Dịp lễ Vu lan ngẫm về 'gánh cơm giỗ sống'

Thời sựThứ Sáu, 31/08/2012 01:40:00 +07:00

(VTC News)- “Bố tôi mất đi, ước mong dâng bố mẹ “gánh cơm giỗ sống” của tôi chẳng được trọn vẹn nữa. Dịp Vu lan này nhắc nhở tôi trân trọng những gì đang có..."

(VTC News) – “Bố tôi mất đi, ước mong dâng bố mẹ “gánh cơm giỗ sống” của tôi chẳng được trọn vẹn nữa. Dịp Vu lan này nhắc nhở tôi trân trọng những gì mình đang có: người mẹ một nắng hai sương ở quê..."

Hãy cùng VTC News lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc về ngày lễ Vu lan trong lòng những người trẻ.

Lê Phương (cựu sinh viên Học viện báo chí):

Lê Phương: " Tôi vẫn luôn đau đáu với người mẹ tần tảo"
“Nói về báo hiếu, tôi xin chia sẻ câu chuyện của tôi: lúc còn nhỏ, gia đình làm nghề nông nên ngoài thời gian cắp sách tới trường thì tôi chỉ biết chăn trâu cắt cỏ, sống dựa dẫm vào bố mẹ, cũng không biết gì về ý nghĩa của Vu lan hay báo hiếu…

Sau này lớn hơn, có điều kiện học hỏi, mắt thấy tai nghe tôi biết về “gánh cơm giỗ sống” của người dân tộc Nguồn ở Quảng Bình và cứ bị… ám ảnh mãi.

Họ, những những người con, người cháu trong dân tộc Nguồn khi trưởng thành đều làm một mâm cơm thịnh soạn để “giỗ sống” ông bà, cha mẹ với quan niệm đơn giản là những bậc sinh thành ra mình quanh năm vất vả nuôi mình, bây giờ trưởng thành, phải làm mâm cơm báo hiếu cha mẹ chứ đến khi họ sang thế giới bên kia rồi thì làm sao báo hiếu được nữa.

Do đó, mâm cơm “giỗ sống” của họ không cần thiết phải cao sang nhưng nó phải thể hiện được tấm lòng hiếu lễ của con cháu đối với cha mẹ, ông bà.

Thấy người ngẫm ta, tôi cũng muốn có một “gánh cơm” như thế từ lâu để dâng bố mẹ mình, nhưng đến giờ tôi chưa làm được.

Tôi vẫn luôn trăn trở mỗi khi nghĩ về những năm tháng học đại học xa nhà, khi đó tôi chưa cảm nhận hết được ý nghĩa của việc bố tôi ở quê bện từng cái chổi cọ, còng lưng dậm tép ở ngoài ngòi, hay hái từng quả cọ luộc mang lên chợ quê bán, chắt chiu từng đồng tiền lẻ gửi tôi ăn học. Mẹ tôi cũng sớm nắng chiều mưa phơi thân ngoài đồng để gửi cho tôi túi gạo, nhánh khoai, đùm trứng…

Khi “gánh cơm giỗ sống” bố mẹ vẫn còn nằm trong tâm thức của tôi thì bố tôi chẳng may ngã và mất trong một lần trèo cây cọ lấy bẹ bện chổi – khi đó, tôi còn đang ngồi học trên giảng đường. Ông mất đi, cái ước mong dâng bố mẹ mâm cao cỗ đầy của tôi chẳng được trọn vẹn nữa.

Mẹ tôi đã còng lưng nuôi tôi nốt những năm tháng học Đại học, giờ ra trường, tôi vẫn luôn đau đáu với người mẹ tần tảo và đứa em còn nhỏ ở quê. Tôi lao vào làm việc, đủ thứ việc từ bán bánh mì thuê, bán hàng thời vụ, giao hàng khắp thành phố để “lấy ngắn nuôi dài” mong sớm tìm được công việc phù hợp với tấm bằng đại học của tôi, để tôi có điều kiện chia sẻ với mẹ gánh nặng mưu sinh, cho mẹ bớt nhọc nhằn, cho nụ cười của mẹ dành cho tôi không chỉ ở khóe miệng mà còn bừng lên trong ánh mắt nữa.

Tôi thấy cuộc sống ngày nay “chất lượng” hơn trước rồi, người ta chú ý đến lễ hơn, những dịp vu lan như bây giờ, người ta đi lễ nườm nượp, dâng đủ của ngon vật lạ cho người đã khuất.

Nhưng tôi cũng thấy hiện nay không ít người con thành đạt hoặc chưa thành đạt cũng ít khi thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ mình, nhiều người lấy lý do cuộc sống bộn bề nên không thể hiện sự quan tâm bố mẹ được. Thành ra, với nhiều người, bố mẹ mất đi mới… báo hiếu – không biết những mâm cao cỗ đầy đó có ý nghĩa với người đã khuất không?

Tôi tuy không còn cơ hội dâng cho người bố của mình “gánh cơm giỗ sống” nữa, nhưng tôi luôn nhớ về ông, luôn trân trọng sự lao động cần mẫn hết lòng vì gia đình của ông, luôn biết ơn ông và nhất định sau này sẽ truyền đạt lại cho con cái mình những đức tính tốt của người ông đã hy sinh cuộc sống vì bố của chúng.

Với tôi, dịp Vu lan này cũng nhắc nhở tôi trân trọng những gì mình đang có: người mẹ một nắng hai sương ở quê, gia đình, người thân yêu của mình, nhắc tôi càng phấn đấu nhiều hơn nữa, để có được một “gánh cơm giỗ sống” dâng lên mẹ, ở gánh cơm đó sẽ có giọt mồ hôi của tôi, giọt nước mắt của tôi, tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi dành cho mẹ”.

Quỳnh Thơ – cựu sinh viên Học viện Báo chí:

“Vào lễ Vu lan những năm trước đây, do xa nhà nên dù rất nhớ nhưng Thơ cũng chỉ gọi điện và hỏi thăm bố mẹ, sau đó Thơ đến chùa cầu cho ông bà, bố mẹ mạnh khỏe, cầu cho các vong hồn trong gia tộc được siêu thoát, tổ tiên dưới suối vàng phù hộ độ trì cho cả nhà.

Năm nay Thơ được ở bên gia đình của mình đúng ngày lễ Vu lan, Thơ được cùng mẹ sắp lễ xá tội vong nhân và tự tay làm mấy món “tủ” để cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức. Thơ cũng sẽ tặng mẹ một bó hoa hồng đỏ - điều mà ít khi Thơ làm được trong những năm tháng xa nhà.

Dù được gọi là “người trẻ”, nhưng Thơ hiểu rõ và trân trọng ý nghĩa của ngày rằm tháng 7, của lễ Vu lan, lễ xá tội vong nhân - một tục lệ giàu tính nhân văn, nhân đạo, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt mình.

Đây là dịp để con cái thể hiện những tình cảm đặc biệt nhất đối với bố mẹ, gia đình, nhưng Thơ nghĩ giản dị thế này, ngày nào với Thơ cũng là ngày Vu lan, bởi tình yêu với bố mẹ trong lòng Thơ là vô hạn.

Thơ là con duy nhất trong nhà, nên với Thơ bố mẹ là tất cả, chắc với bố mẹ thì Thơ cũng vậy, nên cả gia đình yêu thương nhau, luôn hướng về nhau dù ở đâu – đó là niềm hạnh phúc nhất mà Thơ muốn “khoe” trong dịp này”.

Trần Hằng – cán bộ Thành đoàn Hà Nội:

Trần Hằng: "Tôi mang ơn bố mẹ đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng, bao bọc tôi".
“Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe bà, nghe mẹ kể về điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ trong mỗi dịp xem bà và mẹ cúng rằm tháng bảy. Mỗi năm mỗi lớn, nghe lại tích này, tôi càng thấm ý nghĩa của sự hiếu thuận, thấy yêu bà, yêu mẹ nhiều hơn – đó là những người luôn bên tôi, yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho tôi ngay cả khi tôi đã khôn lớn.

Giờ đây, khi tôi đã có công việc ổn định tại Hà Nội nhưng lại xa quê hương, xa gia đình, xa mẹ - mỗi dịp lễ Vu lan, nhìn xung quanh mọi người có mẹ cha ở bên, thấy mọi người cùng hướng về đấng sinh thành thì nỗi nhớ người thân trong tôi càng da diết hơn.

Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi mang ơn bố mẹ đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng, bao bọc tôi. Điều mong ước giản dị của tôi là đem đến cho bố mẹ nhiều niềm vui, sự hãnh diện với bà con, làng xóm bằng sự nỗ lực trong công việc, cuộc sống và thành công của mình.

Cũng nhân ngày lễ đặc biệt này cho tôi được nói rằng: “Bà, bố, mẹ kính yêu của con! Con cầu chúc cho gia đình mình luôn vui vẻ, mạnh khỏe, các em chăm ngoan học hành và như thế gia đình mình sẽ thật hạnh phúc. Con yêu cả nhà!”.

Kim Ngân, phóng viên một tờ báo mạng (Mai Dịch, Hà Nội):

“Ai cũng đều có một lòng biết ơn, kính trọng và yêu thương người đã sinh thành ra mình. Người ta đã từng nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.

Mình luôn hiểu rằng, bố mẹ là những người yêu thương, lo lắng cho con cái nhất. Lòng kính trọng và biết ơn cha mẹ trong ngày lễ Vu lan này không cần phải phô trương, cầu kỳ, mà hãy thể hiện tình cảm bằng tất cả tấm lòng của mình trong từng lời nói, hành động của mình để bố mẹ vui và tự hào.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay, do tác động của lối sống nhanh, gấp, của chủ nghĩa thực dụng…nên không ít người coi nhẹ những phong tục văn hóa truyền thống, tình cảm gia đình đang dần đi xuống, xã hội xuất hiện không ít những người con bất hiếu với cha mẹ - nhưng đó là những hành động, những con người bị xã hội lên án. Mình nghĩ, phận làm con, với bố mẹ nói riêng, với mọi người nói chung hãy luôn sống hướng thiện, đừng mắc lỗi thì không phải sám hối”.

Trần Vũ – Hà Vy

Bình luận
vtcnews.vn