Doanh nghiệp “kêu” vốn khó, Bộ “bảo” không thiếu vốn

Kinh tếThứ Ba, 05/04/2011 10:25:00 +07:00

(VTC News) - Tại Hội nghị giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2011 ngày 5/4 do Bộ Công Thương tổ chức, thiếu vốn là bài ca mà các DN “đồng thanh” than khó.

(VTC News) - Tại Hội nghị giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2011 ngày 5/4 do Bộ Công Thương tổ chức, thiếu vốn là bài ca mà các DN “đồng thanh” than khó. Tuy nhiên, đại diện các bộ ngành đều khẳng định không thiếu vốn cho các DN.

Doanh nghiệp khó vay vốn


Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch hiệp hội Điều Việt Nam, tổng nhu cầu vốn của ngành năm 2011 khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện các DN tự cân đối từ 5-6.000 tỷ đồng còn lại chủ yếu vay ở ngân hàng. Các DN ngành điều rất ít vốn nhưng trong quý I mới chỉ tiếp cận được 10% trên tổng nhu cầu hiện nay. Trong tháng 2 và 3 vừa qua, với mức lãi suất cao các DN tận dụng vốn tự có để thu mua, chế biến, XK nhưng vốn này rất hạn hẹp chỉ khoảng 10-15% so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam lại cho rằng, khó khăn này không phải tạo ra bởi các chính sách mà là do việc thực hiện không đến đâu.  
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến đồ gỗ TP.Hồ Chí Minh nêu lên một thực trạng đang diễn ra trong một số DN đồ gỗ tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là, thiếu vốn mua nguyên liệu nên DN đành chấp nhận đứng nhìn đơn hàng bị rơi vào tay một đối thủ Malaysia. “Quý I-2011, mức tăng của ngành gỗ chỉ 9,2%, nhưng so với tốc độ 20-30% của các năm trước thì đây là mức tăng đáng báo động vì nguyên liệu đầu vào đều tăng. Do vậy, đến cuối năm 2011 kết quả còn tệ hơn”, ông Mạnh nói.


Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu, kiêm phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê cũng phản ánh, vì thiếu vốn nên các công ty XK cà phê của nước ta khi thu mua cà phê trong dân phải “chạy sau” các công ty có vốn nước ngoài. Đến khi mua được hàng để xuất thì các công ty có vốn nước ngoài đã bán xong hết nên thị trường rớt giá.

“Trong 1 tỷ USD thu về từ xuất khẩu cà phê trong quý I thì tiền chủ yếu nằm trong túi các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chứ doanh nghiệp của ta chả được bao nhiêu”,  ông Nam cho biết.


Mặc dù đã nghe rất nhiều chính sách về ưu tiên vốn của ngân hàng đối với các DN sản xuất XK nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam lại cho rằng, khó khăn này không phải tạo ra bởi các chính sách mà là do việc thực hiện không đến đâu.

Ông Dũng cho biết thêm: “Trên thực tế, các DN thủy sản đang đứng thứ hạng bét trong tiếp cận vốn, dù chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vay lãi cao”.


Có vốn nhưng khó vay

Giải đáp những vướng mắc của DN, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước luôn tập trung ưu tiên cho vay đối với các DN vừa và nhỏ, DN XK cũng như cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng giảm đối với khu vực phi sản xuất. Bà Hạnh khẳng định:, ngân hàng luôn bảo đảm vốn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng cho biết: “Nhiều DN nói khó vay nhưng tôi điều hành tổ XK gạo, tôi chứng kiến nhiều ngân hàng đến tận nơi mời các DN XK gạo vào vay.

Hiện nay các ngân hàng có đủ vốn, nhiều ngân hàng còn đang đi tìm khách hàng để cho vay đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có độ tin cậy cao như gạo để có nguồn ngoại tệ ổn định”.


Cũng theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, có hai trường phái trong tiếp cận vốn vay ngân hàng là dễ và khó, tùy thuộc vào tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên  trao đổi trong Hội nghị
“Một trong những điều kiện để cho vay là phải có phương án kinh doanh cụ thể, có hiệu quả. Ngân hàng cho vay khi DN đảm bảo khả năng trả nợ”, bà Hạnh lý giải.

Bên cạnh đó, theo bà Hạnh các hiệp hội, DN cần triển khai sớm Quỹ bảo hiểm XK khi đó sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng xem xét đảm bảo tiền vay.


Ông Trần Phú Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cũng thừa nhận: “Nếu đi vay không có tài sản đảm bảo thì rất khó tiếp cận vì ngân hàng đang phát sinh một số vấn đề xử lí nợ. Ngoài ra, thế chấp cho vay tối thiểu cũng chỉ 15% và đối với các khách hàng có uy tín”.

Tuy nhiên, ông Minh khẳng định chỉ đạo của Chính phủ là vẫn tăng hạn mức cho các khách hàng có tín nhiệm và có nhiều khả năng XKxuất khẩu với lãi suất ưu đãi cho thu mua nguyên liệu xuất khẩu chỉ hơn 11,4%.

“Cụ thể, doanh số cho vay xuất khẩu dự kiến năm 2011 của VDB khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2010. Trong đó tập trung ưu tiên cho các DN XK thủy sản (20-30%), cà phê, hạt điều, rau quả”, ông Minh nói.


Nói về giải pháp cho việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên ch
o rằng, sự phối hợp của Hiệp hội, ngành hàng với các cơ quan chức năng là rất cần thiết trong việc tiếp cận vốn cho các DN.

“Hiệp hội lương thực Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cung cấp danh sách các DN có nhu cầu về vốn thu mua lúa gạo XK, tạm trữ. Trên cơ sở danh sách đã có kèm theo ý kiến của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước gửi danh sách đó cho các ngân hàng quốc doanh, thương mại. Khi đó, ngân hàng quốc doanh, thương mại yên tâm cho các DN này vay vốn so với các DN không có trong danh sách”, Thứ trưởng lấy ví dụ .

Huyền Cầm


Bình luận
vtcnews.vn