DN kinh doanh tiền gửi dễ gây "méo mó" thị trường

Kinh tếThứ Tư, 15/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo TS.Nguyễn Minh Phong, việc DN kinh doanh tiền gửi sẽ gây những hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí có thể gây “méo mó” thị trường...

(VTC News) -  Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, hiện tượng một số doanh nghiệp lớn dùng tiền vay với lãi suất ưu đãi để đem gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn nhằm ăn chênh lệch sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt thậm chí có thể gây “méo mó” thị trường trong chính sách thị trường.

Những ngày qua, thị trường lãi suất “nhiễu loạn” chưa từng có. Khơi mào từ một số ngân hàng thương mại nhỏ muốn thu hút nguồn vốn đã đưa ra mức lãi suất cao hơn lãi suất ấn định của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và các Hiệp hội ngân hàng.

Đáng chú ý nhất là Ngân hàng Techcombank (Top 3 Ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu) đưa ra mức lãi suất “khủng” lên tới 17,6%/năm (cả thưởng) và ngân hàng Ngân hàng cổ phần Đông Nam Á (Seabank) đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 18%/năm.

TS.Nguyễn Minh Phong  - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: "Hiện tượng doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng này để kinh doanh tiền gửi tại ngân hàng khác, trách nhiệm trước tiên thuộc về người  vay".
Cuộc chạy đua này chỉ có dấu hiệu dừng lại khi NHNN "tuýt còi" Techcombank ngày 8/12 sau đó.

Đến ngày 13/12, sau khi làm việc với NHNN TP.HCM, các ngân hàng thương mại phía Nam đồng thuận sẽ đưa lãi suất huy động tiền đồng về tối đa 14%/năm và không  vượt quá 15% kể cả khuyến mại.


Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh về lãi suất những ngày qua giữa các ngân hàng đã khiến thị trường “nháo nhào”. Từ người lao động đến giới công chức cũng tỏ ra nóng lòng về tin tức lãi suất với tâm lý sẽ rút tiền tiết kiệm để đem gửi ở ngân hàng có mức lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ sự “biến động” của thị trường lãi suất những ngày vừa qua có lẽ là giới doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với lãi suất cho vay xấp xỉ 20%/năm sẽ có rất ít doanh nghiệp kham nổi.


Tuy nhiên, thực tế hiện nay có hiện tượng một số doanh nghiệp lớn lấy tiền vay với lãi suất ưu đãi để đem gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn nhằm ăn chênh lệch. Số này tuy không nhiều nhưng theo TS.Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội - nếu sự việc này có thật sẽ gây nên những hệ lụy không tốt, thậm chí có thể gây “méo mó” thị trường trong chính sách thị trường.


TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định: "Hiện tượng doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng này để kinh doanh tiền gửi tại ngân hàng khác, trách nhiệm trước tiên thuộc về người  vay. Người cho vay cũng phải chịu trách nhiệm tương đương vì đã không thanh, kiểm tra đến nơi đến chốn”.   


Việc doanh nghiệp kinh doanh tiền gửi sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Bởi vì nó sẽ bài xích các chính sách của nhà nước và tạo nên sự bất công, bất bình đẳng cũng như làm "méo mó" thị trường trong chính sách thị trường.
Chưa hết, nó còn tạo ra kẽ hở để lọt các chính sách của nhà nước nên  NHNN cũng có một phần trách nhiệm do không “rốt ráo” trong việc kiểm tra, giám sát. 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN: "Cuộc cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng và mức lãi suất huy động đẩy lên tới 17-18% như những ngày vừa qua là mầm mống cho sự hỗn loạn thị trường..."
Do vậy, theo TS. Nguyễn Minh Phong: "Giải pháp để ngăn chặn hiện tượng trên nhằm kiểm soát tốt nguồn vốn vay ưu đãi, trước tiên phải minh bạch trong vấn đề vay và cho vay. Ngoài ra, phải đặc biệt chú ý đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cả người đi vay và người cho vay. Có vậy mới đưa  vốn vay ưu đãi đi đúng hướng là được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh".

Trong cuộc trao đổi gần đây với VTC News, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN - nhận định: "Cuộc cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng và mức lãi suất huy động đẩy lên tới 17-18% như những ngày vừa qua là mầm mống cho sự hỗn loạn, cho sự đổ vỡ. Ông Kiêm cũng khẳng định, trước đây việc “nhiễu loạn” thị trường lãi suất chưa từng xảy ra. Đặc biệt là việc các doanh nghiệp lớn lợi dụng vay vốn ưu đãi để kinh doanh tiền gửi là không có".


Theo ông Kiêm, hiện nay lãi suất bình quân ở Việt Nam là 15-17%, cao nhất trên thế giới. Tại sao lại cao như vậy? Theo ông Kiêm, lãi suất phụ thuộc vào chỉ số tăng giá mà chỉ số tăng giá cao thì lãi suất cao. Mà lãi suất thì phải trừ trượt giá. Nhưng do cung cầu chênh lệch nhau và về cơ bản, Việt Nam là một nước nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh nên chi phí rủi ro cao cộng với tâm lý của người dân Việt ta, không tiếp cận thông tin chính thống chỉ làm theo “tin đồn” nên tỉ lệ trượt giá của ở Việt Nam cao.


Việc đẩy lãi suất huy động lên tới 17-18%/năm và lãi suất cho vay lên tới 20%/năm như những ngày vừa qua, theo ông Cao Sỹ Kiêm hoàn toàn không phải do cung cầu mà là do sự khan hiếm ảo, có lợi ích cục bộ.


Việc này sẽ gây ra lạm phát ảo, tăng giá ảo, tạo ra tâm lý không yên tâm đối với người sản xuất kinh doanh. Chưa hết, theo ông Kiêm việc trục lợi cá nhân như một số doanh nghiệp vừa qua sẽ gây rối loạn nền kinh tế, không phản ánh thực tế nền kinh tế và gây méo mó hoạt động chính sách tiền tệ.


Thu Hiền


Bình luận
vtcnews.vn