Doanh nghiệp taxi tại Hà Nội lo không được tự chủ

Kinh tếThứ Năm, 21/09/2017 15:15:00 +07:00

Với việc đấu giá quyền khai thác kinh doanh vận tải bằng taxi trên địa bàn Hà Nội, nhiều doanh nghiệp taxi lo ngại rằng, quy định này sẽ đẩy họ vào thế bị động.

Nhằm hạn chế những bất cập trong hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn Thành phố, mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn, tiến tới ban hành quy chế này vào năm 2018.

Điểm đáng chú ý và gây tranh cãi trong Dự thảo là vấn đề đấu giá quyền khai thác kinh doanh vận tải bằng taxi. Theo đó, số lượng taxi thay thế, hoặc tăng thêm hàng năm của doanh nghiệp được xác định bằng hình thức đấu giá công khai.

UBND Thành phố sẽ quy định trình tự, thủ tục và điều kiện về việc đấu giá quyền khai thác dịch vụ taxi. Trên cơ sở kết quả đấu giá, Sở Giao thông Vận tải tổ chức cấp phù hiệu cho đơn vị kinh doanh và các đơn vị trúng đấu giá được quyền khai thác vĩnh viễn và chuyển nhượng khi không có nhu cầu.

doanh-nghiep-taxi-tai-ha-noi-lo-khong-duoc-tu-chu1505880362_osvw

Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, ban hành Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố vào năm 2018 .

Trong văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Dự thảo đưa ra khái niệm quyền khai thác kinh doanh taxi, nhưng chưa rõ ràng, chưa xác định thuộc tính để đảm bảo tính hợp pháp của Quy chế.

Theo đó, việc đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với xe taxi vô hình trung đẩy doanh nghiệp vào thế bị động và có thể khiến doanh nghiệp phá sản.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có hơn 19.000 xe taxi thuộc quản lý của 77 doanh nghiệp.

Theo quy định mới, thay vì được tự chủ kinh doanh, các doanh nghiệp này phải đấu giá mua lại quyền khai thác kinh doanh của chính chiếc xe doanh nghiệp vừa thanh lý. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp.

“Việc đấu giá sẽ làm số lượng xe của doanh nghiệp không ổn định, không biết doanh nghiệp tồn tại hay không, vì phụ thuộc vào kết quả đấu giá mua quyền khai thác kinh doanh, gây nên tình trạng bất an, lúc thừa lúc thiếu, lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. Nói cách khác, doanh nghiệp bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh”, ông Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Công ty Taxi Ba Sao nhận định, nếu không trúng thầu, xe bị bỏ đi, doanh nghiệp taxi có thể bị phá sản. “Với những doanh nghiệp đã ổn định lượng xe thì không nên kiểm soát việc thay đổi xe. Nhà nước chỉ nên đấu giá các xe tăng thêm so với đề án quy hoạch”, ông Huy đề xuất.

Video: Chương trình khuyến mại của Uber khiến khách hàng nổi đóa

Trước những luồng ý kiến trái chiều, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội cho rằng, những lo lắng của các tổ chức, cá nhân có thể xuất phát từ việc chưa hiểu rõ bản chất các quy định được xây dựng trong Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.

“Các hãng taxi cho rằng, họ bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh khi đấu giá. Thế nhưng, cơ chế đưa ra của Sở Giao thông Vận tải rất linh hoạt và khi đấu giá xong, doanh nghiệp vẫn có thể chuyển nhượng xe cho nhau”, ông Quang cho biết.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, toàn bộ ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho Dự thảo đã được Sở tổng hợp, trình lãnh đạo UBND Thành phố nghiên cứu, quyết định.

(Nguồn: BizLIVE.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn