Doanh nghiệp Việt Nam: Bài toán 'thay đổi để tồn tại' trong thời kỳ hội nhập

Kinh tếThứ Ba, 19/01/2016 07:06:00 +07:00

Hội nhập quốc tế, doanh nghiệp cần phải làm gì để tồn tại?

(VTC News) - Đứng trước cánh cửa bước vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi những gì để có thể tồn tại và phát triển?

Đến cuối năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán các hiệp định hội nhập thế hệ mới như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu và gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC).


Đứng trước nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới và phát triển như thế nào để có thể tồn tại, đứng vững và phát triển trên thương trường? Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Đổi mới và phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế”.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội nghị 
Hội nghị có sự tham gia của PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN; TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng nhiều các đồng chí lãnh đạo các bộ ban ngành liên quan và nhiều doanh nghiệp điển hình trong top 100 thương hiệu Việt bền vững.


Tại hội nghị, TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN nhận định, khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đổi mới công nghệ là khâu then chốt và là vấn đề sống còn của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp không chỉ đổi mới máy móc thiết bị mà cần thay đổi hệ thống quản lý, quản trị và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu công nghệ mới.

Trong quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia nằm trong khuôn khổ Chương trình đổi mới KHCN Quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt để tài trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn lực nhà nước có hạn nên chưa thể hỗ trợ cho số lớn các doanh nghiệp, nhưng Bộ cũng sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực, mũi nhọn mà sản phẩm có sức cạnh tranh lớn.
TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN phát biểu tại hội nghị.
TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN phát biểu tại hội nghị. 
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đến 2020, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia có những hợp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong năm 2014-2015, vấn đề cải cách bộ máy nhà nước hướng đến doanh nghiệp thực hiện khá tốt, đã giảm được đáng kể số giờ doanh nghiệp làm thủ tục thuế, giảm các thủ tục hải quan, bảo hiểm, các tỉnh xây dựng được trung tâm hành chính công…

Đã có gần 250 doanh nghiệp được cổ phần hoá trong 2 năm qua, tuy nhiên, phần vốn của tư nhân chỉ chiếm 10%, như vậy “không nên quan tâm đến số lượng mà nên quan tâm đến chất lượng của cổ phần hoá”, ông nhấn mạnh.

Một nền kinh tế thực sự phát triển thì phải lấy doanh nghiệp tư nhân là nền tảng, các tập đoàn tư nhân là trụ cột phát triển. Vì vậy, cần để khu vực tư nhân nắm giữ phần lớn vốn chủ sở hữu khi thực hiện tái cơ cấu để họ có thể tự chủ điều hành và quản lý doanh nghiệp, đồng thời rút được nguồn vốn về cho nhà nước một cách hiệu quả, ông khẳng định.

Trong tình hình hiện nay, một vấn để đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp đó là, cần hạn chế tối đa sự lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc vì nền kinh tế Trung Quốc đang được dự báo có nhiều vấn đề bất ổn nghiêm trọng, tình trạng nợ và nợ xấu tăng nhanh.

Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khi hội nhập, các rào cản thuế quan được loại bỏ, vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đó là các rào cản phi thuế quan: rào cản về kỹ thuật, về lao động, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Sản phẩm của doanh nghiệp cần có năng lực cạnh tranh lớn về thiết kế sản phẩm, công nghệ, quản lý chất lượng, đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu của thị trường để có khả năng kết nối mạnh mẽ với thị trường trong nước và nước ngoài. Sản phẩm phải đảm bảo những quy chuẩn kỹ thuật mang tính bắt buộc, những tiêu chuẩn quốc gia và các thủ tục đánh giá sự phù hợp như giám định, chứng nhận…Các rào cản này là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp khi Việt Nam tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, yếu tố vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đó là vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong một báo cáo đặc biệt của Văn phòng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 02 năm liên tiếp (2014-2015) Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới cần ưu tiên theo dõi về tình trạng xâm phạm quyền SHTT. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ gặp những khó khăn về SHTT trong giao dịch thương mại quốc tế, PGS.TS Trần Văn Hải, trường ĐH KHXH&NV cho hay.

Về phía các doanh nghiệp, những cầu thủ chính trong sân chơi hội nhập, đã đưa ra nhiều ý kiến có giá trị, sát thực khiến những nhà làm chính sách cần phải suy nghĩ và xem xét về các giải pháp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty DonaTechno chia sẻ, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh giống, dinh dưỡng và thuốc bảo vệ cây trồng, với những trải trong nhiều năm, công ty nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của KHCN trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy trong thời gian tới, công ty sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ, có chiều sâu cho hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo ông, việc bảo vệ và phát triển thương hiệu bền vững trong thời kỳ hội nhập là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Bản thân công ty đã gặp không ít khó khăn thách thức vì vấn đề sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu trái cây DONA của công ty. Vấn đề này cần được các bộ, ngành trung ương và các cơ quan chức năng có những chính sách và hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đề nghị.

Ông Bùi Doãn Toản, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT TEDI nhấn mạnh: Văn hoá doanh nghiệp cũng là vấn đề cốt yếu, khi mà nước ngoài đổ bộ vào thị trường trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn tỏ ra hạn chế về nhiều mặt như: Ngoại ngữ, trình độ năng lực, ứng dụng công nghệ…Vậy thì chỉ có môi trường Văn hoá doanh nghiệp gắn bó, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mới có thể giữ chân người lao động, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, đứng vững trong thương trường đầy khắc nghiệt này.

TS Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT Doanh nghiệp KHCN Ngân Hà cho biết, hiện doanh nghiệp đã có tới 300 sáng chế được bảo hộ Sở hữu trí tuệ (SHTT) trên 55 quốc gia, doanh nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa trên SHTT. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng doanh nghiệp rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các đại sứ quán, đại diện thương mại, đại diện KHCN của Việt Nam ở nước ngoài giúp đỡ, để sản phẩm KHCN được chuyển giao sâu rộng hơn trên thị trường quốc tế, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước, nếu chỉ dựa vào sức lực đơn lẻ của doanh nghiệp thì quá vất vả, không thể phát triển nhanh và mạnh mẽ được.

Bên cạnh các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bảo hộ quyền SHTT được đưa ra thảo luận khá chi tiết tại hội nghị, vấn đề tổ chức vinh danh doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách khách quan, công tâm, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là các Doanh nghiệp KHCN có sản phẩm hàm lượng chất xám cao, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, và rất cần Bộ KHCN tham gia vào Ban giám khảo cho các giải thưởng liên quan đến công nghệ này, bà Loan nói.

Trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp và nhà khoa học đã nêu lên khá nhiều vấn đề nổi cộm, cần được trao đổi, bàn luận và giải quyết. Thời gian tới, việc tổ chức các hội nghị theo hình thức này cần được thực hiện nhiều hơn và mở rộng thêm thành phần khách mời, để việc làm chính sách được gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp, giúp tiến trình hội nhập của Việt Nam vào Thế giới được rút ngắn và đi đúng hướng.

Mai Lan
Bình luận
vtcnews.vn