói”, ông Nguyễn Thành Sơn “bóc tách” phụ lục trong hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa Vinacomin và nhà thầu Chalieco ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai. Phụ lục này ghi rõ cam kết của nhà thầu chỉ có 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của Vinacomin. Với giá trị 20.000 tấn/năm, tính theo mức đầu tư bình quân 1.000 USD/tấn thì mức thiệt hại lên tới 20 triệu USD; doanh thu hằng năm giảm khoảng 5 triệu USD.

Theo công bố của Vinacomin, năm 2015, cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ sản xuất được 660.000 tấn, tổng doanh thu trên 4.900 tỉ đồng; giá bán khoảng 7,4 triệu đồng/tấn, tức 346 USD/tấn. Ông Sơn tính toán: “Cứ cho chi phí từ năm 2013 không tăng, chỉ cộng thêm chi phí vận tải, khấu hao thì giá thành phải là 8,6 triệu đồng/tấn, khoảng 403 USD/tấn, lỗ 56,7 USD/tấn. Nếu công suất đạt thấp hơn thì lỗ sẽ lớn hơn. Như vậy, tổng lỗ năm 2015 nếu sản xuất đủ 660.000 tấn sẽ khoảng 37,4 triệu USD”.

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng Ban Alumin Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng nhà thầu Trung Quốc chào giá thấp nhưng khi được chọn, ký hợp đồng thì giá hợp đồng lại tăng lên.

“Nguyên Chủ tịch Vinacomin, ông Đoàn Văn Kiển, từng giải thích giá bỏ thầu của nhà thầu chưa tính đến thiết bị dự phòng. Đây mới chính là bẫy của nhà thầu” - ông Ban nói.

Sơn Hồng

Bình luận
vtcnews.vn