Đối thoại với ngư dân, Bí thư Thanh Hóa nhận khuyết điểm

Thời sựThứ Hai, 07/03/2016 01:11:00 +07:00

Kết thúc cuộc đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đồng ý để bà con ngư dân tiếp tục bám biển như bao lâu nay vẫn làm.

(VTC News) - Kết thúc cuộc đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đồng ý để bà con ngư dân tiếp tục bám biển như bao lâu nay vẫn làm.

Sáng 7/3, ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chủ trì buổi đối thoại với ngư dân liên quan đến quy hoạch Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn.

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đại diện chính quyền địa phương đã nêu lại chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh. 
Hàng trăm ngư dân tại hội trường đối thoại
Hàng trăm ngư dân tại hội trường đối thoại 
Sau đó, 13 người đại diện ngư dân đứng lên phát biểu, nêu tâm tư nguyện vọng và mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đảm bảo quyền lợi. Nội dung xoay quanh ý kiến muốn chính quyền để lại cho bà con tối thiểu 500m đường biển để tham gia đánh bắt hải sản, cũng như giữ bản sắc làng nghề truyền thống.

Anh Cao Sỹ Hải trú ở phường Trung Sơn nêu ý kiến: "Ở nơi khác thì khuyến khích phát triển làng nghề còn Sầm Sơn làm điều ngược lại, di dời làng nghề đi nơi khác. Mong Bí thư Tỉnh ủy giữ lại 500-1000m để bà con ngư dân làm nghề.

Bởi thực tế hiện tại, rất nhiều người trình độ học vấn thấp nên rất khó để chờ đợi một công việc làm ổn định của FLC. Cũng vì học vấn thấp, một số không hiểu biết pháp luật đã tụ tập đông người để phản đối gây mất an ninh trật tự đã bị cơ quan điều tra bắt giữ, mong chính quyền không khởi tố hình sự vì nguyên căn cũng bởi miếng cơm manh áo mà họ không làm chủ được."
Một ngư dân đứng lên nêu nguyện vọng
Một ngư dân đứng lên đề đạt nguyện vọng 
"Người dân không cần đền bù, 10000 nhân khẩu chúng tôi sống nhờ đi biển. Tôi đề nghị chính quyền chia sẻ, giúp đỡ nhân dân.

Từ trước đến nay người dân bám biển sống tốt, có người có tiền xây được nhà tầng, mua xe. Nay bắt mọi người đánh bắt xa bờ, phải đầu tư trang thiết bị lớn tiền không có, làm chưa hẳn có lãi hơn đánh bắt gần bờ.

Họ nói "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ", miễn đảm bảo cuộc sống. Vì thế không cần nhận hỗ trợ, chỉ cần để một phần diện tích cho bà con đi biển là được.

Bên cạnh đó, sự việc những ngày qua ngư dân tụ tập phản ánh không phải là điều dân mong muốn. Điều này ảnh hưởng đến cả người dân và làm phiền đến cả lực lượng chức năng phải làm nhiệm vụ. Trách nhiệm một phần do chính quyền, bởi chính quyền không thông qua ý kiến bà con đã thực hiện, gây phản cảm, bức xúc" - ông Vũ Như Tính trú xã Quảng Cư phản ánh.
Ông Chiến có mặt tại buổi đối thoại sáng nay - Ảnh: Hồng Thắng
Ông Chiến có mặt tại buổi đối thoại sáng nay - Ảnh: Hồng Thắng

Ngay sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, việc làm cho bãi biển Sầm Sơn đẹp hơn nhưng phải chú ý đến quyền lợi của người dân, phải thương dân, phục vụ dân, lấy an sinh xã hội làm đầu. Cái chính là dành đất để bà con tiếp tục bám biển.

"Nghề biển bà con rất hăng hái, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh tốt lên, vì vậy tôi rất chia sẻ. 

Sự việc xảy ra như mấy ngày qua là đáng tiếc, dù bất cứ ở góc độ nào thì với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của cấp ủy chính quyền, tôi thấy bản thân tôi có khuyết điểm và có trách nhiệm lớn với bà con ngư dân Sầm Sơn và cả bà con Thị xã Sầm Sơn" - ông Trịnh Văn Chiến nói.

Ông Chiến nói tiếp: "Những ngày qua tôi nghe nhiều thông tin sai sự thực đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm kích động người dân.
Ông Nguyễn Văn Chiến phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Trịnh Văn Chiến phát biểu tại buổi đối thoại 

Một bộ phận người dân do chưa được tuyên truyền và nhận thức đúng đắn nên tập trung đông người, kéo lên các cơ quan của tỉnh, đây là việc làm vi phạm pháp luật. Hạ thấp hình ảnh con người Sầm Sơn và con người Thanh Hóa.

Tôi xin khẳng định lại, biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta, trong đó có Sầm Sơn. Nhưng biển, bờ biển phải được nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, bằng quy hoạch, chú ý đến sự phát triển đi lên của Sầm Sơn và lợi ích của người dân.

Không có chuyện tỉnh thu biển, bờ biển để giao lại cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Vì làm như vậy trái với chủ trương, trái với quy định."

Ông Chiến cho biết thêm, ông đã xem 3 văn bản của Tỉnh ủy thì 2 văn bản yêu cầu Thị ủy, ủy ban Sầm Sơn nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách. 

Văn bản còn lại Thường trực Tỉnh ủy giao cho Thị ủy, UBND Thị xã Sầm Sơn tìm bến đỗ mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở bến đỗ mới đảm bảo các yêu cầu cho ngư dân neo đậu, thuyền bè mủng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân phù hợp. Tổ chức tuyên truyền vận động, thống nhất với bà con ngư dân và khi điều kiện cần thiết mới chuyển sang bến đỗ mới. 
Người dân vỗ tay vui mừng khi nghe Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định để ngư dân hoạt động ra khơi bình thường như trước
Người dân vỗ tay vui mừng khi nghe Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định để ngư dân hoạt động ra khơi bình thường như trước 

"Từ những ý kiến trên, tỉnh thống nhất giải quyết đền bù cho ngư dân nào đồng ý với chủ trương. Bà con nào vì nhiều lý do khác nhau chưa thông với chủ trương chính sách của tỉnh thì cứ làm bình thường như lâu nay, không có vấn đề gì" - ông Chiến phát biểu giữa cuộc họp.

Nghe đến đây bà con ngư dân vui mừng, cả hội trường vỗ tay ủng hộ.

"Bà con trật tự để tôi nói lại, bà con đã thống nhất đề xuất để 1.5km đường biển nhưng tỉnh không có chỉ đạo việc này, nguyện vọng bà con đã được đáp ứng. Vì thế bà con cứ đánh cá, cứ khai thác, cứ neo đậu tàu thuyền mà không có vấn đề gì. Được chưa? Vỗ tay đi rồi mà về..." - Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nói lớn, át tiếng xì xào phía dưới. 

Lập tức, những tiếng vỗ tay hoan nghênh của ngư dân đã phá vỡ bầu không khí căng thẳng, tâm tư nguyện vọng của người dân đã được giải quyết xong.


Hồng Thắng
Bình luận
vtcnews.vn