DN Việt bắt đầu gặp khó khi xuất nhập hàng từ Nhật

Kinh tếThứ Sáu, 18/03/2011 09:17:00 +07:00

Thảm họa động đất, sóng thần và nguy cơ hạt nhân tại Nhật Bản khiến không ít DN Việt bắt đầu gặp khó khi hoạt động xuất nhập ngưng trệ.

Thảm họa động đất, sóng thần và nguy cơ hạt nhân tại Nhật Bản, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, khiến không ít doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khi hoạt động xuất nhập ngưng trệ.

Chưa đầy một tuần, hàng loạt các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su…) đồng loạt rớt giá. Những nhóm hàng khác như đồ gỗ, dệt may, da giày... cũng bắt đầu gặp trục trặc.

Thủy sản vạ lây

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lương Lê Phương, sự cố động đất, sóng thần vừa qua ở Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thời gian tới chắc chắn các đối tác sẽ giảm đơn hàng. Ông Phương khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản phải có hướng tìm kiếm thị trường mới thay thế.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ động lường trước ảnh hưởng đang sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bạn hàng. Ảnh: Trung Kiên. 
Chủ động tình hình, ông Ngô Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH kinh doanh chế biến và xuất khẩu thủy sản Quốc Việt (Cà Mau), cho biết, hiện đang tập trung giao hàng theo hợp đồng đã ký, đồng thời tìm những đơn hàng mới tại EU, Mỹ… để thay thế  trường hợp đơn hàng từ Nhật bị giảm.

Phía doanh nghiệp nông sản, ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa, cho biết, thị trường chính của Cà phê Biên Hòa là Mỹ và Trung Quốc, Nhật chỉ nhập khối lượng không nhiều cà phê rang xay, nhưng cũng không khỏi lo tác động về giá. Rõ nhất là giá cà phê nhân trong nước liên tiếp giảm những ngày qua. Năm 2010, Việt Nam đã xuất sang Nhật 53.052 tấn cà phê, chiếm khoảng 5% tổng lượng xuất khẩu.

Gây lo ngại nhất hiện là cao su, bởi Nhật Bản là nơi tiêu thụ cao su lớn nhất nhì thế giới. Theo ông Phan Tấn Hải, Phó Chủ tịch hội doanh nhân trẻ (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam), lượng cao su xuất khẩu sang Nhật chỉ chiếm 3 - 5% tổng sản lượng cao su xuất khẩu nước ta. Dưới góc độ nào đó thì  không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, giá mặt hàng này lại chịu biến động chung của thị trường thế giới, mà giá cao su giao dịch trên sàn Tocom (Nhật Bản) giảm mạnh những ngày qua đã kéo giá mặt hàng này “tụt dốc” hằng ngày.

Dù vậy, cũng có doanh nghiệp ngành này tỏ ra lạc quan. Ông Trần Thanh Phụng, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, doanh nghiệp xuất trực tiếp cao su vào Nhật Bản, cho biết, giá cao su rớt liên tiếp sau mấy ngày xảy ra động đất và sóng thần khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lo sợ. Nhưng “Nhật Bản vẫn phải sản xuất tái thiết nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua vào, nên trở ngại sẽ không kéo dài”, ông Phụng nói. 

Lo hàng nhập khẩu

Không chỉ có mối lo ngưng trệ hàng hóa xuất đi, thông tin rò rỉ chất phóng xạ đang gây quan ngại về các loại hàng nhập khẩu từ Nhật về Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, hiện vẫn chưa đủ căn cứ để đưa ra quyết định nhập khẩu nông sản từ Nhật. ”Nhưng Việt Nam đã có những quy định kiểm soát sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ động thực vật, và yêu cầu các nước xuất khẩu phải chấp hành...”, ông Hào nói.

Cũng theo ông Hào, nước ta nhập khẩu rất ít hàng nông sản từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đang cân nhắc để đưa ra những biện pháp phù hợp, nếu cần sẽ có văn bản cảnh báo những doanh nghiệp nhập hàng về. Với những thực phẩm có bằng chứng không an toàn về chất lượng, và đã có cảnh báo từ cộng đồng quốc tế, sẽ hạn chế nhập khẩu.  

Một chuyên gia trong ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản bày tỏ, Nhật Bản đã thực sự chìm trong thảm họa về mọi mặt, việc ảnh hưởng lan truyền đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường này là đương nhiên. Với doanh nghiệp Việt Nam, nhiều bạn hàng Nhật đã trở thành đối tác “ruột”, khi họ đặt hẳn trụ sở đại diện bên Việt Nam và làm ăn rất uy tín. Doanh nghiệp Việt Nam ngoài lường trước ảnh hưởng đang sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bạn hàng.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật là thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ... Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều Việt  - Nhật đạt 16 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật là 4,8 tỷ USD. Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trên 1,1 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.


Theo Báo Đất Việt

 
  Các thí sinh quan tâm đến  cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].

Bình luận
vtcnews.vn