DN tư nhân tán thành Điều lệ Đảng sẽ được vào Đảng

Thời sựThứ Bảy, 15/01/2011 03:53:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi rất đồng tình với quan điểm của Đại hội. Nếu những người từ các doanh nghiệp tư nhân tán thành Điều lệ Đảng thì sẽ được vào Đảng thôi..."

(VTC News) "Vấn đề này thì tôi rất đồng tình với quan điểm của Đại hội.Nếu những người từ các doanh nghiệp tư nhân tán thành Điều lệ Đảng thì sẽ được vào Đảng thôi. Đảng ta luôn sẵn sàng mở rộng. Nếu anh tiến bộ, anh chấp nhận đi theo con đường CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN thì được là một người đảng viên là rất tốt và hoạt động đúng theo Điều lệ của Đảng thì không có gì đáng ngại cả"- ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai nói.

Nên bầu trực tiếp hay không bầu trực tiếp Tổng Bí thư? Công hữu tư liệu sản xuất hay đa sở hữu tư liệu sản xuất? Có nên kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng Cộng sản Việt Nam? Nhiều vấn đề vẫn đang cần sự đồng tình nhất trí của Đại hội XI. VTC News ghi lại một số ý kiến bên lề của các đại biểu tham dự Đại hội chiều ngày 14/1.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng, đại biểu đoàn Sóc Trăng:


Trong cuộc họp báo trước thềm Đại hội tại Hà Nội sáng 10/1/2010, trả lời câu hỏi của báo chí về việc bầu chức danh Tổng Bí thư, ông Trần Lưu Hải, Phó Trưởng Ban tổ chức TW cho biết, trong Điều lệ Đảng khóa X chưa đề cập đến việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư, nhưng nếu đa số đại biểu tham dự Đại hội XI yêu cầu thì Đại hội sẽ tiến hành bầu trực tiếp Tổng Bí thư. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Trước hết, tôi cũng rất quan tâm đến điều này trong Đại hội Đảng XI. Vì việc này, trong năm 2010, dù chưa có quy định trong Điều lệ Đảng khóa X, nhưng Ban Tổ chức TW đã từng bước thực hiện thí điểm ở 10 địa phương trong cả nước. Kết quả bước đầu cũng khá tốt được dư luận trong và ngoài Đảng đều đồng tình ủng hộ. Người lãnh đạo ở cơ sở được bầu ra có uy tín và năng lực được sự ủng hộ của địa phương. 

Quan điểm của riêng tôi về việc bầu trực tiếp Tổng Bí thư tại Đại hội XI lần này trước hết cần phải tuân theo điều lệ Đảng. Và cái gì cũng có hai mặt của nó nên cần phải được thảo luận trước để thấy những mặt được và những mặt không được của việc bầu trực tiếp rồi lúc đó mới đi đến kết luận được. Còn hiện giờ tôi chưa thể đánh giá gì hơn.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Quang Tùng)

Thực tế tỉnh Sóc Trăng vừa rồi đã thí điểm bầu trực tiếp, trước đó phải qua một quá trình chuẩn bị gần 1 năm và phải làm các quy hoạch nhân sự từ cấp cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Trong quá trình đó phải trao đổi và lấy phiếu thăm dò theo Điều lệ Đảng. Sau quá trình như thế mới bắt đầu bỏ phiếu ở ngay trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 

Nhiều người quan tâm đến vấn đề số dư, nhưng điều này tùy theo số lượng phiếu thực tế, còn lúc ban đầu thì không hạn chế số lượng. Ở đây, việc chọn một người lãnh đạo tài năng (hay lãnh tụ) thì làm gì có số dư. Do vậy, việc bầu trực tiếp Tổng Bí thư hay không thì trước hết phải tuân theo Điều lệ Đảng và được sự chấp thuận của Đại hội khi đưa ra thảo luận.

Trong những phiên thảo luận vừa qua, Đại hội đã đươc nghe ý kiến của nhiều đại biểu về việc trong văn kiện dự thảo có ghi “công hữu về tư liệu sản xuất” và đã có những ý kiến chưa đồng tình. Cá nhân ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Như GS. Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), đồng chí Võ Đức Huy (Đoàn đại biểu Khối Doanh nghiệp Trung ương) hay đồng chí Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bô Kế hoạch và Đầu tư) đã có những trao đổi lại về những vấn đề này. Ở đây, mỗi một bên đều có những lý luận của họ và không sai so với chủ nghĩa Mác. Mà vấn đề là khi đọc một câu văn như thế thì mỗi một người có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau, chính vì thế mới phải đem ra thảo luận dân chủ trong Đại hội và từ các cấp thì nó mới tạo được sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội để mà phát triển. 

Việc này phải nghiên cứu kỹ lịch sử phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là quá trình xây dựng các cương lĩnh. Như GS. Lê Hữu Nghĩa đã nói thì cái mô hình này còn nhiều vấn đề phải bàn. Còn việc nó ảnh hưởng đến việc đầu tư của các doanh nghiệp thì còn phải phụ thuộc vào quan niệm của từng người về cái sở hữu đó và về cái vốn đó như thế nào nữa. 

Hơn lúc nào hết cương lĩnh là để định hướng cho toàn Đảng, toàn dân thu hút được mọi nguồn lực từ nhiều phía đóng góp cho xã hội nên ghi như thế nào để đạt được sự đồng thuận cho xã hội, cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì đó là những vấn đề đang đặt ra cho Đại hội.

Vậy ông nghiêng về phía nào đối với vấn đề này?

Cá nhân tôi nếu ghi định hướng CNXH dựa trên 1 nền công hữu về TLSX thì chúng ta phải giải thích nó ở thời kỳ 100 hay 200 năm nữa. Vì đây là cương lĩnh trong thời kỳ quá độ thì chúng ta không thể nói được là quá độ của chúng ta là 50 năm hay 100 năm.

Thế nên chúng ta phải hiểu những nhận thức của chúng ta về xã hội 100 năm hay 200 năm sau nó sẽ rất khác nhau. Giống như những năm 1990 khi chúng ta tiến hành thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp thì lúc đó cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc tư nhân hóa. Mác đã từng nói sở hữu xã hội sẽ là sở hữu phổ biến ở xã hội tương lai. Và đã có lúc chúng ta nghĩ sở hữu xã hội đồng nhất với sở hữu công, thì ngay lập tức những nhà làm điều hành nói là nó đang có vấn đề đối với việc phát huy động lực. Do vậy cần thảo luận để có cái nhìn chính xác hơn cho từng thời kì.

Trả lời về vấn đề “công hữu tư liệu sản xuất” trong văn kiện, ông Huỳnh Tấn Kiệt – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết:


Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận tôi thấy nhiều đoàn đại biểu nhất trí theo Dự thảo Văn kiện. Với riêng tôi thì vấn đề sở hữu cần xem xét dưới góc độ nó là nguồn gốc của bóc lột (mà không thể tránh khỏi) theo học thuyết khoa học của chủ nghĩa Mác.

Đại biểu Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. (Ảnh Quang Tùng)

Nhưng tại Hội nghị TW 14 thì khi biểu quyết về vấn đề này có sự chênh lệch về tỷ lệ đồng tình giữa 55% và 45%, tương đối là khác biệt?

Tất nhiên là sẽ có khác biệt và điều khác biệt đó đặt ra vấn đề là chúng ta phải tiếp tục thảo luận để đi đến kết quả khoa học nhất và đảm bảo để chúng ta xác định một chủ trương tốt nhất trong quá trình đưa đất nước đi lên CNXH.

Điều lệ Đảng lần này có sự sửa đổi là sẽ kết nạp vào Đảng những cá nhân từ khối doanh nghiệp tư nhân. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề này thì tôi rất đồng tình quan điểm của Đại hội. Nếu những người từ các doanh nghiệp tư nhân tán thành Điều lệ Đảng thì sẽ được vào Đảng thôi. Đảng ta luôn sẵn sàng mở rộng. Nếu anh tiến bộ, anh chấp nhận đi theo con đường CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN thì có thể trở thành đảng viên và làm đúng Điều lệ Đảng thì không có gì đáng ngại cả. 

Đã là người đảng viên thì dù trong thành phần kinh tế nhà nước hay ngoài nhà nước thì nó cũng gần giống nhau thôi. Mục tiêu lớn nhất là chúng ta đưa nhanh đất nước chúng ta đi lên CNXH. Còn từng bước một, từng giai đoạn một thì Đảng sẽ có những sách lược, quyết sách quyết định vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng chủ doanh nghiệp tư nhân là tư sản, mà kết nạp tư sản thì sẽ mâu thuẫn với ý tưởng ban đầu của Đảng? Và điều này gây ra nhiều tâm tư khác nhau?

Theo tôi thì vấn đề này có rất nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là những vấn đề thuộc về lý luận. Thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa làm rõ, nhưng đây là vấn đề của Đảng thì tôi nghĩ là sẽ thành công.

Ông Huỳnh Văn Tới – Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết ý kiến về câu hỏi trên:

Tâm tư (về việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng) là có. Những kỳ Đại hội trước đặt ra vấn đề là kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều luồng ý kiến và số đông không đồng tình vì nó trái với những nguyên lý ban đầu của Đảng. Nhưng tất cả đã được chứng thực trong thực tiễn. 

Ở địa bàn Đồng Nai, ban đầu cũng có rất nhiều băn khoăn về mặt lý luận, nhưng bây giờ sự băn khoăn đó là ở từng con người cụ thể. Có những chủ doanh nghiệp tư nhân yêu nước thực sự, tính đảng và phẩm chất của một đảng viên rất tốt và họ đã tỏa sáng.

Đại biểu Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai. (Ảnh Quang Tùng)

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng vấn đề để đánh giá tổ chức cơ sở Đảng ở những doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn còn nhiều bất cập?

Đúng là khi đánh giá thì có chỗ còn yếu và nhiều khi chưa toàn diện. Điều này không phải do bản chất của mô hình tổ chức cơ sở Đảng đó mà do điều kiện hoạt động, con người và những nhân tố mới ở đó. Ví dụ, việc sinh hoạt Đảng ở hệ thống chính trị truyền thống của mình thì quá tốt vì được đảm bảo bằng cơ chế, luật pháp, nhưng trong doanh nghiệp thì anh sinh hoạt vào lúc nào? Nếu sinh hoạt vào giờ sản xuất thì sẽ tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp đó thì chắc chắn họ sẽ không thích. Do vậy, giờ sinh hoạt, cách thức sinh hoạt cần có cách đổi mới như thế nào đó để nó vừa phù hợp với doanh nghiệp mà lại phù hợp với tác phong của công nhân tại doanh nghiệp. Đây là một quá trình tìm kiếm cái mô hình sinh hoạt cho phù hợp, chứ bản chất của cơ sở Đảng đó thì không có gì đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy rõ có rất nhiều chủ doanh nghiệp đã có những ý tưởng đóng góp cho đất nước. 

Giờ đây nhiều vấn đề về cách hành xử cũng khác xưa, giai cấp công nhân cũng được chia ra nhiều loại và phân hóa do vậy về mặt lí luận chúng ta phải tiến hành nghiên cứu sâu hơn.

Người Việt vẫn còn “dị ứng với người giàu” - dấu ấn của văn hóa có tính truyền thống. Ở đây là vấn đề định hướng tuyên truyền, sao cho người giàu là chủ các doanh nghiệp có đóng góp cho xã hội được biểu dương, đồng thời được giám sát, chẳng hạn để làm sao người nghèo nhận thấy họ đang được chia sẻ về mặt vật chất và tinh thần... Đồng thời rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tùng (lược ghi)

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn