Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ bị ‘xóa sổ’

Thời sựThứ Ba, 30/05/2017 07:38:00 +07:00

Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 500 ha đất bị biến mất hoàn toàn vì sạt lở.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đe dọa nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL.

Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Hinh anh

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng liên tục xảy ra tại các tỉnh ở ĐBSCL trong những năm gần đây.

Cụ thể, toàn vùng hiện có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Trong đó, điển hình là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).

Hinh anh

 Sáng 29/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi khảo sát thực tế ở tỉnh Cà Mau về thực trạng sạt lở tại đây.

Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011- 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn còn 179.384 ha năm 2016 (giảm 15.339 ha).

Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định được các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, trong đó, đáng chú ý phần lớn nguyên nhân là do con người. Cụ thể là việc mất cân bằng bùn cát do việc xây dưng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát.

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m³, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu m³ (gấp hơn 9 lần).

Bên cạnh đó, việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn...

Video: Trắng đêm ở vùng sạt lở Đồng Tháp

Ngoài ra, địa chất vùng ven biển ĐBSCL rất mềm yếu, được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa, rất dễ bị xói lở do tác động của sóng và dòng ven bờ.

Tình trạng lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản diễn ra mạnh nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3 cm/năm. Các chuyên gia dự báo, nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó đồng bộ và hiệu quả, ĐBSCL sẽ bị “xóa sổ” trong một tương lai không xa.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn