Đóng 20 năm bảo hiểm, về hưu chỉ nhận được 943.000 đồng/tháng

Thời sựThứ Sáu, 22/05/2015 02:33:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM đã đưa ra ví dụ cụ thể minh chứng cho những bất cập trong cơ chế tiền lương hiện nay khiến cuộc sống người lao động rất khó khăn.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM đã đưa ra ví dụ cụ thể minh chứng cho những bất cập trong cơ chế tiền lương hiện nay khiến cuộc sống người lao động rất khó khăn.

Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về việc sử điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Tán thành sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thanh Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng, nên tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn hưởng một lần hoặc tích lũy đến khi về hưu.
Trong 2 ngày 26-27/3, gần 90.000 công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TPHCM) đã đình công phản đối các quy định tại điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Trong 2 ngày 26-27/3, gần 90.000 công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TPHCM) đã đình công phản đối các quy định tại điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014  
Lý giải về điều này, ông Hải cho rằng điều kiện làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất khắc nghiệt. Vì vậy, người lao động phải dịch chuyển chỗ làm nhiều lần và rất ít người có điều kiện để về hưu.

Vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng người lao động cũng hiểu những thiệt thòi khi nhận một lần nhưng họ vẫn lựa chọn phương án này.

Để minh chứng điều này, ông Hải kể chuyện của một nữ công nhân ở quận Bình Tân (TP.HCM) đã tham gia Bảo hiểm Xã hội 18 năm liên tục, 2 năm cuối cùng đóng Bảo hiểm Xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu nhưng cuối cùng, người này nhận được 943.000 đồng/ tháng.

“Lương hưu bèo bọt như vậy làm sao khuyến khích người dân đóng Bảo hiểm Xã hội để nhận tiền hưu khi về già?”, ông Hải nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị ngoài sửa đồi điều 60 phải sớm thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề căn bản về tiền lương cho người lao động.

Đại biểu Trần Thanh Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM  

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nhiều cử tri đặt vấn đề xem lại cách làm luật của Quốc hội.


Bà Tâm đặt vấn đề một số điều luật Quốc hội thông qua gần đây tính khả thi không cao, dễ bị phản ứng của đối tượng chịu tác động của luật. Thực tiễn có điều luật chưa kịp có hiệu lực thi hành đã bị phản ứng. Đây không phải là lần đầu.

Vì vậy, vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị xem lại cách lấy ý kiến. Và khi đã nghe ý kiến phản ánh thì những người làm luật cần phải nghiêm túc tiếp thu.

 

Là đại biểu Quốc hội thấy xấu hổ chứ? Tôi cũng là đại biểu nên cũng thấy trách nhiệm ở đấy.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân
 
“Điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi không phải không có ý kiến của người lao động nói thiếu tính khả thi, nghe rồi nhưng tiếp thu thế nào?”, bà Tâm đặt hỏi.


Vị đại biểu Quốc hội này cũng góp ý tranh luận trong thảo luận, nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, có ý kiến tranh luận, lập luận sắc bén, Quốc hội phải lắng nghe.

“Tranh luận trong thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau là dịp để người thiếu thực tiễn lắng nghe sự tranh luận, cách giải thích của người khác để có thêm kiến thức. Phải lắng nghe để biết đâu là lẽ phải”, bà Tâm lưu ý.

Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, qua vấn đề này cần đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường mở không gian tranh luận nhiều hơn.

“Phản ứng của công nhân như vậy có một tín hiệu vui đó là phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là cách phản ứng của họ chống sự áp đặt về chính sách với họ”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Chia sẻ về điều này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết rất buồn khi luật vừa thông qua mà phải sửa.

“Là đại biểu Quốc hội thấy xấu hổ chứ? Tôi cũng là đại biểu nên cũng thấy trách nhiệm ở đấy”, ông Ngân nêu ý kiến.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng luật phải bám vào thực tiễn.

Ông Nghĩa lưu ý vấn đề lương nếu khảo sát thật kỹ. “Làm luật đừng áp đặt mà phải tạo điều kiện cho người ta lựa chọn. Kỹ thuật làm luật pháp có vấn đề, phải cho người ta chọn lựa, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người ta”, ông Nghĩa lưu ý.

Đại biểu Võ Thị Dung cũng đồng tình sửa đổi đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bà Dung cũng đề nghị Quốc hội nhận lỗi với người lao động chứ không chỉ “nhận sai cho có”.

“Tôi tha thiết đề nghị, sửa đổi phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy sự thực tâm trong quá trình sửa đổi. Bảo hiểm Xã hội là một phần,chính sách đảm bảo quyền lợi người lao động một cách toàn diện phải xem xét lại”, đại biểu Võ Thị Dung lưu ý.

Bà Dung tâm sự mỗi lần qua các khu công nghiệp lại thấy xúc động vì đời sống của người lao động quá khó khăn. Người lao động không đủ ăn và cũng chỉ được dùng những hàng hóa rẻ tiền.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn