Cú đấm thép của PC50 vào tội phạm công nghệ cao

Pháp luậtThứ Ba, 06/06/2017 17:21:00 +07:00

Không còn xa lạ đối với xã hội Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng hoạt động tinh vi hơn và có lẽ nguy hiểm nhất vẫn là tội phạm đến từ Trung Quốc.

Gia tăng việc sử dụng công nghệ cao

Sự phát triển của kinh tế dẫn đến việc con người ngày càng có nhiều nhu cầu tiêu dùng mà khoản thời gian lại vô cùng hạn hẹp. Do đó việc rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí mua bán, trao đổi sản phẩm qua hệ thống ngân hàng cùng được phát triển một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên phương thức giao dịch này cũng là miếng mồi béo bở cho một loại tội phạm “vô hình” nhưng lại vô cùng nguy hiểm, gây tổn thất không nhỏ. Đó là tội phạm sử dụng công nghệ cao(TPCNC).

12

 Tội phạm sử dụng công nghệ cao, những "kẻ vô hình" nguy hiểm. (Ảnh: Internet)

Loại tội phạm này chủ yếu tập trung vào việc ăn cắp mã số, thông tin cá nhân qua các loại thẻ visa, thẻ ghi nợ để từ đó, với những hệ thống máy móc hiện đại, chúng có thể sao chép toàn bộ thông tin gốc ra một thẻ giả và rút tiền hoặc thanh toán.

TPCNC được hình thành bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin. Chúng có thể xâm nhập những ngân hàng, cơ quan, đơn vị có hệ thống an ninh mạng được cho là tốt nhất để đánh cắp thông tin, tiền bạc mà không để lại dấu vết gì! Loại hình tội phạm này đã gây đau đầu cho cơ quan an ninh của nhiều quốc gia trên thế giới.

Video: Siêu lừa chuyên "hack" tài khoản facebook, "moi" được hơn 2 tỷ đồng

Ở Việt Nam cũng vậy, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã tạo ra một loại hình thương mại mới thay cho thương mại truyền thống đó là thương mại điện tử; đây là hình thức giao dịch, trao đổi sản phẩm nhanh chóng nhất, tiện dụng nhất bởi tất cả đều thực hiện trực tuyến, thanh toán qua thẻ visa. Nhưng cũng có những lỗ hổng nhất định mà TPCNC có thể xâm nhập.

Là đơn vị đi đầu trong việc tìm kiếm thông tin, xử lý các cá nhân, tập thể có âm mưu hoặc hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Phòng cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao- PC50 Công an Thành phố Hà Nội đã trực tiếp điều tra, làm rõ nhiều vụ việc kể từ khi được thành lập năm 2007; trong đó rất nhiều trường hợp là những tội phạm đến từ Trung Quốc.

Chuyên án mang bí số 981-T

Có thể đơn cử chuyên án 981-T, đây là một trong số nhiều chuyên án mà PC50 đã đấu tranh và phá án thành công, nhưng đây lại là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi tính tổ chức cao, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thủ đoạn lẩn tránh cơ quan chức năng vô cùng tinh vi của các cá nhân trực tiếp tham gia.

Chỉ bằng một thông tin ban đầu từ một người bán hàng ở siêu thị IOEN, Thái Hà, Hà Nội; rằng có một nhóm người Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng thẻ giả để đặt một số lượng hàng trị giá lớn gồm điện thoại di động, laptop và hẹn chiều cùng ngày sẽ qua lấy hàng.

Tuy nhiên, có thể do “đánh hơi” được sự có mặt của lực lượng trinh sát, nên các đối tượng đã không xuất hiện vào giờ hẹn làm các điều tra viên càng khó khăn trong việc tìm ra manh mối. Một thông tin nữa mà họ có được là một số điện thoại di động được để lại cho nhân viên siêu thị. Và từ đây, cả một đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã được triệt phá.

Qua điều tra, xác minh số điện thoại trên thuộc sở hữu của Đinh Văn Chính, sinh năm 1985 thường trú tại Hà Nội; lúc đó làm Giám đốc Công ty TNHH Ninh Cát, có trụ sở tại toà nhà Licogi 13, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tên này đã có thời gian làm xe ôm ở khu vực đường Khuất Duy Tiến trước khi tham gia vào đường dây lừa đảo.

Công ty TNHH Ninh Cát có đăng ký kinh doanh, cung cấp các thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thương mại xuất nhập khẩu xây dựng.

Nhưng kết quả điều tra ban đầu cho thấy công ty Ninh Cát không hề có bất cứ hoạt động kinh doanh nào, đồng thời phát hiện trong công ty còn có Zeng Xiao Tian tức Tăng Hiểu Thiên sinh năm 1984 -người Trung Quốc giữ chức Giám đốc điều hành công ty Ninh Cát.

Thiên là người nói tiếng Việt rất giỏi, chứng tỏ tên này đã có thời gian khá lâu sống hoặc qua lại Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam, tên này có quen biết với nhiều đối tượng người Đài Loan và được các đối tượng này hướng dẫn, trang bị máy móc để sang Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo.

Tới Việt Nam, Thiên đã kết nối với Chính (khi đó còn làm xe ôm), bỏ tiền ra lập công ty Ninh Cát, đưa Chính lên làm giám đốc.

Nhận thấy thông tin được cung cấp ban đầu là đúng, đồng thời công ty Ninh Cát cùng các cá nhân trên có những hoạt động mờ ám, có thể hình thành ổ nhóm tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, PC50 đã nhanh chóng xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an Tp. Hà Nội và được đồng ý thành lập chuyên án 981-T để điều tra, xác minh và làm rõ hoạt động của công ty Ninh Cát cùng các cá nhân có liên quan.

Tham gia chuyên án 981-T gồm có lãnh đạo PC50, cùng các trinh sát viên, điều tra viên giỏi nhất của Công an Thành phố. Tất cả đều tập trung truy xét, tìm ra những manh mối nhỏ nhất rồi từ đó ghép lại thành một “bức tranh” hoàn chỉnh về toàn bộ quá trình hoạt động của công ty Ninh Cát, các thành viên tham gia; đồng thời tìm hiểu, trinh sát làm rõ các thủ đoạn mà chúng sử dụng để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra ban đầu, PC50 đã thu thập được nhiều thông tin hữu ích về các đối tượng Đinh và Hiểu Thiên, đồng thời lần ra thêm ba công ty “ma” khác được dựng lên làm bình phong cho những hoạt động phạm pháp của chúng.

Đó là các công ty TNHH Thương mại Phước Hiền tại Long Biên, Hà Nội do Lê Trọng Hiền, sinh năm 1992 thường trú ở Hà Nội làm giám đốc.

Công ty TNHH TMDV Bảo Phương tại Hoàng Mai, Hà Nội. Giám đốc là Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1988 quê Thanh Hoá.

Cuối cùng là công ty TNHH Thương Mại Lực Long, trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội do Hoàng Tiến Tuân, sinh năm 1993 thường trú ở Hà Nội làm giám đốc.

Ba vị giám đốc “ma” trên đều được hứa trả 20 triệu đồng sau khi mở công ty, đăng ký dịch vụ thanh toán thẻ và nhận máy POS, số máy POS này được Hiểu Thiên toàn quyền quản lý và sử dụng.

Bằng những thông tin đã có, các trinh sát PC50 đã tiến hành theo dõi, xác minh cách thức hoạt động, thói quen hàng ngày của các đối tượng trên và nhận thấy đây là một nhóm tội phạm có tổ chức do Hiểu Thiên- người Trung Quốc cầm đầu.

Mang danh nghĩa các công ty, chúng mở tài khoản, đăng ký dịch vụ thanh toán thẻ ở nhiều ngân hàng trên địa bàn Hà Nội như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank, Oceanbank…

Sau khi đã “danh chính ngôn thuận”, nhóm đối tượng này sẽ chuyển tiền từ tài khoản thẻ tín dụng giả vào tài khoản của các công ty bằng hình thức quẹt thẻ qua máy POS, rút tiền mặt trực tiếp ở quầy giao dịch các ngân hàng hoặc các cây ATM, chiếm đoạt tài sản.

Sau một thời gian trinh sát, theo dõi các đối tượng trên, đồng thời củng cố thêm thông tin đã có. Ban chuyên án đã quyết định bắt khẩn cấp hai đối tượng Tăng Hiểu Thiên và Đinh Văn Chính . Qua  đấu tranh, khai thác cơ quan điều tra đã làm rõ được toàn bộ mạng lưới tổ chức tội phạm này và thu lại được một số lượng lớn tiền mặt.

Tại nơi ở của hai tên này, cơ quan công an đã thu giữ được nhiều giấy tờ, tài liệu, máy tính cá nhân, máy POS, nhiều thẻ thanh toán cùng 400 triệu đồng đứng tên Dương Kim Anh (vợ của Thiên).

Tháng 7 năm 2014, cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản số 167 ngày 04/7/2014, quyết định khởi tố bị can số 473 và 474 đối với Tăng Hiểu Thiên và Đinh Văn Chính ngày 09/7/2014.

Sau hơn 1 năm thực hiện hành vi phạm pháp; các đối tượng Đinh Văn Chính, Tăng Hiểu Thiên cùng đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Đối với các đối tượng Lê Trọng Hiền, Nguyễn  Thị Phương, Hoàng Tiến Tuân được miễn điều tra bởi các cá nhân này hoàn toàn không biết gì về hành vi phạm pháp của Thiên và Chính.

981-T thành công được là bởi sự áp dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ, sự liên kết nhanh chóng, kịp thời giữa PC50 và các đơn vị khác, giúp cho quá trình kiểm chứng, xác nhận thông tin được nhanh chóng. Đồng thời, không thể không kể đến sự giúp đỡ của các ngân hàng, quần chúng nhân dân.

Chuyên án 981-T chỉ là một trong nhiều chuyên án mà PC50 đã phá án thành công, tuy nhiên đây cũng là một kinh nghiệm cho cơ quan điều tra, bởi thủ đoạn của bọn tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi, xảo quyệt thêm nữa chúng được đầu tư những hệ thống viễn thông rất hiện đại.

Đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức

Sau 10 năm, PC50 đã đối mặt, xử lý hàng chục nghìn vụ án sử dụng máy móc viễn thông, công nghệ thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều vụ trong số này được thực hiện bởi các đối tượng người nước ngoài như Trung Quốc, Bulgary hoặc các nước đông Âu.

Tuy xuất phát điểm có khác nhau, nhưng phương thức hoạt động cũng như hành động của chúng đều có những điểm chung nhất định. Cụ thể như việc ăn cắp thông tin cá nhân, thẻ thanh toán sau đó làm giả và rút tiền ở nhiều địa điểm khác nhau.

Không những chỉ hoạt động đơn lẻ, mà hiện nay TPCNC đã phát triển hơn với quy mô lớn hơn, tính tổ chức cao hơn, chặt chẽ hơn và phương thức hành động cũng đa dạng hơn

TPCNC hiện nay không chỉ nhằm vào chiếm đoạt tài sản, mà còn lừa người. Sự phát triển của mạng xã hội Facebook, zalo cũng mang đến nhiều điều bất cập. Rất nhiều đối tượng nước ngoài, trong nước đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều phụ nữ, lừa bán họ sang nước khác rồi bắt ép hành nghề mại dâm…

Rồi những trò chơi bài bạc online trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, tiền thì ảo nhưng hoạ lại là thật.

Nhận thấy thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, khó lường trước được chúng sẽ hoạt động như thế nào, ở đâu, ra sao. PC50 cùng các cơ quan chức năng đã nhiều lần đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước những cám dỗ bên ngoài, trên các trang mạng xã hội… Tiếp cận, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin đang là một trong những phương thức được sử dụng rất nhiều của loại tội phạm này.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn