Doanh nhân gốc Việt nổi danh trên đất Mỹ

Kinh tếThứ Tư, 10/04/2013 06:48:00 +07:00

Làm ngành tài chính, công nghệ, thậm chí là chăm sóc móng tay… nhưng họ đều ghi dấu ấn đậm nét về kinh doanh trên đất Mỹ.

Làm ngành tài chính, công nghệ, thậm chí là chăm sóc móng tay… nhưng họ đều ghi dấu ấn đậm nét về kinh doanh trên đất Mỹ.

Đoàn Trí Trung - "Ngôi sao đang lên" của chip LED

Được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” của lĩnh vực chip LED (chíp điot bán dẫn trong công nghệ thông tin), kỹ sư gốc Việt Đoàn Trí Trung là một trong những người sáng lập công ty Semiled (bang Idaho, Mỹ).

"Ngôi sao đang lên" của lĩnh vực chip LED Đoàn Trí Trung. 

Ông cũng là chủ hoặc đồng chủ sở hữu 250 bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử tại Mỹ.

Công ty chuyên về thiết bị bán dẫn của ông Trung đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) năm 2010 và được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường chip LED.

Công ty của doanh nhân này, ngoài trụ sở ở Mỹ, còn có thêm 2 nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan.

Chính Chu - Tỷ phú phố Wall

Nhân vật này đang nổi tiếng với truyền thông trong nước và thế giới trong những ngày gần đây, khi rộ lên thông tin ông này là người chỉ đạo vụ thâu tóm tập đoàn công nghệ Dell - thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ với giá dự kiến 25 tỷ USD.
Chính Chu được biết đến là người sẽ thâu tóm Dell và là chồng của Hà Phương - em gái ca sĩ Cẩm Ly. 

Chính Chu là giám đốc cấp cao kiêm Chủ tịch công ty tài sản cá nhân của tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone tại Mỹ. Trước khi đầu quân cho Blackstone, Chính Chu làm việc tại bộ phận thu mua và sáp nhập (M&A) của ngân hàng Đầu tư tài chính Salomon Brothers.

Tại thị trường tài chính Mỹ, Chính Chu được gọi với cái tên mỹ miều là “tỷ phú phố Wall” với việc bỏ ra 34,5 triệu USD mua trọn gói các căn hộ tầng 89 và một phần tầng 90 của tòa tháp Trump World Tower của tỷ phú Donald Trump vào năm 2008.

Doanh nhân này cũng khá nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám, điển hình là vụ mua lại thành công tập đoàn Celanese với giá 3,8 tỷ USD với việc thuyết phục thành công Morgan Stanley và Deutsche Bank hậu thuẫn tài chính. Tài sản của ông này, theo tổ chức Celebrity Networth chuyên đánh giá tài sản của giới nhà giàu Mỹ, ước tính không dưới 1 tỷ USD.

Charlie Tôn Quý - "Vua" nails tại Mỹ


Doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails lên tới 450 triệu USD nếu tính trung bình mỗi tháng là 34.000 USD/tiệm. Ông chủ của chuỗi tiệm chăm sóc móng “hái ra tiền” tại Mỹ nói trên là Charlie Tôn Quý - một nhân vật với mái tóc dài bồng bềnh như nghệ sĩ, đã từng xuất hiện trên trang web cá nhân của chuyên gia Alan Phan.
"Nghệ sĩ" của chuỗi nails tại Mỹ: Charlie Tôn Quý. 

Charlie Tôn Quý cũng là người đàm phán được với “người khổng lồ” WalMart của Mỹ để được đặt tiệm nails của mình trong siêu thị, sau 2 năm thuyết phục tập đoàn này. Hơn 1.100 tiệm nails trải dài trên đất Mỹ của doanh nhân này là một con số không nhỏ và với mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm chỉ với công việc chăm sóc, sơn sửa móng tay, móng chân.

Ông Alan Phan - một trong những chuyên gia với phát ngôn gây chú ý của dư luận đánh giá, nếu Regal Nails niêm yết trên sàn chứng khoán, thì cổ phiếu của hãng này sẽ là một trong những bluechip “hot” nhất vì con số doanh thu ấn tượng cũng như yếu tố an toàn là không có nợ.

Bill Nguyễn - Người có duyên bán hàng cho Apple

Khởi nghiệp từ nghề phụ bán xe hơi cũ tại Mỹ, Bill Nguyễn - doanh nhân được Forbes vinh danh là một trong 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ và tập đoàn truyền thông MSNBC bầu chọn “có khả năng thay đổi bộ mặt công nghệ thông tin toàn cầu” - đã thành lập liên tiếp 7 công ty tính đến thời điểm hiện tại.
Bill Nguyễn là một trong những người được Forbes bình chọn nằm trong top 40 doanh nhân dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ. 

Năm 1999, với thương vụ bán lại công ty Onebook giá 850 triệu USD, Bill Nguyễn là cái tên được chú ý. Ông cũng là chủ nhân của một ứng dụng trực tuyến mang tên Lala.com được Apple mua lại với giá hơn 80 triệu USD vào năm 2009, sau đó Apple tích hợp ứng dụng này vào iTunes cho sản phẩm của mình.

Năm ngoái, Apple cũng đã chi ra vài chục triệu USD để mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh do Bill Nguyễn phát triển. Hiện tại, doanh nhân này đang phát triển công ty Seven Networks chuyên cung cấp dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhà mạng.

Trần Đình Trường - Ông chủ khách sạn mê làm từ thiện


Khối tài sản trên 1 tỷ USD khiến cho Trần Đình Trường – ông chủ nhiều khách sạn tại New York (Mỹ) được biết đến như là một trong những doanh nhân gốc Việt giàu có nhất. Ông Trường sinh năm 1932 quê ở Hà Tĩnh, là ông chủ hãng vận tải đường biển Vishipco trong những năm trước 1975 tại TP.HCM. Từ năm 1975, ông sang Mỹ và kinh doanh khách sạn tại New York, Manhattan.
Trần Đình Trường - vị doanh nhân với khối tài sản không dưới 1 tỷ USD và là người thích làm từ thiện. 

Giàu có với khối tài sản lớn từ kinh doanh khách sạn, Trần Đình Trường còn được nhắc đến là doanh nhân “bạo chi” trong những hoạt động từ thiện. Năm 1984, ông bỏ tiền mua 2 máy bay trực thăng khoảng 3,2 triệu USD cho các tổ chức cứu trợ nạn đói tại Ethiopea. Đây cũng là doanh nhân đã tài trợ 2 triệu USD khi Mỹ gặp sự kiện khủng bố hôm 11/9/2001 sau đó được Liên hiệp người Mỹ gốc Á vinh danh năm 2003 vì hành động này.

Trần Đình Trường đã từ trần vào tháng 5/2012 tại Mỹ, song gia đình ông vẫn đang phát triển sự nghiệp do doanh nhân này gây dựng với việc kinh doanh, cho thuê khách sạn tại Mỹ.


Theo infonet

Bình luận
vtcnews.vn