Đón Tết cổ truyền theo dương lịch: 'Con rất lo sợ'

Thời sựThứ Hai, 07/01/2013 06:17:00 +07:00

(VTC News) - Bài viết đầy tâm huyết của một sinh viên gửi đến GS-TS Võ Tòng Xuân, tác giả quan điểm nên gộp Tết cổ truyền vào Tết dương lịch.

(VTC News) - Bài viết đầy tâm huyết của một sinh viên gửi đến GS-TS Võ Tòng Xuân, tác giả quan điểm nên gộp Tết cổ truyền vào Tết dương lịch.

Thư của bạn Trảo Thanh Phụng, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Luật TP.HCM viết:

Kính thưa Giáo sư! Thật trân trọng khi có những bậc tiền bối như giáo sư còn tâm huyết với đất nước. Đó là một điều đáng ghi nhận. Nhưng có lẽ, Giáo sư đã có cái nhìn quá xa vời, thậm chí không giới hạn về vấn đề này.

Lần đầu tiên khi con đọc bài viết “Đón tết cổ truyền theo dương lịch” của Giáo sư, con đã rất lo sợ. Con không hiểu, thật sự không hiểu tại sao Giáo sư lại có suy nghĩ như vậy? Giáo sư muốn đất nước giàu lên? Giáo sư muốn kinh tế theo kịp thế giới?

Khung cảnh Tết quê mà bất kỳ ai đã trài qua đều không khỏi xúc động mỗi khi xuân về 
Giáo sư muốn ích nước lợi dân hay Giáo sư muốn cho văn hóa và con người Việt Nam tiến bộ? Con vẫn không hiểu, bởi lẽ toàn bài viết, tất cả chỉ vì Giáo sư thôi! Vì Giáo sư nghĩ như vậy sẽ tốt.

Con đang là một sinh viên và con đang hình dung về một ngày điều Giáo sư nói sẽ thành sự thật, khi ấy chỉ còn có một cái Tết mà thôi. Lâu nay, đối với con Tết thật sự chỉ là ngày Tết cổ truyền. Đó là điều con chờ đợi nhất mỗi năm, chờ đợi đến khát khao cháy bỏng.

Vì chỉ có ngày đó, con mới được nghỉ nhiều, mới có thể về quê đón Tết, đoàn tụ cùng với gia đình. Con không biết Giáo sư có thấu hiểu được nỗi lòng của những kẻ xa quê hương như chúng con không, nhưng Tết với chúng con thực sự là một nỗi niềm khó tả.

Hằng năm, chúng con hy vọng, cố gắng, nỗ lực học tập chỉ mong đến ngày được về quê, được nhìn khung cảnh thanh bình của xóm làng Việt Nam, khung cảnh đậm chất Việt của quê hương trong những ngày cận Tết, được ôm cha mẹ trong vòng tay, được trò chuyện cùng anh chị em, được thăm hỏi bà con họ hàng. Đó thật sự là những ngày ý nghĩa nhất.

Nếu chỉ còn một cái Tết, con sẽ đón Tết theo phong cách người Tây, hay vẫn giữ những phong tục của văn hóa Việt? Theo Giáo sư chúng ta vẫn nên giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Con chợt giật mình tự hỏi: vậy là Tây không ra Tây, ta không ra ta rồi?

Các nước ăn tết theo dương lịch, Giáo sư cứ thử  nhìn xem, nó khác lắm. Cái Tết của họ nó cũng nhanh chóng, hối hả trôi qua như chính cuộc sống của họ vậy.

Họ không cần phải cúng lễ tổ tiên, họ cũng chẳng việc gì phải thăm hỏi bà con họ hàng, họ lại càng không mất thời gian vào những việc như: đưa ông Táo, nấu bánh chưng, bánh tét, cúng tết nhà, tết giếng, lì xì thì chắc cũng không cần thiết…

Tết theo dương lịch là cái tết của khoảnh khắc, còn theo con, Tết cổ truyền là cái Tết của sự đoàn viên, cái Tết của sự chậm rãi.

Nếu Giáo sư muốn dịch chuyển ngày ăn Tết cổ truyền theo dương lịch thì thiết nghĩ Giáo sư phải dứt khoát, đón tết đúng nghĩa như các nước đã và đang làm, hãy bỏ hẳn luôn tất cả những phong tục ăn tết cổ truyền của đất nước. Có như thế mới trọn vẹn chứ!

Nhưng Giáo sư vẫn muốn giữ lại nghĩa là Giáo sư biết không thể nào bỏ được. Giáo sư thấy nó vẫn cần, nó vẫn còn ý nghĩa, vậy tại sao chỉ vì một khoảng thời gian, mà Giáo sư chấp nhận dịch chuyển cả một lịch sử, một truyền thống, một văn hóa đẹp của đất nước? Đó phải chăng là một sai lầm?

Tất cả chúng con, những thế hệ tương lai của đất nước rất hiểu những điều Giáo sư muốn nói trong bài viết của mình. Thời đại này, chúng con đã nhận thấy giá trị của học hành và kiến thức, bởi vì chúng con đã cảm nhận được trách nhiệm và gánh nặng.

Con vẫn nhớ như in về những bài học lịch sử, những bài học đã dạy cho con biết được rẳng, những cái tết đã làm nên tình nghĩa, đạo lí, những cái tết đã làm nên mùa xuân, thắng lợi vẻ vang cho đất nước, và cũng có cả những cái tết đầy nước mắt, đau thương, đầy máu của dân tộc.

Theo bạn, có nên đón Tết cổ truyền theo dương lịch?

  • Không nên. Hội nhập gì thì cũng phải giữ gìn truyền thống của người Việt
  • Nên, để bớt đi việc có 2 cái tết trong năm
  • Gộp lại, nhưng vẫn giữ cách tổ chức ngày Tết theo đúng truyền thống tổ tiên
  • Ai thích ăn Tết gì thì ăn
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Tết cổ truyền không còn là một cái tết “vô nghĩa”, “ăn hại” như Giáo sư muốn nói, mà nó đã là một phần của lịch sử. Nước Việt Nam là 1 lịch sử, và chính những trang sử vẻ vang đã làm nên đất nước này.

Bài viết của Giáo sư chỉ là quan điểm Giáo sư thôi, dù nó có tiến bộ, có hay, có đúng con vẫn nghĩ Giáo sư hãy thử một lần đặt mình và vị trí của một ai đó trong xã hội này, như con chẳng hạn, để thấy được rằng, điều mình nói còn có phần phiến diện, chưa thấu đáo.

Giáo sư có nhìn thấy những giọt nước mắt của những người con xa quê chờ đợi ngày hồi hương? Giáo sư có nghe chăng những tiếng than mỏi mệt của những công nhân đang ngày đêm lao lực vì công cuộc mưu sinh, nhưng họ vẫn chờ đợi! Họ chờ đợi điều gì thưa giáo sư? Chỉ là chờ cái Tết cổ truyền đến thật nhanh, thật mau, để họ được sống trọn vẹn trong sự ấm áp và đầy đủ của gia đình.

Chỉ có Tết cổ truyền, thời gian mới dài hơn một chút, thời gian mới chậm hơn một chút, họ sống ý nghĩa hơn một chút… Chỉ thế thôi, nhưng nó đã là niềm khắc khỏi qua biết bao nhiêu thế hệ.

Tết cổ truyền đẹp và ý nghĩa lắm thưa Giáo sư. Khoảng khắc giao thừa của Tết dương lịch qua đi, tết cũng gần như chấm hết.

Con trẻ mong chờ Tết để được lì xì, mừng tuổi
Nhưng với Tết cổ truyền của người Việt, cái Tết có từ trước đó, từ những ngày tảo mộ, từ ngày háo hức đưa ông Táo về trời, và rồi sau cái thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, Tết mới thật sự bắt đầu. “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ mồng ba tết thầy” câu nói ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam, ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa không thưa Giáo sư?

Con cho rằng, tất cả những ý kiến của Giáo sư đều nhìn theo hướng có lợi cho kinh tế, cho đất nước. Đó là điều quá tốt, nhưng Giáo sư có chắc chắn, có dám đảm bảo, có dám lấy cuộc đời, học hàm học vị của mình ra để khẳng định, đổi ngày ăn Tết của dân tộc, tất cả sẽ tốt đẹp hơn không?

 

Giáo sư chỉ nêu ra những mặt tiêu cực của ngày Tết cổ truyền, cũng đúng vì suy cho cùng, ý Giáo sư muốn chúng ta quên nó đi, nhưng nếu Giáo sư nêu ra được những ý nghĩa và mặt tích cực của nó, Giáo sư sẽ thấy được rằng nó đáng trân trọng và đáng quý đến mức nào.

 
Nếu có, con nghĩ Giáo sư liều quá! Giáo sư chỉ nêu ra những mặt tiêu cực của ngày Tết cổ truyền, cũng đúng vì suy cho cùng, ý Giáo sư muốn chúng ta quên nó đi, nhưng nếu Giáo sư nêu ra được những ý nghĩa và mặt tích cực của nó, Giáo sư sẽ thấy được rằng nó đáng trân trọng và đáng quý đến mức nào.

Dẫu mai sau đất nước chúng ta có giàu như thế nào, nhưng con người cũng chỉ biết chạy đi kiếm tiền, sống chỉ có công việc và công việc, sống đầy áp lực và căng thẳng, rồi tỷ lệ người dân tự tử sẽ cao như Nhật Bản thôi.

Những lúc ấy, Giáo sư sẽ thấy sự “dài lê thê”, “sự nhàn rỗi” của những ngày tết, chẳng khác nào như một liều thuốc tinh thần kéo con người ta thoát khỏi vũng lầy của cuộc sống.

Đất nước mình còn nghèo. Là một công dân Việt Nam, con cũng buồn, con cũng muốn cống hiến cho đất nước lắm chứ. Nhưng quá trình ấy cần phải có thời gian và nội lực. Điều chúng ta cần chính là nội lực. Nội lực ấy không chỉ từ những ngành kinh tế có sự giao thương với nước ngoài như Giáo sư đã nêu ra.

Con thì nghĩ rằng, nội lực ấy chính là niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào vì những bản sắc văn hóa của quê hương, một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa, cũng là một niềm tự hào mà không phải đất nước, dân tộc nào cũng có, cũng xây dựng và giữ gìn được như Việt Nam đâu, thưa Giáo sư!

Giáo sư cho rằng chúng ta đang “ôm mãi lịch sử để sống”. Cũng đúng, vì lịch sử ấy quá đẹp, quá hào hùng cơ mà, đáng lắm chứ. Chúng ta không giàu có, hiện đại như Mỹ, Anh, Hàn Quốc…, nhưng cái mà chúng ta có được chính là quá khứ, truyền thống. Chúng ta phải công nhận và giữ gìn nó, điều đó có gì sai sao? Giáo sư nghĩ đó là sự gật gù, cứ mãi sống với quá khứ, truyền thống thì quả là điều đáng tiếc.

Đọc bài viết của Giáo sư, con cảm nhận chỉ có một điều làm Giáo sư “ấm ức”. Đó là tại sao chúng ta lại nghỉ Tết cổ truyền quá nhiều, không cần thiết, ảnh hưởng đến nhiều lợi ích.

Vấn đề không phải ở thời gian. Nếu Giáo sư cho rằng nhiều, thì sao Giáo sư không đề xuất cắt giảm, cớ gì cứ phải gộp với Tết dương. Giáo sư muốn bớt đi một ngày nghỉ của chúng con, vô tình Giáo sư đã làm tăng thêm nỗi buồn của những người mong chờ đến Tết.

Nụ cười rạng rỡ ngày xuân 
Giáo sư muốn ăn Tết theo dương lịch, là Giáo sư làm cho ngày mẹ xa con, chồng xa vợ, anh xa em... nhanh hơn. Chỉ vì nhiêu đó thời gian mà để cho niềm vui trở nên ngắn ngủi, trong khi một năm dài lê thê, đằng đẵng họ đã vất vả, nỗ lực đến nhường nào. Có đáng không thưa Giáo sư?

Không biết Giáo sư nghĩ gì khi đọc được những điều con viết, có thể đó chỉ là những ý nghĩ bồng bột, non nớt của một đứa con nít, nhưng con vẫn muốn nói. Vì con quý ngày Tết cổ truyền lắm. Con sợ Giáo sư sẽ phá hủy giấc mơ và niềm mong mỏi của con.

Con sợ một ngày con và những bạn bè trẻ của con sẽ lao như điên vào làm việc mà quên mất đường trở về nhà đón tết cùng gia đình. Con sợ, sợ Tết cổ truyền sẽ mất đi, tuổi thơ của con cũng mất đi, những cái Tết với quần áo đẹp, nụ cười trẻ thơ, bánh chưng xanh, bánh kẹo thật nhiều, và không quên những bao lì xì đỏ thắm.

Con không mong mỏi điều gì, giữa con và Giáo sư cách xa nhau nhiều lắm, chúng ta là hai thế hệ khác nhau, học vấn thì có lẽ không biết mấy mươi năm, hay thậm chí cả đời con mới có thể bằng được Giáo sư.

Nhưng con nghĩ rằng, Giáo sư cũng có con, và Giáo sư sẽ không bao giờ bỏ ngoài tai những lời nói của con trẻ. Rồi Giáo sư sẽ đọc được điều này, để Giáo sư thấy rằng, người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn cần, rất cần những ngày Tết cổ truyền.

Họ có thể từ bỏ số tiền kếch xù từ công việc kinh doanh do nghỉ tết, nhưng họ nhất định không bỏ lỡ những giây phúc được đoàn tụ trong mái ấm gia đình và vòng tay người thân trong những dịp Tết đến, xuân về!

Trảo Thanh Phụng

Quý độc giả có suy nghĩ gì vý kiến trên đây? Hãy chia ssuy nghĩ của mình box thảo luận bên dưới.

Bình luận
vtcnews.vn