Đơn ‘đặt hàng’ gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Đúng việc, đúng chuyện và đúng người'

Giáo dụcThứ Tư, 13/04/2016 07:36:00 +07:00

Rất nhiều chuyên gia đã gửi kỳ vọng và góp ý cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ngay sau ông nhận nhiệm vụ mới.

(VTC News) – Rất nhiều chuyên gia đã gửi kỳ vọng và góp ý cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ngay sau ông nhận nhiệm vụ mới.

Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh, học sinh cả nước để giáo dục Việt Nam thực sự chuyển mình.

Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty giáo dục trực tuyến Zuni.vn cũng đã gửi đến VTC News những kiến nghị để chuyển đến tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

VTC News xin chia sẻ những tâm sự và kỳ vọng của ông Nguyễn Hoàng Vinh để gửi đến tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
 

Đại học Quốc gia Hà Nội dưới thời tân Bộ trưởng Giáo dục làm Giám đốc đã có những cuộc chuyển mình nhiều dấu ấn với tinh thần quyết đoán và dám nghĩ dám làm.

Vậy tôi xin phép kỳ vọng gửi gắm ông mấy điều dưới góc nhìn của một người Việt trẻ và một nhà điều hành công ty khởi nghiệp về giáo dục trực tuyến.

Giáo dục Việt Nam luẩn quẩn lâu nay có một lý do căn cơ không nhỏ là Bộ giáo dục đang không làm “Đúng việc”, nghĩa là việc của mình thì suốt bao nhiêu năm không làm và việc không phải của mình thì lại ôm đồm không chịu chuyển cho người khác.

Nhiệm kỳ mới vì vậy chỉ mong mỏi và tin tưởng ở Bộ trưởng 3 điều: Đúng việc, Đúng chuyện và Đúng người.

Đúng việc: Xây nhà từ móng

Việt Nam đã trải qua mấy lần cải cách giáo dục bằng những “trận đánh lớn” nhưng càng đánh thì càng bại bởi nếu coi giáo dục là một ngôi nhà thì chúng ta đang hùng hục đi xây một ngôi nhà không móng.

Kiến trúc của nền giáo dục quốc gia được hình thành từ việc trả lời theo tuần tự những câu hỏi cho các vấn đề cốt lõi từ: Triết lý giáo dục, Mục tiêu giáo dục, Chương trình học, Tài liệu giáo khoa cho đến cơ chế đánh giá và tổ chức quản trị.

Vậy mà đến nay ngay sau mấy lần cải cách thì Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” mới nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến rộng rãi cũng chỉ bắt đầu xác định được từ mục tiêu giáo dục trở đi và mọi tranh cãi đổ dồn vào chương trình và sách giáo khoa, vốn là hệ quả chứ không phải bản chất vấn đề.

Đơn cử việc thiếu vắng hình bóng một triết lý giáo dục đằng sau khiến không ai biết làm sao và dựa trên tư tưởng lý luận nào mà đội ngũ biên soạn Chương trình phổ thông có thể xác định được ra 3 phẩm chất cốt lõi cần xây dựng cho học sinh Việt Nam là sống “Yêu thương”, “Tự chủ”, “Trách nhiệm” trong vô vàn phẩm chất hay ho tốt đẹp và cũng cần thiết khác?

Làm sao biết được đây là 3 phẩm chất vừa cần thiết trong ngắn hạn mà con người Việt Nam cần để giải quyết những vấn đề của đất nước hiện tại, lại vừa đủ phổ quát để theo đuổi lâu dài nhất quán thay vì 5 năm lại “cải cách” một lần?

Không có một nền tảng tư tưởng lý luận nhất quán, không thể hình thành niềm tin cho xã hội rằng con thuyền Giáo dục đang được lái đi đúng hướng và đúng cách.

Việc xây dựng nó rõ ràng bằng văn bản, dù khó khăn, là việc đầu tiên Bộ giáo dục và Bộ trưởng có trách nhiệm cần làm trước khi tiếp tục một cuộc cải cách toàn diện nào khác.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các chuyên gia giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận được rất nhiều "đơn đặt hàng" của các chuyên gia giáo dục 

Đúng chuyện

Muốn làm đúng việc cho hiệu quả thì phải chọn đúng chuyện để giải quyết. Là một người sử dụng lao động – sản phẩm đầu ra của ngành giáo dục nước nhà – tôi quan điểm nâng cao chất lượng nguồn lao động là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của quốc gia.

Việt Nam là một dân tộc có tố chất thông minh hàng đầu trong khu vực, nhưng theo tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của chúng ta đang thấp thứ 3 Đông Nam Á, chỉ bằng 1/15 Singapore và 1/5 Malaysia.

Về khía cạnh giáo dục, lý do không đơn thuần chỉ vì Giáo dục bậc Đại học chưa đào tạo được những người lao động tinh anh về “Thuật” (kiến thức và kĩ năng), mà là hệ quả sâu xa của sự thất bại ở giáo dục phổ thông đã không tạo nên những con người phát triển đúng đắn về “Đạo” (giá trị và thái độ).

Giả sử một số cơ sở đào tạo đại học có không hoàn thành trong nhiệm vụ của mình, thì chúng tôi, những doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự đào tạo lại từ đầu về kiến thức và kĩ năng cho phần lớn nhân sự cần thiết trong không quá 1 năm.

Nhưng giá trị và thái độ là hệ quả đầu ra của một quá trình dài được hấp thụ trong nhà trường và gia đình, xã hội.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô phương và thậm chí là không còn sống được đến lúc thay đổi được nền tảng văn hóa này của người lao động. Bởi thế xin đặt hàng Bộ trưởng 3 điều cần hun đúc và nuôi dưỡng trong hệ thống giáo dục phổ thông:

- Hệ giá trị: Những người trẻ sinh ra và lớn lên sau thời “mở cửa” đang đối diện với một cuộc đảo lộn và khủng khoảng vô tiền khoáng hậu về hệ giá trị.

Chúng tôi đang sống trong thời kỳ khi mà những giá trị truyền thống đã trở nên lỗi thời xưa cũ không mấy ai còn tin tưởng đi theo, mà những giá trị mới hấp thu từ phương Tây về tự do, nhân bản, khai phóng mới chỉ manh nha hình thành và được tiếp thu trong đề phòng nghi kỵ.

Khủng hoảng về giá trị sẽ dẫn đến khủng hoảng về niềm tin, và một thế hệ không có niềm tin tất yếu sẽ không có lý tưởng. Một đất nước với những con người sống vật vờ qua ngày chắc khó có thể nghĩ đến tương lai.

Không phải ngẫu nhiên mà Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã chọn hình ảnh người “quân tử” làm hình mẫu cho Singapore để phát triển con người.

Ông Lý tin rằng xã hội chỉ hoạt động tốt khi mọi người đều nhắm trở thành người “quân tử” với đầy đủ “ngũ thường” là Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín.

Việt Nam có thể chọn riêng một hình mẫu phù hợp với mình để xây dựng hệ giá trị, nhưng nhất thiết phải chọn một hình mẫu, và cụ thể hóa điều đó vào triết lý và mục tiêu giáo dục Quốc gia.

- Tính kỷ luật: Đội ngũ lao động của chúng ta sáng tạo và giỏi ứng biến trước những tình huống bất thường, nhưng thiếu kỷ luật và tập trung để theo đuổi đến cùng và thành xuất sắc công việc. Đặc tính này này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà yếu tố này sẽ ngăn cản việc hình thành nên những con người Chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Chỉ có kỷ luật mới hình thành nên thói quen, thói quen quyết định tính cách và tính cách tạo nên số phận. Rèn luyện kỉ luật cho một người trưởng thành là vô cùng chông gai nhưng không khó khăn để ươm mầm tính cách đấy ngay từ tấm bé.

- Tinh thần hợp tác: Năng suất lao động của một tập thể được hình thành từ năng suất lao động của từng cá nhân cùng với khả năng cộng hưởng hợp tác giữa nhiều cá nhân trong cùng một tổ chức. Nếu tính kỷ luật là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất lao động cá nhân thì văn hóa hợp tác là nền tảng để có những tổ chức hoạt động hiệu quả. “Dự thảo chương trình phổ thông mới” đã nhắc đến yếu tố này như 1 năng lực cá nhân cần phát triển, nhưng chưa nhận thức nó như một thứ văn hóa cần xây dựng trong cộng đồng.

Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Bộ GD-ĐT ngay tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập

Đúng người

Việc thiếu một triết lý giáo dục là hệ quả tất yếu khi Việt Nam không có những nhà tư tưởng giáo dục, người có ít nhiều tư tưởng thì không có quyền quyết sách, người có quyền quyết sách thì không có can đảm hành động.

Chọn lấy một triết lý cho nền giáo dục Quốc gia để mỗi năm ảnh hưởng trực tiếp lên hơn 20 triệu con người là một nhiệm vụ quá rủi ro và áp lực lên vai bất cứ ai.

Tôi đề xuất Bộ trưởng tổ chức một Đại hội giáo dục Quốc gia, một “Hội nghị Diên Hồng” tập hợp đầy đủ các nhân sĩ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, phụ huynh học sinh và đại diện các cơ quan chính quyền và tổ chức quần chúng để tranh luận và thống nhất đề ra bằng được những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam.

Đấy cũng sẽ là lực lượng sẽ lan truyền và phố biến những tinh thần và nguyên tắc này ra cộng đồng dân chúng.

Về triển khai, triết lý có đúng đắn đến đâu cũng phải thông qua đội ngũ nhà giáo là người lan truyền thực tế. Không ai có thể cho đi thứ mình chưa từng được nhận, việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên cả về kĩ năng và tư tưởng dễ hiểu là một khối lượng công việc khổng lồ và khó thành công nhanh chóng.

Mong Bộ trưởng có thể sử dụng Internet và các khóa học trực tuyến để tiến hành xây dựng, phổ cập và hoàn thiện không ngừng nghỉ công tác huấn luyện và đào tạo giáo viên trên khắp cả nước.

Việc làm cái gì (What) và làm như thế nào (How) là chuyên môn của Bộ trưởng và các chuyên viên.

Là một công dân và một nhà điều hành doanh nghiệp, tôi chỉ nên đặt hàng Bộ trưởng về con người đầu ra.

Nhưng tôi tin mình được quyền yêu cầu nhìn thấy một cách làm đúng đắn xuất phát từ bản chất (Why) để có thể lấy lại niềm tin vào ngành giáo dục và công cuộc cải cách.

Chúc Bộ trưởng nhiều may mắn và thành công.


Nguyễn Hoàng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty giáo dục trực tuyến Zuni
Bình luận
vtcnews.vn