Đoạn kết của đại ca khét tiếng ở vùng đá đỏ Nghệ An

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/03/2014 11:30:00 +07:00

Từng tung hoành ngang dọc không hề sợ ai, thế nhưng cuối cùng đại ca Phong "trọc" chết trong nghèo túng và bạo bệnh.

Ngược Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) lần này, tôi dừng chân bên ngã ba Trại Bò. Đây là địa danh mà thời đá đỏ ai qua đây cũng phải khiếp đảm. Mảnh đất này là nơi tụ hội những đại ca đầu gấu từ Đồi Tỷ, Đồi Triệu trở về để hút hít ăn mừng chiến thắng.


Kỳ cuối: Đoạn kết của đại ca


Anh Khích, một đại ca thời đá đỏ, nay là chủ cửa hiệu kinh doanh vàng bạc và đá quý ở Phủ Qùy đi cùng tôi lên Quỳ Châu, bảo: Trước vụ sập hầm ở Đồi Tỷ đã có nhiều đầu gấu từ Hưng Nguyên, Đô Lương, TP. Vinh (Nghệ An) đến đây xưng hùng xưng bá. Lại có nhóm mới được ra tù đã tụ hội đến đây đòi phân chia lãnh địa đào đãi đá. Cũng từ đây những cuộc huyết chiến đẫm máu đã xảy ra rất khốc liệt.

Đồi Tỷ, Đồi Triệu khi đó ngày nào cũng có người chết vì sập hầm, chết vì chém giết. Tuy nhiên, những cái chết đầy oan khuất ấy không có ai dám báo với công an. Và, giữa lúc các thế lực côn đồ đang tác oai tác quái trên cả vùng đá đỏ thì bỗng dưng xuất hiện hai nhân vật, vừa mới được ra tù tới đây. Một từ Trại Bò đến (sau này mới biết tên là Phong "trọc"), một từ TP. Vinh lên.

Một lần khi đi qua Đồi Tỷ, hai nhân vật lạ mặt này thấy có một nhóm người đang cởi trần cười hả hê ăn nhậu, kế bên là cảnh một cô gái đang tựa lưng vào thân cây để phục vụ kẻ mua dâm. Thấy ngứa mắt, Phong "trọc" liếc mắt qua kẻ đồng hành.

Ngã ba Trại Bò, thời đá đỏ ai qua đây cũng phải khiếp đảm 

Tuân lệnh đại ca, thuộc hạ liền tiến tới túm cổ kẻ đồi bại dập đầu ba phát vào thân cây và hỏi cô gái: Nó trả cho cô bao nhiêu tiền? Cô gái kéo vội quần lên, xanh mặt đáp: Dạ, họ hứa sẽ trả cho em 50 nghìn đồng một lượt! Nghe vậy, Phong "trọc" liền tiến tới rút túi đưa cho cô gái 500 nghìn đồng rồi quắc mắt: Biến khỏi vùng này ngay!

Cùng lúc, nhóm ăn nhậu vơ vội giáo mác ào lên nghênh chiến. Tuy nhiên, chỉ trong chốc lát cả bọn đã phải cúi lạy Phong xin tha cho tội chết, lại còn phải tự nguyện cống nạp thêm mấy viên đá đỏ. Phong tuyên bố: Từ nay nếu gặp Phong "trọc" này thì phải cúi lạy từ xa, nghe chưa?

Một lần khác, trong đêm 21/4/1991, Phong rủ thêm ba đệ tử đi theo và bảo: Làng bên kia Đồi Triệu hôm nay có mấy cô gái rất xinh đẹp từ đất Bắc đến đó ở trọ để đi đào đá đỏ. Khi cả nhóm của Phong "trọc" đến thì đã thấy mấy thanh niên đang tán tỉnh một cô gái. Không thấy ai mời chào Phong cả; tức khí, hắn ta liền nháy mắt cho một đệ tử rồi ném cái nhìn về phía một thanh niên đang cầm tay cô gái.

Nhận được lệnh, gã đệ tử của Phong tiến lại túm tóc vật ngửa chàng thanh niên ra rồi hất hàm hỏi: Mi ở mô đến đây mà láo xược vậy? Chàng thanh niên chắp tay lạy, nhưng vẫn bị nhóm của Phong lục soát lấy đi một viên đá đỏ. Không dừng lại ở đó, chàng thanh niên này còn bị nhóm của Phong trói lại, lột áo, rồi dùng túi ni lông đốt cháy nhỏ từng dòng xuống lưng. Mờ sáng hôm sau cả nhóm trai gái ở trọ tại đây đều phải bắt xe ca trở về đất Bắc.

Hai tháng sau, vào một buổi chiều tối, khi Phong và đệ tử tên là Đứa "đầu bò" đang uống rượu ở mé rừng Đồi Tỷ thì bất chợt thấy có hai bóng đen đi tới. Đứa liền nhảy ra chặn lại và bảo: Đá đỏ ở mô, đưa đây, nếu không là tịt đường về quê mẹ!

Nghe vậy, cô gái cúi rạp lưng xuống trả lời: Dạ, bố em đang lên cơn sốt rét nên em phải dìu bố ra khỏi rừng, chứ không hề có đá đỏ. Liền kề bên cô gái, một ông già đang ôm ngực ho khù khụ van xin.

Tuy vậy, Đứa "đầu bò" vẫn rọi đèn pin vào mặt cô gái và lục soát, sờ nắn khắp thân thể. Ông già ôm chân Phong khóc lóc van xin nhưng đã bị hắn hất một cái té vào bụi rậm. Đoạn hắn cầm đèn pin tiến lại bên cô gái quét một lượt từ chân lên đến đầu.

Thấy cô gái vẫn cúi lỳ xuống đất, Phong liền đưa lưỡi dao nhọn luồn từ cổ xuống cắt phăng hàng cúc áo. Ông già lại trườn lên ôm lấy chân Phong nhưng đã bị Đứa "đầu bò" kéo ra trói lại dưới gốc cây.

Di ảnh Vi Văn Phong 

Và, mặc cho cô gái kêu khóc thảm thiết nhưng Phong và Đứa đã thay nhau hãm hiếp. Nhìn cảnh con gái mình bị lột trần hãm hiếp, ông già chỉ biết khóc gào lên không thành tiếng. Mãi cho tới lúc hai con quỷ dữ bỏ đi, hai cha con ông già kia mới biết mình chưa chết.

Chuyện kinh hoàng nghe kể lại ở Trại Bò chưa hết, một lão nông tiến lại bên bàn trà của chúng tôi bảo: Thôi đi các anh ạ, Phong "trọc" bây giờ đã mồ yên mả đẹp, chuyện xấu của anh ta cũng đã bị pháp luật nghiêm trị rồi, bây giờ nhắc lại chỉ là để làm bài học cho những kẻ còn có máu ngông nghênh.

Tôi hỏi Vi Văn Phong (Phong "trọc") ngày ấy là bá vương, thống soái hết tất cả các băng đảng ở vùng đá đỏ để cướp bóc, trấn lột, vậy bây giờ vợ con anh ta có còn của ăn của để? Nghe vậy, lão nông bảo: Bây giờ tôi đưa anh vào nhà Phong thì biết rõ.
Căn nhà của vợ chồng Vi Văn Phong - Hà Thị Thủy cũng ở khu vực trung tâm Trại Bò, nhưng nằm ẩn nấp sau dãy hai của mặt tiền quốc lộ 48. Ngôi nhà nhỏ đìu hiu, rêu phong phủ hết cả bức tường phía trước.

Thấy khe cửa khép hờ, lão nông đi cùng tôi gọi: Cô Thủy ơi, cô Thủy. Không có ai trả lời, nhưng nhìn qua khe cửa, tôi thấy ti vi vẫn nói và phía trên giường có một bé gái đang trùm chăn. Bé gái bảo: Không có ai ở nhà cả mô.

Nghe vậy nhưng lão nông vẫn kéo tay tôi bước vào. Ngắm nhìn lên nóc tủ, lão nông khẽ nói: Đấy là di ảnh của Phong. Thời đá đỏ anh ta tung hoành ngang dọc vậy, chứ vợ con vẫn cứ nghèo rớt mùng tơi.

Căn nhà của vợ chồng Vi Văn Phong 

Ngày ấy, Phong là người ngang tàng và rất phóng khoáng, hễ cứ có đồng nào là mời bạn bè hút hít, gái gú và ăn nhậu hết. Trước đây, vợ chồng Phong sinh được hai người con, một trai một gái. Sau khi ra tù vì gây tội ở vùng đá đỏ, vợ chồng Phong lại sinh thêm hai con gái nữa và rất chí thú làm ăn. Ngày mới ra tù, nhìn bề ngoài ai cũng thấy Phong rất to khỏe, nhưng có lẽ do bị bọn tù đánh hiểm, nên bị bệnh tật hành hạ liên miên.

Vợ Phong là Hà Thị Thủy làm không đủ ăn, lại phải đi vay mượn tiền khắp nơi để thuốc thang chăm sóc chồng, vậy nên gia cảnh lúc nào cũng thiếu thốn. Cách đây ba năm Phong đã qua đời trong một cơn bạo bệnh, để lại cho cô vợ một mình bươn chải khắp nơi làm thuê nuôi con ăn học.

Nghe chúng tôi trò chuyện, cô bé xếp vội tấm chăn rồi bảo: Cháu tên là Lâm, năm nay 8 tuổi, hiện đang học lớp 4, chị kề cháu là Mây đang đi học lớp 7, còn anh Tân và chị Tâm thì đã đi làm ở trong miền Nam.

Hỏi, thế ngày trước bố Phong có hay mắng nạt mẹ và các con không? Cô bé trả lời rất gãy gọn: Mẹ và các anh chị kể lúc nào bố cũng rất hiền. Lại còn bế cháu đi mua sách vở rồi đưa cháu tới trường học cùng các bạn.

Vì nóc tủ quá cao, hương khói lại không còn nên tôi chỉ lặng lẽ xin cháu bé chụp bức di ảnh. Lão nông đi cùng tôi lại bảo: Ngày trước Phong có rất nhiều đệ tử ruột, chỉ đâu đánh đó, ăn nhậu tưng bừng, lại còn được chia đá đỏ và tiền để mang về nuôi vợ con. Thế nhưng kể từ ngày Phong mất, dân làng không hề thấy bóng dáng một người ngoài nào đến đây để thắp hương. Nghĩ mà thương cho một kiếp người đã đi qua trên con đường lạc lối!
Chủ tịch UBND xã Châu Bình Kim Văn Duyên cho hay, phải mất một thời gian dài với sự nỗ lực rất quyết liệt của các cơ quan chức năng, Châu Bình mới trở lại sự yên bình trong hoang vắng. Theo thống kê của xã, sau khi đuổi hết lực lượng đào đá đỏ thì riêng ở Đồi Tỷ, Đồi Triệu, Đồi Nứa đã có 600 ha rừng tan hoang, y như bom B52 rải thảm.

Bây giờ, lên Kẻ Khoang, Đồi Triệu, Đồi Tỷ, Bình Bung…, cảnh quan đã thay đổi nhiều. Phần đất bị phá do đào đá đỏ ngày ấy, xã đã giao cho dân trồng hết bằng cây keo lai. Châu Bình đang đứng đầu toàn huyện về mức thu nhập, với 16 triệu đồng/người/năm.


TheoHồ Quang (Nông nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn