Đốt vàng mã làm sao cho đúng?

Bạn đọc viếtThứ Ba, 02/02/2016 07:36:00 +07:00

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng phòng Phòng Phong thủy Kiến trúc - Đại học Xây dựng tư vấn cách đốt vàng mã một cách đúng đắn.

(VTC News) - Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng phòng Phòng Phong thủy Kiến trúc - Đại học Xây dựng tư vấn cách đốt vàng mã một cách đúng đắn.

Gần đây có những bàn cãi quanh chuyện có nên đốt vàng mã hay không, và đốt như thế nào mới đúng? Có trường phái bảo thủ, cho rằng "trần sao âm vậy", nên cái gì cũng cần "cúng" và "hóa" (đốt), từ nhà lầu xe hơi, đến ô-sin hay điện thoại.
đốt vàng mã
Việc đốt vàng mã cũng nhận được những ý kiến trái chiều

Việc đốt vàng mã này đang bị thực hiện một cách thái quá vì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ. Trường phái tiến bộ hơn thì cho rằng, ô nhiễm môi trường, lãng phí, hay "Phật giáo không có quan điểm đốt vàng mã".

Vậy nên như thế nào, thì chúng ta cần truy nguyên lại lịch sử ban đầu, cũng như nghiên cứu thực tiễn để có câu trả lời đúng đắn nhất.

Lịch sử của tiền vàng mã

Tiền vàng mã, hay tiền âm phủ được sử dụng từ thời Nam Bắc triều (420-589SCN), khi tế lễ, mai táng cũng như tảo mộ. Khi đó đã được gọi là "minh tiền" (tiền âm phủ).

Thông thường, lấy giấy trắng cắt thành vòng tròn như tiền xu, rải quanh mộ hoặc đốt cho người mất. Lúc này, người dân đã lấy giấy thay tiền để gửi cho thần linh, vong linh. Tập tục này truyền cho đến tận ngày nay.

Từ thời Tiên Tần (cách gọi chung về thời đại trước vương triều Tần, tức là trước năm 221 TCN), đã có những tranh luận thường kỳ, về việc con người sau khi mất đi, tinh thần có còn tồn tại hay không, điển hình là nghiên cứu "Thần diệt luận" của Phạm Chẩn phái đạo gia, cho rằng không có thần linh, tuyên chiến với quan điểm của Phật giáo khi đó, cho rằng có luân hồi, có báo ứng kiếp sau.

"Bắc Tề thư - Tôn Linh Huy truyện" đời Tùy có chép: "Từ sau khi Nam Dương Vương mất, cứ đến ngày thứ 7 và 100, cháu là Linh Huy đều mời tăng đến làm lễ".

Tại sao lại lấy ngày thứ 7, vì có liên quan đến quan niệm của Phật giáo, cho rằng một người vừa mất đi, có 6 đường (lục đạo) luân hồi, âm hồn cần tìm đến cánh cửa giải thoát, đây chính là giai đoạn "thân trung ấm" 7 ngày, hết 7 ngày chưa tìm được, lại phải tìm tiếp 7 ngày nữa, đến 7x7 49 ngày ắt sẽ tìm được.

Trong giai đoạn 49 ngày này, gia đình cần làm lễ cầu siêu, dẫn dộ vong linh. Quan điểm Phật giáo này hình thành từ thời Nam Bắc triều, đến thời Đường đã trở nên phổ biến.


Đốt tiền vàng mã có liên quan gì?

Tìm lại các tư liệu thì đúng ra việc đốt vàng mã có từ trước thời Nam Bắc triều, vào thời Ngụy Tấn (220-420 SCN). Các nhà khảo cổ có tìm thấy tiền âm dương tại di chỉ các nước Phật giáo như Vương quốc Cao Xương (Qara-hoja) tại Tây Vực (Vương quốc này bị nhà Đường hủy diệt vào năm 640 SCN).

Theo các tài liệu ghi chép, như trong "Thanh Dị lục" của Đào Cấu người đời Tống thì từ thời kỳ Ngũ Đại (907-960), tiền giấy vàng mã đã khá thịnh hành, và bắt đầu phân biệt tiền màu vàng là thay thỏi vàng, tiền màu trắng dùng chung cho cõi âm gian.

Việc đốt vàng mã cũng có liên quan với Phật giáo, cùng với việc Phật giáo truyền vào Trung Hoa, qua phương pháp làm lễ hỏa tịnh, đàn hỏa thực (dùng lửa đốt đồ cúng) của tăng đoàn, việc chuyển sang đốt tiền giấy càng phổ biến.

Quan niệm từ thời đó cho rằng, có thể dùng lửa để chuyển đồ cúng cho thần linh, hay chư Phật. Trong Đạo Bà la môn, lửa có tác dùng truyền tải vật cúng dường; trong Phật giáo Mật tông, lửa kết hợp với mạn đà la cũng được coi là có "thần lực" "diệu kỳ". (Ngày nay, lễ Hỏa tịnh được dùng với mục đích cao đẹp hơn, như "tiêu trừ ác nghiệp và chướng ngại trên con đường tu tập hành trì", hoặc "tống khứ ma lực",... nhưng chất liệu cúng dường thì đa dạng, bao gồm nhiều loại đồ cúng ăn được, chứ không chỉ thuần túy là tiền giấy).

Tôn giáo tín ngưỡng, và các quan niệm dần dần được thay đổi, tiền giấy ban đầu không dùng để đốt, mà chủ yếu chôn cùng, treo xung quanh, hoặc rải quanh mộ, nhưng khi đốt tạo ra khói, có cảm giác huyền hoặc hơn, nên rất nhanh sau đó đốt tiền vàng mã được sử dụng phổ biến, từ nghi lễ của vua quan, đến người dân thường.

Từ thời Ngụy Tấn, do ảnh hưởng của Phật giáo và các phong tục tập quán của người Ấn Độ truyền tới, các quan niệm "Tứ Đại đều không", không ham tài sản, sau khi chết cần hỏa thiêu để linh hồn sang thế giới cực lạc,... được phổ cập, quan niệm truyền thống của Trung Hoa là chôn tài sản theo người chết, đã nhuốm sắc màu Phật giáo, chuyển sang "hỏa thiêu" tài sản mang theo, để đưa đồ vật từ "thế giới thực" sang "cõi âm", "niết bàn", cũng dần dần được mọi người tiếp nhận và làm theo, bao gồm cả việc đốt tiền giấy.

Đến thời Đường - Tống, đồ tuẫn táng hay tùy táng (chôn theo) bằng gốm sứ hay kim loại ít dần, mà tang lễ người ta thay bằng ngựa giấy, bát giấy, người giấy, gia súc giấy,... vừa đáp ứng nhu cầu tuẫn táng cho người thân, vừa thông qua hỏa thiêu "thần thánh" để chuyển hóa được sang cho cõi âm sử dụng.

Tiền giấy khai quật cho đến nay sớm nhất từ khu mộ cổ tại Turfan (Tân Cương, TQ), trong mộ có túi tiền giấy màu vàng, hình tròn có lỗ vuông, một số tờ tiền còn in chữ  "卍" kiểu Ấn độ, với nghĩa cát tường như ý, đây chính là loại tiền âm dương đã nói ở trên.

Nghiên cứu thực tế

Bắt đầu nghiên cứu về tâm linh từ những khóa học của đạo gia vào năm 2002, riêng vàng mã có những quy ước theo từng vùng, khu vực, chẳng hạn tại Đài Loan và một số nơi tại Trung Quốc, tiền vàng cho thổ địa đèu in chữ "thổ địa công", tiền chữ "phúc" dùng chung cho các thần, tiền vàng có ô trắng dùng cho gia tiên,... tuy nhiên cũng chỉ là quy ước dân gian khó thỏa đáng, như quy ước đó từ đâu ra, lấy gì chứng minh?

Mãi đến 2005 tiếp xúc với máy đo điện từ trường của Mỹ (dùng tại các câu lạc bộ dò vong - ghost hunting), tôi có thêm máy móc để kiểm nghiệm đo đạc bùa chú, vong linh.

Và những năm sau này, qua những lần tiếp xúc khảo nghiệm thực tế cùng các cán bộ áp vong của Liên hiệp UIA, Viện tiềm năng con người, chúng tôi phát hiện thấy phần lớn vong siêu thoát đều không yêu cầu đốt vàng mã, chưa gặp trường hợp nào đòi vật chất như đốt ô tô, nhà, hay điện thoại, ô-sin,..., cá biệt 1-2 trường hợp vong yêu cầu đốt tiền giấy, tuy nhiên là tiền cũ màu vàng-đỏ, chứ không phải tiền giả, hoặc tiền in các hình thù. Nếu phủ nhận sạch trơn thì cũng không hợp lý.

Thực tế hiện nay

Giờ đây việc đốt vàng mã đã thành tập tục lâu đời. Có thể thấy, đốt tiền vàng mã có khởi nguồn từ quan niệm luân hồi của Phật giáo. Mọi người tin rằng, sau khi mất đi linh hồn vẫn tồn tại, để người âm bớt tội, bớt khổ nên mọi người thành tâm đốt tiền giấy để họ có thể sống tốt hơn.

Tất nhiên đốt tiền giấy linh hồn hay người âm không thể nhận được, nhưng người dân vẫn mong thông qua phương thức này để giải tỏa tâm lý cho bản thân, cũng như để báo hiếu công dưỡng dục, cũng là để mình yên tâm hơn.

Tốt nhất, bạn có thể đốt một ít cho gia tiên vào ngày giỗ, hoặc gần cuối năm, cho yên tâm là chính. Tục hóa vàng đầu năm bản chất liên quan đến văn hóa đón Tài thần và Hỷ thần nhưng ở Việt Nam không ai còn để ý, chỉ còn thói quen hóa vàng vào mùng 3 mà không hiểu lý do.

Đúng ra là từ mùng 2, theo phong tục cũ là ngày đón Tài thần, lúc này dán ảnh Thần tài trong gia đình (lưu ý không dán lên bàn thờ), rồi làm lễ, và hóa vàng để đón thần Tài. Nhiều người nghĩ là lễ tiễn gia tiên sau khi về ăn Tết cũng không đúng. Một số trang web xuyên tạc ra mùng 10 là ngày vía thần Tài để bán vàng trang sức đầu năm cũng không đúng (không có tài liệu nào ghi chép, cũng như hoạt động tế lễ trong thực tế. Cụ thể vía thần tài vào 22 tháng 7, còn ngày đón thần tài là mùng 2 tháng giêng).

Đốt vàng mã cho người đã chết, không bằng hiếu thuận khi cha mẹ còn sống.
Không hiếu thuận với cha mẹ lúc sinh thời, đợi chết đi mới khóc thương ma quỷ.
Hiếu thuận với cha mẹ lúc còn sống mới có giá trị.


Nguyễn Mạnh Linh

Trưởng phòng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – Đại học Xây dựng


Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về khoa học phong thuỷ, click vào trang web của Phòng Phong thuỷ Kiến trúc thuộc Đại học Xây dựng:khoahocphongthuy.vn
Bình luận
vtcnews.vn