Doanh nghiệp tự biến mình thành 'nguồn cung' cho nạn tham nhũng

Kinh tếThứ Ba, 29/12/2015 02:18:00 +07:00

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư kí VCCI khẳng định tham nhũng có cung và cầu, doanh nghiệp chính là "nguồn cung".

(VTC News) - Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư kí VCCI khẳng định tham nhũng có cung và cầu, doanh nghiệp chính là "nguồn cung".

Bao giờ doanh nghiệp Việt nói không với tham nhũng vẫn là một câu hỏi lớn? Mảnh đất "nuôi dưỡng" tham nhũng có phải chính là cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư kí VCCI khẳng định tham nhũng có cung và cầu, doanh nghiệp chính là "nguồn cung". Nếu doanh nghiệp liên kết với nhau nói không với tham nhũng, liêm chính được dần mạnh lên sẽ đẩy lùi tham nhũng.
 
Ông Florian Beranek (đứng phát biểu), Chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm Xã hội của UNIDO phân tích về tham nhũng trong doanh nghiệp
Đây là việc khó khăn nhưng cần sự nỗ lực cố gắng của doanh nghiệp. VCCI đã hợp tác với các chương trình sáng kiến chống tham nhũng của các nước để có những cách làm tốt như Malaysia, Philiphines.

Ông Vinh cũng cho hay, Thủ tướng Anh trong dịp sang Việt Nam trong năm 2015 đã dành 2 tiếng hội thảo với doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong tham gia chống tham nhũng.

Doanh nghiệp Việt nhận thức đầy đủ về liêm chính nhưng thực tế vẫn phải đi cửa sau để thuận lợi trong kinh doanh. “Có doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh nói với tôi là nếu lên tiếng nói về tham nhũng thì ngay hôm sau doanh nghiệp họ sẽ bị cắt điện, nước, hàng hóa khó thông biên và gặp khó khăn trong kinh doanh”, ông Vinh kể câu chuyện doanh nghiệp còn e ngại trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

VCCI đã tiến hành khảo sát 180 doanh nghiệp ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh gồm các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm, da giày, dệt may, công nghiệp lắp ráp, điện - điện tử, ngân hàng. Kết quả cho thấy 55% doanh nghiệp có nhận thức, hiểu rõ về liêm chính và đồng ý cho rằng liêm chính tạo ra rào cản với nạn tham nhũng.

Hơn 92% doanh nghiệp hiểu biết về quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhưng chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính.

Đáng chú ý còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định mua sắm - đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nại, tố cáo. Số các doanh nghiệp triển khai các quy định như kiểm soát nội bộ, tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, chế độ đãi ngộ, tiếp khách chiếm 50%.

Theo ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm Xã hội của UNIDO, hiện nay tổn thất do tham nhũng trong môi trường kinh doanh hay trong nội bộ doanh nghiệp vẫn còn bị đánh giá thấp.

Đối với doanh nghiệp, tham nhũng không chỉ là đưa tay nhận hối lộ mà còn bao gồm thiếu tính minh bạch trong tuyển dụng, không cung cấp thông tin tới người lao động hay các hành vi khác.

Hiện tượng tham nhũng phổ biến đang có dấu hiệu ngày một gia tăng là hiện tượng gian lận ngay trong nội bộ công ty, từ việc ăn chia, hối lộ giữa công ty mẹ và công ty con, các cấp quản lý sử dụng tài sản chung vào mục đích cá nhân, đến việc người đứng đầu bố trí người thân tín vào các vị trí quan trọng...

Vị chuyên gia từ UNIDO khuyến nghị, đừng nghĩ chống tham nhũng là điều gì xa xôi, khó thực hiện, doanh nghiệp có thể bắt đầu hành động ngay từ ngày mai bằng cách đơn giản là trung thực và công khai trong hoạt động. Đây cũng là một trong bốn nội dung mà Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp quốc luôn khuyến khích doanh nghiệp tuân theo.



Thái Anh

Bình luận
vtcnews.vn