Đỡ đẻ ngược đêm giao thừa, cứu người băng huyết cận Tết

Sức khỏeThứ Năm, 18/02/2010 11:10:00 +07:00

(VTC News) - Ca đẻ khó đêm giao thừa khiến các bác sĩ cân nhắc mãi đẻ thường hay mổ đẻ; một sản phụ bị băng huyết ở Ninh Bình được cứu chữa kịp thời...

(VTC News) - Ca đẻ khó đêm giao thừa khiến các bác sĩ cân nhắc mãi đẻ thường hay mổ đẻ; một sản phụ bị băng huyết ở Ninh Bình được cứu chữa kịp thời... Những ngày Tết, hầu hết mọi người nghỉ ngơi và đi chơi, nhưng Bệnh viện Phụ sản Trung ương không có ngày nghỉ. 

"Khai xuân" bằng một ca đẻ ngược

32 năm làm nghề y, tham gia đỡ đẻ các ca khó, ca sinh mổ nhưng có lẽ ca đỡ đẻ đêm giao thừa cách đây mấy năm là kỷ niệm in đậm nhất trong tâm trí bác sĩ Lê Thị Tuyết Minh, nguyên Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Mẹ tròn con vuông luôn là mong ước của mọi bác sĩ sản khoa. Ảnh ttol.

"Năm đó tôi trực với GS, viện trưởng Dương Thị Cương. Đúng vào lúc 23h đêm thì một thai phụ chuyển dạ đẻ con so ngôi ngược. Trong thời điểm giáp ranh năm cũ, năm mới, đỡ đẻ ngôi ngược chúng tôi rất ngại. Nhiều lúc chả biết đầu em bé có ra trót lọt hay không? Đẻ ngôi ngược là mông ra trước, đầu ra sau. Chỉ chậm một chút thôi em bé sẽ gặp nguy hiểm như ngạt thở hoặc phải dùng thủ thuật để lấy đầu ra. Hơn nữa, đây là thai phụ đẻ con lần đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm phối hợp với bác sĩ", BS Minh nhớ lại cảm giác hồi hộp lúc đó.

Nhiều năm trong nghề, chuyên đỡ đẻ những ca khó, nhưng trước ca này BS Minh rất phân vân. Nếu mổ đẻ, gia đình bệnh nhân sẽ phải ở trong viện ít nhất 5 đến 7 ngày. Mà dịp tết, mọi sinh hoạt cho người nhà (vốn không phải là người Hà Nội) sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Còn để đẻ thường, với đứa con 2,8kg là có thể thành công tới 95%, kể cả ngôi ngược, nhưng cần sự quyết tâm và phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ và thai phụ.

"Sau đó, chúng tôi đã nói chuyện với chồng và cả thai phụ về những băn khoăn đó của các bác sĩ. Tuy nhiên, cả hai đều bảo: Các chị muốn làm gì thì làm, miễn là vợ con khoẻ mạnh, an toàn. Lúc đó, để cẩn thận hơn, chúng tôi mời Viện trưởng Dương Thị Cương xuống để hội chẩn. Và cả hội đồng chuyên môn quyết định đẻ thường và động viên tinh thần rất lớn cho thai phụ" - BS Minh kể lại.

Với 5% rủi ro có thể có với ca đỡ đẻ này, các bác sĩ đã phải thông báo cho gia đình đồng thời cần sự thông cảm và thấu hiểu cho sự khó khăn của kíp trực. Nếu thai phụ quyết tâm, nghe lời bác sĩ thì thành công là rất lớn. Nhưng nếu thai phụ nhõng nhẽo thì không chỉ có con mà mẹ cũng gặp nguy hiểm. Do vậy, khâu chuẩn bị tâm lý là rất quan trọng trong thời khắc chuyển giao năm mới này.

Sau khi được sự đồng ý đẻ thường của thai phụ, cuối cùng ca đẻ này cũng mẹ tròn con vuông. Cả tua trực rất mừng. Vì nếu không trót lọt thì sẽ là dớp không tốt của bệnh viện thì sao? Cho dù bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm thì việc "khai xuân" cho mỗi một năm mới luôn là trọng trách của cả tua trực trong đêm giao thừa.

Nhiều năm trực tết, BS Minh nhận thấy, thời khắc giao thừa theo dương lịch thường được các gia đình chú ý hơn vì nó quyết định tuổi của đứa con vì sau này công việc, học tập ít nhiều có ảnh hưởng. Còn ít khi gia đình đề nghị mổ đẻ để đón thời khắc giao thừa âm lịch vì đây là năm cùng tháng tận, ai cũng muốn sum vầy với gia đình. Nếu lỡ chuyển dạ, phần lớn đều mong chuyển sang năm mới để mong một năm mới tốt lành.

Chính vì quan niệm năm mới tốt lành của nhiều gia đình nên với các bác sĩ đỡ đẻ trong tua trực đêm giao thừa âm lịch cũng như của cả bệnh viện phụ sản, áp lực cũng lớn hơn chút đỉnh. Rất nhiều người lo lắng về việc chểnh mảng của bác sĩ ngày tết, lực lượng mỏng ảnh hưởng đến cú vượt cạn của sản phụ nhưng điều này hoàn toàn ngược lại. Các kíp trực ngày tết của Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn đầy đủ nhất, đầy đủ cấp bậc bác sĩ, từ lãnh đạo viện đến bác sĩ có kinh nghiệm, nữ hộ sinh, kíp mổ... để đảm bảo các ca đẻ khó trong bệnh viện, từ tuyến dưới chuyển lên đều được xử trí kịp thời, không phải điều động bác sĩ khác đến.

Đi hơn 100km/h để cứu một sản phụ bị băng huyết

5h sáng ngày 26 tháng Chạp năm 2008, BS Lê Hoài Chương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận được điện thoại xin "chi viện" của các bác sĩ Bệnh viện tỉnh Ninh Bình về một trường hợp sản phụ bị băng huyết sau khi đẻ. Bệnh nhân mang thai lần 2, con to 3,8kg nên khi đẻ xong, tử cung bị đờ, các mạch máu không thể co lại dẫn tới băng huyết, chảy máu không ngừng. Bệnh nhân có thể tử vong sau 10 đến 15 phút tuỳ vào mức độ chảy máu. Trong khi đó, chặng đường từ Hà Nội về tới Nho Quan, Ninh Bình dài hơn 110km, đường xá nhộn nhạo vì người về tết đông. Phải mất ít nhất 2 giờ may ra mới có thể tới được nơi sản phụ cấp cứu. Tuy vậy, đúng 1 tiếng sau, Bệnh viện Phụ sản TW vẫn thành lập một đoàn cấp cứu gồm 5 người chạy về Ninh Bình.

"Trên xe cấp cứu, điện thoại của tôi thường xuyên trong tình trạng "nóng máy" vì hướng dẫn các bác sĩ ở đó các cách cầm máu có thể có, phải mổ lại và thắt các động mạch lớn. Đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử, chặng đường dài hơn 100km nhưng chúng tôi chỉ đi có mất 1 giờ. Đến nơi, chúng tôi bắt tay vào thăm khám, kiểm tra tất cả các nguy cơ có thể xảy ra với bệnh nhân này. Sau 3 tiếng đồng hồ, bệnh nhân tạm thời ổn định, cầm máu và chúng tôi chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương".

"Sáng mồng 1 tết hôm đó, khi tôi đang đi trên sân bệnh viện thì có một người đàn ông tới cảm ơn. Đó là người chồng của sản phụ trên. Anh ấy đến cảm ơn vì chúng tôi đã cứu được cả vợ lẫn con của anh ấy. Đó là món quà lớn nhất của các bác sĩ như chúng tôi nhận được trong những ngày tết bận rộn", BS Chương mỉm cười khi nhớ lại buổi sáng mồng 1 an lành ấy. Vì đây là bệnh nhân nghèo nên Bệnh viện cũng đã miễn viện phí cho gia đình này.

Là một bệnh viện tuyến trung ương nên việc tổ chức đội cấp cứu lưu động cấp cứu ngoài viện là một trong những hoạt động thường xuyên của Bệnh viện Phụ sản TW. Các địa phương lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh và thậm chí là Thanh Hoá cũng đã từng đón đoàn cấp cứu lưu động của bệnh viện. Trong dịp tết, việc trực chiến càng tăng cường hơn vì hệ thống cấp cứu các bệnh viện khác đều giảm, ca nặng từ tuyến dưới đều chuyển lên...

Do vậy, trong những ngày Tết này, vẫn như mọi năm, khi mọi người đang nghỉ ngơi du xuân thì với các bác sĩ sản khoa, đó là những ngày như mọi ngày khác, với bệnh nhân, với tiếng khóc trẻ sơ sinh và tiếng cười mãn nguyện của người nhà.

Hiền Lê 

Bình luận
vtcnews.vn