Chuyện về chiếc MiG 21 bắn rơi 14 máy bay địch

Tổng hợpThứ Ba, 28/12/2010 08:41:00 +07:00

(VTC News) - Ứng với một ngôi sao đỏ trên đầu máy bay là tương ứng với một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi bởi chiếc MiG 21 số hiệu 4324 của không quân Việt Nam.

(VTC News) - Ứng với một ngôi sao đỏ trên đầu máy bay là tương ứng với một chiếc máy  bay  Mỹ bị bắn rơi bởi chiếc MiG 21 số hiệu 4324 của không quân Việt Nam.

Bác Hồ và những chiến sỹ không quân

Chiếc chiến đấu cơ tiêm kích MiG 21 mang số hiệu 4324 với 14 ngôi sao đỏ, một trong những vật chứng đặc biệt về chiến công của Không quân nhân dân Việt Nam vẫn sừng sững ở sân trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Chiếc máy bay như nhắc chúng ta về những chiến công của những thế hệ người lính anh hùng. Người sỹ quan thuyết minh về chiếc chiến đấu cơ MiG 21 số hiệu 4324 bằng giọng bồi hồi:

Chiếc MiG 21 số hiệu 4324 đứng sừng sững trước sân bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Là một đơn vị trẻ, nhưng lực lượng không quân ta đã bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ với 19 chủng loại, gồm có cả 2 pháo đài bay chiến lược B52. Trong đó có chiến công của chiếc MiG 21 mang số hiệu truyền thống 4324 với thành tích tiêu diệt 14 máy bay địch.

Chỉ trong năm 1967, với 9 phi công của Trung đoàn không quân 921 thay nhau trực chiến đã lần lượt xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến. Với 25 quả tên lửa không đối không, đã bắn tan xác 14 phản lực cơ của Mỹ gồm cả các loại Thần sấm, Con ma, Chim ưng nhà trời, trinh sát điện tử...

Được thành lập khá muộn (3/3/1955), Bác Hồ luôn coi quân chủng phòng không không quân là một người con út trong các quân binh chủng. Tuy vậy Bác vẫn tin tưởng, tuy với tuổi đời còn trẻ nhưng không quân Việt Nam vẫn có thể chiến đấu được và chiến không quân hùng mạnh của địch. Đầu năm 1967, Bác đến thăm đơn vị và đã dặn dò từng người: “Nếu đồng chí nào bắn rơi được một chiếc máy bay của Mỹ thì Bác sẽ thưởng ngay cho đồng chí đó một chiếc huy hiệu mang hình ảnh của Bác và trên chiếc máy bay sẽ được vinh dự in hình một ngôi sao đỏ”. Nghe được lời dạy của Bác, các phi công hết sức phấn khởi, ai cũng muốn trên ngực áo của mình có được đeo huy hiệu có in hình Bác, muốn chiếc máy bay mình lái có những ngôi sao đỏ dẫn đường.

Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với Bác Hồ năm 1967. 

Hai năm sau, vào mùa xuân năm 1969, khi sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng Bác vẫn cố gắng đến thăm Trung đoàn không quân Saođỏ một lần nữa. Khi tới thăm Bác đều đã nắm hết các thành tích của các phi công nhưng bác vẫn gọi riêng anh hùng Nguyễn Văn Cốc ra đứng đối diện với đồng đội của mình. Bác hỏi: Chú Cốc này, chú đã bắn rơi bao nhiêu máy bay của Mỹ rồi”.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc kể lại khi nghe thấy Bác hỏi, anh đã rất tự hào. Niềm vui, niềm xúc động đã khiến anh không thể cất lên thành lời để báo công với Bác. Bởi vì anh chợt nhớ ở bên cạnh anh còn rất nhiều đồng đội chưa có được may mắn như mình. Thậm chí có người vẫn chưa thể bắn rơi bất kỳ chiếc máy bay nào. Nghĩ vậy, để đáp lại câu hỏi của Bác, anh chỉ mỉm cười, đưa tay đặt lên trên ngực áo long lanh 9 huy hiệu có in hình Bác.

Bác gật đầu mỉm cười rồi xoa đầu anh Cốc mà bảo rằng: “Nếu các chú bắn được càng nhiều máy bay của Mỹ thì Bác sẽ rất khỏe, rất vui. Bác cũng mong rằng không quân Việt Nam của chúng ta sẽ xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng Cốc như thế”. Hàng năm, các đơn vị trong các lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam vẫn vào lăng để báo công với Bác.

10 lần xuất kích, bắn rơi 9 máy bay địch

Chiếc MiG21 mang số hiệu 4324 như là hiện thân của khát vọng chiến thắng của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ trong năm 1967 với 9 phi công của quân đội nhân dân Việt Nam đã không chiến bằng chiếc MiG21 số hiệu 4324 đánh hạ 14 máy bay Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc F105, 3 chiếc F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101).

 14 ngôi sao đỏ tượng trưng cho 14 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Trong đó 6 phi công được Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Ngọc Ngự.

Trong đó cùng với chiến công sử dụng MiG21 khác phi công Nguyễn Văn Cốc chỉ trong 10 lần xuất kích, anh đã bắn rơi 9 chiếc máy bay của địch. Anh Cốc đã vinh dự nhận được 9 huy hiệu có in hình Bác. Phi công Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Hồng Nhị mỗi người bắn rơi 8 chiếc. Cả ba chiến sỹ đều được Bộ Quốc phòng đưa tên vào Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, là những phi công bắn rơi nhiều máy bay địch nhất.

Theo tính năng kỹ thuật thì loại MiG21 được sử dụng tới 1.200 giờ bay. Nhưng đến tháng 12/1967 sau khi đã anh dũng chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc với 14 ngôi sao đỏ, chiếc máy bay này chỉ mới sử dụng hết khoảng 800 giờ bay, tức là chỉ bằng 2/3 thời gian quy đinh. Chiếc phi cơ này hoàn toàn có thể tiếp tục xuất kích 400 giờ bay nữa.

Để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến công xuất sắc nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho chiếc MiG21 số hiệu 4324 được “nghỉ hưu” trước thời hạn. Đại tướng cũng giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không -  không quân đưamáy bay vào nơi bí mật an toàn cất giấu, bảo quản suốt 7 năm.

Hàng triệu lượt khách đã đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của chiếc MiG 21 số hiệu 4324 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Ngày 4/12/1974, chiếc MiG 21 số hiệu 4324 được đưa từ sân bay Bạch Mai về Bảo tàng Quân đội. Đêm hôm đó một chiếc tiêm kích MiG 21 sáng màu ánh bạc đã tháo đôi cánh, lặng lẽ lăn đôi bánh lốp trên đường phố Hà Nội, rồi đi vào sân Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Ngay ngày hôm sau chiếc máy bay này đã được Bảo tàng Quân đội ghi vào danh mục hiện vật lưu giữ đặc biệt mang số BTQĐ 5800K/4324.

Đến nay đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu lịch sử chiếc tiêm kích huyền thoại anh hùng này để thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam. Những thế hệ đi sau tâm niệm luôn xứng đáng với 16 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho Không quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng: "Trung thành vô hạn; tiến công kiên quyết; đoàn kết hiệp đồng; lập công tập thể".

Kỳ tích của chiếc MiG 21 số hiệu 4324

10 giờ 29 phút ngày 30/4/1967, phi công Lê Trọng Huyền bắn rơi chiếc F105 (đầu tiên) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái ( Này là tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên)

Ngày 4/5, phi công Phạm Thanh Ngân đã hạ chiếc F105 (thứ 2) trên vùng trời Tam Đảo -  Vĩnh Phúc

Ngày 5/5 phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ chiếc F4 (thứ 3) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái.

Ngày 5/6 phi công Nguyễn Văn Lý hạ chiếc F105 (thứ 4) trên vùng trời tỉnh Tuyên Quang.

Ngày 5/7 phi công Nguyễn Văn Huyên hạ chiếc A4 (thứ 5) trên vùng trời tỉnh Hải Dương

Ngày 10/9 phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ chiếc RF101 (thứ 6) trên vùng trời Mộc Châu -  Sơn La.

Ngày 7/11 hai phi công Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Văn Ngự lần lượt thay nhau bắn hạ chiếc F4 (thứ 7) và chiếc F05 (thứ 8) trên vùng trời Hà Bắc và Yên Bái.

Ngày 18/11 phi công Phạm Thanh Ngân lại lập chiến công lần thứ hai khi hạ chiếc F105 (thứ 9) trên vùng trời Phú Thọ

Ngày 20/11, phi công Nguyễn Văn Cốc đã hạ chiếc F105 (thứ 10) trên vùng trời Vĩnh Phú ( Nay là tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ)

Ngày 12/12 phi công Nguyễn Văn Cốc lập chiến công tiếp bắn hạ chiếc F105 (thứ 11) trên vùng trời Hà Bắc.

Ngày 17/12 phi công Vũ Ngọc Đỉnh xuất kích và bắn hạ 2 chiếc F105 (thứ 12 và 13).

Ngày 19/12, phi công Nguyễn Đăng Kích đã đánh hạ chiếc F4 (thứ 14) trên vùng tời Tam Đảo


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn