Độc đáo “Găng tay chuyển ngữ dành cho người khiếm thính" vinh quang trở về từ Mỹ

Giáo dụcThứ Tư, 07/06/2017 11:34:00 +07:00

Sau gần nửa tháng tranh tài tại Mỹ, “Găng tay chuyển ngữ dành cho người khiếm thính tương thích với điện thoại thông minh” đã xuất sắc vượt qua hàng trăm dự án KHKT cấp quốc tế để “giật” giải tư với ý tưởng sáng tạo, thiết kế đơn giản nhưng độc đáo.

Cầu nối giúp người khiếm thính tự tin giao tiếp

Ngày 4/6, Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân (Học sinh lớp 11 chuyên Lý 1, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) mới có dịp hội ngộ tại Sài Gòn sau nhiều ngày cùng sang Mỹ tham dự kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế. Tân và Đức là “đồng sự” của nhau xuyên suốt cả quá trình lên ý tưởng, chế tạo lẫn việc đưa dự án “vượt vũ môn” sang Mỹ để dự thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế do Intel (Intel ISEF) tổ chức.

Video: Găng tay chuyển ngữ dành cho người khiếm thính tương thích với điện thoại thông minh

Tân hào hứng chia sẻ: “Vì khung giờ ở Việt Nam và Mỹ quá chênh lệch nên những ngày ở nước bạn, chúng em đã khá khổ sở nhưng vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi. Khi được xướng tên trong danh sách những dự án đọat giải, tụi em đã không thể kìm nén được xúc động lẫn tự hào”.

Kể về quá trình từ những ngày đầu tiên chế tạo đến khi đưa dự án ra nước ngoài tranh tài, Minh Đức kể lại, khoảng tháng 5/2016, khi Đức và Tân vẫn còn là những học sinh lớp 10 thì nhà trường phát động cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường. “Lúc đó tụi em mới lớp 10, không đặt nặng chỉ tiêu giật giải mà chỉ tham gia với tinh thần đam mê khoa học, khám phá. Ý tưởng của dự án bắt đầu từ việc chúng em quan sát cách điều khiển những con robot bằng găng tay”.

18721278_1408101609269768_1707313269_o

 Minh Đức và Thiên Tân trong một lần thử nghiệm hoạt động của găng tay.

“Sau đó tụi em liền nghĩ đến sự khó khăn trong giao tiếp của những người không may bị khiếm thính (dị tật câm, điếc). Chúng em liền đặt ra câu hỏi “tại sao không chế tạo một chiếc găng tay để dịch được thủ ngữ của người kém may mắn bị câm, điếc thành văn bản và giọng nói” nhằm hỗ trợ giúp họ giao tiếp tự tin và dễ dàng hơn”.

Nghĩ là làm, Tân và Đức đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu chế tạo, trước hết là thiết kế một đôi găng tay với chất liệu là vải lưới vừa nhẹ nhàng tiện lợi vừa hợp thẩm mỹ. Khi đã xong khâu đầu tiên, cả hai cùng tỉ mẩn khâu một lớp simili (chất liệu giả da) ở mặt ngoài. Trước khi khâu, trên lớp simili đã được gắn hệ thống cảm biến ở vùng 10 ngón tay và 2 mu bàn tay.

ANH_4915 5

 Cận cảnh đôi găng tay giúp người khiếm thính có thể tự tin trò chuyện. 

Đồng thời đôi bạn tiếp tục thiết kế một phần mềm ngay trên chiếc điện thoại thông minh, tương thích và có thể đọc được thông tin phát ra từ đôi găng tay cảm biến.

Tân giải thích cặn kẽ về nguyên lý hoạt động: “Khi người câm điếc sử dụng găng tay, đưa ra các cử chỉ thủ ngữ. Các cảm biến trên ngón tay và mu bàn tay sẽ đọc tín hiệu, gửi thông tin về cho vi mạch xử lý. Sau đó, vi mạch sẽ gửi thông tin về cho điện thoại di động. Phần mềm trên điện thoại sẽ hiện ra chữ và âm thanh tiếng Việt hoặc tiếng Anh tương ứng với cử chỉ tay. Từ đó, người không biết thủ ngữ sẽ hiểu được người câm điếc đang muốn nói điều gì.”

Vinh quang trở về từ Mỹ

Giữa tháng 7, Đức và Tân chính thức bắt đầu chế tạo thiết kế, đến tháng 9/2016 thì cơ bản hoàn thành, lúc này cũng diễn ra cuộc thi cấp trường. Thật bất ngờ, với những tính năng vượt trội và ý nghĩa nhân văn cao cả đã đưa dự án lọt vào tóp chung kết, xuất sắc giành được giải nhất, lọt vào tốp tranh tài ở cấp TP.

18721088_1408101572603105_457056843_o 6

 Để lọt được tóp đầu, Đức và Tân phải luôn nỗ lực để hoàn thiện dự án.

 Đến giữa tháng 1/2017, ở cuộc thi KHKT TP.HCM, thêm một lần nửa dự án trở thành ứng của viên sáng giá “cán đích” ở tốp đầu. Không dừng lại ở đó, tháng 3/2017, Đức và Tân đã vinh dự mang về cho trường giải nhất toàn cuộc trong cuộc thi KH cấp quốc gia, là một trong những dự án vinh dự được chọn tranh tài ở cuộc thi KHKT Quốc tế, tổ chức tại bang California (Mỹ).

Đức mỉm cười nhớ lại: “Khi biết tin được sang Mỹ dự thi, cả 2 đã vô cùng vui mừng, gần như mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền để tiếp tục hoàn thiện và chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi. Cũng như bạn Phạm Huy (THPT TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, vinh quang đoạt giải 3 với dự án “Cánh tay robot giúp người khuyết tật”), tụi em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải xử lý rất nhiều giấy tờ, mất nhiều thời gian thiết kế poster giới thiệu dự án theo đúng yêu cầu chương trình. Nhưng tụi em may mắn hơn Huy vì mọi việc không quá gian nan”.

20170518_103505 7

 Dự án "găng tay dành cho người khiếm thính" được sự chú ý từ nhiều thí sinh quốc tế. 

Hơn nửa tháng ở “trời tây”, Đức, Tân và Huy từ những người xa lạ trở thành những người bạn thân thiết giúp đỡ nhau cố gắng. Tân nhớ lại: “Sang bên đó, Huy là người bạn đầu tiên mà tụi em quen biết rồi chơi thân. Những ngày thi đấu, tụi em tụi em không ngại ngần chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm để ngày mai sẽ làm tốt hơn”.

Tân xúc động kể thêm: “Lúc dự án của tụi em được xướng tên ở giải tư (hạng mục Hệ thống nhúng – phần mềm và phần cứng song song với nhau), tụi em vui mừng, xúc động vô cùng. Đợi mãi không thấy tên Huy, tụi em chợt thấy thất vọng vì nghĩ rằng dự án của Huy đã “rớt tốp”. Thế nhưng khi nghe tên Huy ở giải 3, em và Đức đã ôm lấy nhau, có lẽ niềm vui còn lớn hơn khi nghe tên mình”.

18620682_10158743485265181_3800809481508750997_o 8

 Thời khắc Đức và Tân xúc động được xướng tên ở giải tư. 

Vừa qua Việt Nam có 8 dự án tham dự Intel ISEF 2017, 5 dự án đoạt giải chính thức gồm (1 giải Ba và 4 giải Tư), 3 dự án đoạt giải đặc biệt, kết quả xếp thứ 3 toàn đoàn. Với thành tích giải tư, ngày 24/5, Tân và Đức trở vinh quang trở về từ Mỹ trong sự hân hoan chào đón của mọi người.

“Thương hiệu” đã nổi như cồn nhưng đôi bạn vẫn mỉm cười khiêm tốn: “Tụi em vẫn chưa làm được gì to tát. Tụi em sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thiện dự án, đưa dự án vào thực tiễn giúp vơi bớt những khó khăn trong quá trình giao tiếp của những người không may khiếm thính”.

20170518_094811 9

Minh và Đức bên thầy giáo Võ Mạnh Hùng (người luôn theo sát các em từ lúc hình thành ý tưởng đến những cuộc thi). 

Chia sẻ với PV VTC News, ông Võ Mạnh Hùng (Giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho hay: “Minh Đức và Thiên Tân đều là học sinh chuyên Lý nên các em rất giỏi về cơ và điện. Thêm vào đó, sự say mê sáng tạo khoa học đã giúp các em có những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu và chế tạo găng tay”.

Nói về ý nghĩa thực tiễn của dự án, ông Hùng cho biết: “Hiện tại, đôi Găng tay của các em đã chuyển được một số thủ ngữ sang tiếng Việt và tiếng Anh các em cũng đã thử nghiệm tại trường Hy Vọng I và đã nhận được kết quả khả quan. Tuy nhiên để đưa vào sử dụng thực tế thì cần có những linh kiện tốt hơn và gia công tinh vi hơn. Hy vọng trong tương lai không xa, các em có đủ điều kiện để có thể hoàn thành giấc mơ của mình. Một giấc mơ đầy nhân văn và giàu tình thương”.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn